Báo cáo mới từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, bối cảnh bùng nổ AI toàn cầu sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về môi trường vào năm 2030. Theo đó, quá trình xử lý dữ liệu sẽ cần năng lượng gần bằng toàn bộ năng lượng mà Nhật Bản đang sử dụng, trong đó chỉ một nửa là năng lượng tái tạo.
Tech.co đưa tin, nhu cầu điện toàn cầu từ các trung tâm dữ liệu sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030, với AI được dự đoán là động lực chính thúc đẩy sự gia tăng. Đặc biệt, việc xử lý dữ liệu sẽ tiêu tốn nhiều điện hơn ở Hoa Kỳ so với sản xuất thép, xi măng, hóa chất và tất cả hàng hóa tiêu tốn nhiều năng lượng khác cộng lại trong cùng khoảng thời gian.
Đầu tư toàn cầu vào AI chưa có dấu hiệu giảm sút, khi công nghệ hỗ trợ đáng kể đổi mới toàn diện nơi làm việc và doanh nghiệp trên toàn thế giới. Nghiên cứu là lời nhắc nhở đáng lo ngại về tác động hữu hình mà tất cả khoản chi này đang gây ra.
AI SẼ LÀM TĂNG GẤP ĐÔI NHU CẦU NĂNG LƯỢNG CỦA TRUNG TÂM DỮ LIỆU
Có thể nói, cuộc cách mạng AI đang diễn ra hết sức sôi nổi. Nhưng đến năm 2030, tác động lên môi trường sẽ rất khủng khiếp, theo báo cáo mới từ IEA. Như đã đề cập, lượng điện cần thiết để xử lý dữ liệu sẽ vượt xa lượng điện dùng để sản xuất thép, xi măng, hóa chất và tất cả hàng hóa tiêu tốn nhiều năng lượng khác cộng lại.
Nhu cầu điện từ các trung tâm dữ liệu toàn cầu sẽ tăng gấp đôi, với AI được thiết lập để đóng vai trò quan trọng trong sự gia tăng này. Với đà này, các trung tâm dữ liệu AI chuyên dụng sẽ tiêu thụ lượng điện gấp 4 lần so với hiện tại vào cuối thập kỷ.
Tóm lại, theo tính toán, đến năm 2030, tổng năng lượng cần thiết để duy trì động lực AI sẽ gần bằng lượng năng lượng của Nhật Bản. Tuy nhiên, chỉ khoảng một nửa trong số này là năng lượng tái tạo.
THIỆT HẠI VỀ MÔI TRƯỜNG DO AI GÂY RA CÓ THỂ ĐƯỢC BÙ ĐẮP
Bất chấp nhiều phát hiện đáng lo ngại, báo cáo cũng lưu ý rằng nỗi lo về tác động môi trường của AI có thể bị cường điệu hóa. Nhóm nghiên cứu chỉ ra những lợi ích tiềm tàng của việc áp dụng AI có thể bù đắp một số tác động tồi tệ nhất, ví dụ bằng cách làm cho sản xuất và hậu cần tiết kiệm năng lượng hơn và từ đó ít phát thải khí nhà kính hơn.
Ông Faith Birol, Giám đốc Điều hành IEA, tuyên bố: “Với sự trỗi dậy của AI, ngành năng lượng đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng công nghệ lớn nhất thời đại. AI là công cụ, có khả năng là công cụ cực kỳ mạnh mẽ, nhưng cách chúng ta sử dụng phụ thuộc vào chính chúng ta – xã hội, chính phủ và khối doanh nghiệp”.
Một số ví dụ được trích dẫn, AI có thể giúp thiết kế lưới điện dễ dàng hơn nhằm tiếp nhận nhiều năng lượng tái tạo hơn, cũng như hỗ trợ thiết kế thành phố hiệu quả hơn, với hệ thống giao thông công cộng tối ưu. Tuy nhiên, báo cáo cảnh báo, chiến lược đòi hỏi mức độ giám sát chặt chẽ hơn từ chính phủ.
THAY ĐỔI CẦN THIẾT
Khi cuộc đua AI tiếp tục diễn biến với tốc độ chóng mặt, báo cáo đã làm sáng tỏ một lĩnh vực quan trọng đang có nguy cơ bị bỏ qua. Nếu cứ để AI tiếp tục phát triển không kiểm soát, rất có thể tác động của công nghệ lên hành tinh sẽ vô cùng khốc liệt.
Kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 1/2025, Tổng thống Donald Trump đã tiến hành “tháo dỡ” phần lớn bộ máy mà chính quyền trước đã thiết lập để chống lại tác động tiêu cực của AI. Điển hình nhất, ngay sau khi nhậm chức, vị Tổng thống đã công bố Stargate Project, dự án trị giá hàng tỷ USD nhằm mục đích đặt ra dấu mốc quan trọng trong cuộc đua AI.
Một vài tháng tiếp theo, sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trở nên gay gắt hơn bao giờ hết, khi cả hai siêu cường đều quyết tâm khẳng định vị thế thống trị trong lĩnh vực. Tương lai vẫn chưa chắc chắn, nhưng báo cáo nêu rõ: cách tiếp cận toàn cầu hiện tại đối với AI là không bền vững và cần phải thay đổi nhằm ngăn chặn thảm họa môi trường tiềm tàng.