February 17, 2025 | 10:24 GMT+7

Trung Quốc xây thêm nhiều nhà máy điện than

Bình Minh -

Thực tế này đe dọa các mục tiêu về khí hậu của Trung Quốc, cũng như sự phát triển của năng lượng gió và năng lượng mặt trời...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Năm ngoái, ngành điện lực Trung Quốc khởi công xây dựng các nhà máy điện than mới với tổng công suất gần 100 gigawatt, con số lớn nhất trong gần 1 thập kỷ trở lại đây - một báo cáo mới được công bố cho biết.

Theo hãng tin CNN, việc Trung Quốc xây nhiều dự án điện than mới làm dấy lên mối lo ngại về việc liệu quốc gia có mức phát thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới này có thể đạt được các mục tiêu về khí hậu hay không. Ngoài ra, việc Trung Quốc tăng mạnh công suất điện than cũng có thể đe dọa sự phát triển của năng lượng mặt trời và năng lượng gió ở nước này - hai lĩnh vực mà Trung Quốc đang có tốc độ phát triển vượt Mỹ và châu Âu.

“Thay vì thay thế điện than, năng lượng sạch đang chỉ là một sự bổ sung cho tình trạng phù thuộc vào năng lượng hóa thạch”, báo cáo do Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CRERA) có trụ sở ở châu Âu và Tổ chức Theo dõi năng lượng Toàn cầu (GEM) có trụ sở ở Mỹ thực hiện nhận định về Trung Quốc.

Báo cáo này là một phần trong sự rà soát 6 tháng một lần của hai tổ chức trên về các dự án điện than ở Trung Quốc. Theo cơ sở dữ liệu toàn cầu về các dự án điện than của GEM, trong năm 2024, tổng công suất của các nhà máy điện than được khởi công xây dựng ở Trung Quốc là 94,5 gigawatt, lớn nhất kể từ năm 2015. Ngoài ra, các dự án bị trì hoãn với tổng công suất 3,3 gigawatt cũng được tái khởi động.

“Một số lượng lớn nhà máy điện than mới ở Trung Quốc sẽ đi vào hoạt động trong 2-3 năm tới, củng cố hơn nữa vai trò của than trong hệ thống điện của Trung Quốc”, báo cáo viết.

Mối lo ngại lớn ở đây là điện than có thể thay thế công suất của điện gió và điện mặt trời. Báo cáo cho biết trong 3 tháng cuối năm 2024, mức phát điện từ năng lượng hóa thạch của Trung Quốc duy trì ở mức cao, trong khi điện gió và điện mặt trời giảm sút mạnh.

Việc Trung Quốc xây dựng thêm nhiều nhà máy điện than mới là điều đã được kỳ vọng sau khi Chính phủ nước này phê chuẩn một loạt dự án nhà máy điện than vào năm 2022-2023, theo nhà phân tích Qi Qin của CRERA. “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc kiềm chế việc khởi công các nhà máy điện than đã được phê chuẩn để ngăn sự gia tăng của tình trạng dư thừa công suất, giảm phát thải và phù hợp với các cam kết về khí hậu của Trung Quốc”, bà Qin nói.

Hồi năm 2020, Trung Quốc công bố hai mục tiêu lớn về khí hậu, gồm đạt đỉnh về phát thải carbon vào năm 2030 và đạt trạng thái trung hòa carbon vào năm 2060.

Theo giới phân tích, lượng phát thải carbon của Trung Quốc có thể đã đạt đỉnh, và thách thức tiếp theo là bắt đầu giảm mức phát thải xuống. Tuần vừa rồi, Trung Quốc là một trong nhiều quốc gia trễ thời hạn mà Liên hiệp quốc (UN) đặt ra cho việc trình kế hoạch về cắt giảm phát thải đến năm 2035.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guoa Jiakun nói Chính phủ nước này đang lên một kế hoạch và sẽ nộp lên Liên hiệp quốc “đúng thời hạn trong năm nay”.

Báo cáo của CRERA và GEM cũng nói rằng Trung Quốc chiếm 93% tổng số nhà máy điện than được khởi công trên toàn cầu trong năm ngoái.

Năm ngoái, các dự án điện than được nộp hồ sơ xin cấp phép khởi công hoặc tái khởi động ở Trung Quốc có tổng công suất 68,9 gigawatt, giảm từ mức hơn 100 gigawatt của 2 năm trước. Đây là một dấu hiệu cho thấy hoạt động xây dựng nhà máy điện than ở nước này có thể chậm lại trong những năm sắp tới - theo báo cáo.

Ngoài ra, tổng công suất của các dự án nhà máy điện than được phê chuẩn ở Trung Quốc trong năm 2024 cũng giảm còn 66,7 gigawatt, sau khi tăng mạnh trong các năm 2022-2023.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate