July 14, 2024 | 14:00 GMT+7

Trung Quốc vượt xa Hoa Kỳ trong cuộc đua ứng dụng AI tại nơi làm việc

Sơn Trần

Mặc dù theo nghiên cứu, Trung Quốc đang vượt xa Hoa Kỳ về số doanh nghiệp sử dụng AI, nhưng Hoa Kỳ lại là quốc gia triển khai công nghệ này toàn diện và đồng bộ hơn…

Hai siêu cường Hoa Kỳ - Trung Quốc đang cạnh tranh nhau khốc liệt ở mọi mặt lĩnh vực công nghệ.
Hai siêu cường Hoa Kỳ - Trung Quốc đang cạnh tranh nhau khốc liệt ở mọi mặt lĩnh vực công nghệ.

Hai siêu cường thế giới đang cạnh tranh nhau về mọi thứ, từ công nghệ để thiết kế phần cứng và phần mềm, cho đến nguyên liệu thô cung cấp năng lượng cho hệ thống AI. Cả hai quốc gia cũng đều sử dụng trợ cấp chính phủ để thúc đẩy giải pháp, tiến bộ mới.

Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng việc sử dụng AI tạo sinh (GenAI) của doanh nghiệp Trung Quốc đang vượt xa Hoa Kỳ. Theo đó, 83% người kinh doanh ở Trung Quốc báo cáo sử dụng công nghệ này, trái ngược với chỉ 65% ở Hoa Kỳ, thậm chí còn đứng sau Vương quốc Anh, theo Tech Co.

Tuy nhiên, Trung Quốc không chiếm ưu thế trên mọi phương diện, bởi gần một phần tư nhà lãnh đạo doanh nghiệp Hoa Kỳ được khảo sát (24%) đã triển khai GenAI toàn diện trong tổ chức. Xét về góc độ này, Hoa Kỳ đang dẫn đầu, bỏ xa Trung Quốc phía sau với 19% công ty tích hợp đầy đủ công nghệ vào vận hành và kiến trúc kinh doanh.

Dẫu vậy, việc triển khai AI tạo sinh toàn diện, đồng bộ tại doanh nghiệp, thay vì hướng đến sử dụng rộng rãi, có thể là một tín hiệu tốt về thành công trong tương lai. Ông Stephen Saw, Giám đốc Điều hành công ty nghiên cứu Coleman Parks nhận xét về kết quả báo cáo: "Sử dụng rộng rãi không đồng nghĩa với hiệu quả và mang lại lợi nhuận cao hơn".

AI LÀ CUỘC CHẠY ĐUA MARATHON

SAS nghiên cứu về việc áp dụng AI tại nơi làm việc trên toàn cầu, thực hiện khảo sát 1.600 nhà lãnh đạo ở một số thị trường trọng điểm và đa dạng các ngành công nghiệp.

Ông Bryan Harris, Phó Chủ tịch Điều hành SAS, tuyên bố doanh nghiệp cần tách biệt giữa "quảng cáo và thực tế", thay vào đó nên tập trung "triển khai có mục đích để mang lại kết quả kinh doanh hiệu quả hơn". 

Xét về các mối lo ngại đạo đức liên quan đến việc sử dụng AI, bao gồm cả quyền riêng tư dữ liệu, thì việc doanh nghiệp tiếp cận công nghệ theo cách thận trọng là hoàn toàn hợp lý.

Thống kê về thành tựu ứng dụng AI toàn diện trong khu vực, Bắc Mỹ (Hoa Kỳ và Canada) là hai quốc gia điển hình với tỷ lệ 20%. Bên cạnh đó, khu vực APAC (bao gồm Trung Quốc, Úc, Nhật Bản và một vài quốc gia khác) chỉ đạt một nửa - 10% doanh nghiệp triển khai đồng bộ AI vào quy trình hàng ngày.

RÀO CẢN TRONG KINH DOANH KHI TRIỂN KHAI AI TẠO SINH

Giới chuyên gia cho rằng có ba mối quan tâm chính mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu cần xác định nguyên nhân khiến việc sử dụng GenAI chưa hiệu quả.

Thứ nhất, thiếu chiến lược AI rõ ràng. Chín trong số mười nhà lãnh đạo cao cấp không hiểu AI tạo sinh tác động đến quy trình kinh doanh như thế nào.

Thứ hai, không đủ dữ liệu. Không có đủ lượng dữ liệu cần thiết để đào tạo mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), chẳng hạn như ChatGPT-5 sắp ra mắt của OpenAI.

Thứ ba, quy định về AI. Chỉ 1/3 số công ty tham gia khảo sát cảm thấy AI được trang bị tuân thủ các quy định sắp tới và chỉ 5% sở hữu hệ thống đáng tin cậy chống thiên vị và đảm bảo quyền riêng tư.

Khó khăn của doanh nghiệp trên toàn khi cầu nắm bắt tiềm năng AI tạo sinh dường như là do thiếu chiến lược kinh doanh, lỗ hổng kiến thức nghiêm trọng và những thông tin quan trọng không đến được với lãnh đạo cấp cao. Tuy nhiên, bất chấp trở ngại, những doanh nghiệp áp dụng công nghệ sớm đều gặt hái nhiều kết quả tích cực.

LỢI ÍCH CỦA AI TẠO SINH

Nghiên cứu của SAS cho thấy lợi ích thực tế của AI là rất hứa hẹn. Công nghệ không chỉ cải thiện lợi nhuận ròng của công ty (với chi phí hoạt động được báo cáo là thấp hơn) mà còn mang lại mức độ hài lòng cao trên mọi phương diện, từ nhân viên đến khách hàng.

Trong số những người đã làm việc với GenAI, 89% ghi nhận "trải nghiệm nhân viên được cải thiện". Hầu hết doanh nghiệp sử dụng AI đều khiến khách hàng hài lòng hơn, với 82% xác nhận "tỷ lệ giữ chân khách hàng tăng".

Ngoài ra, nghiên cứu của JP Morgan nhấn mạnh một số lý do chính tại sao việc ứng dụng GenAI cho doanh nghiệp là điều tất yếu để duy trì tính cạnh tranh. Nghiên cứu của hãng cho biết công nghệ giúp: Tiết kiệm chi phí và thời gian cần thiết để tạo nội dung; tăng năng suất và lợi nhuận; Thúc đẩy đổi mới và cải thiện mô hình kinh doanh.

JP Morgan kết luận AI tạo sinh có thể "giúp năng suất tại nơi làm việc bùng nổ trong khoảng một đến ba năm tới", ngoài việc kích thích nền kinh tế phát triển thì còn giúp tăng 7-10 nghìn tỷ USD GDP toàn thế giới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate