Khi doanh số hàng xa xỉ chững lại tại Mỹ và Trung Quốc, các thương hiệu bắt đầu hướng sự chú ý đến một khu vực lâu nay bị xem nhẹ: Trung Đông.
Theo báo cáo mới đây của Tập đoàn Chalhoub, doanh số hàng xa xỉ tại các quốc gia vùng Vịnh đã tăng 6% so với cùng kỳ, đạt 12,8 tỷ USD trong năm 2024 — vượt xa mức suy giảm 2% của thị trường xa xỉ toàn cầu. Dự báo đến năm 2027, thị trường khu vực này sẽ đạt mốc 15 tỷ USD, được thúc đẩy bởi sức chi tiêu mạnh mẽ từ người dân địa phương và lượng khách du lịch ổn định.

Bất chấp sự phát triển của thương mại điện tử, người tiêu dùng Arab vẫn ưu tiên trải nghiệm mua sắm trực tiếp tại cửa hàng. Tại Arab Saudi, chẳng hạn, các trung tâm thương mại dự kiến sẽ tiếp tục là điểm đến mua sắm ưa chuộng và chiếm hơn 80% doanh số ngành thời trang và hàng xa xỉ vào năm 2028, theo Báo cáo Thời trang Arab Saudi 2024.
Những trung tâm mua sắm này không chỉ thu hút người dân địa phương mà còn hấp dẫn cả du khách quốc tế. Tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), du khách Nga hiện là nhóm chi tiêu hàng đầu, một phần do các lệnh trừng phạt hạn chế khả năng du lịch sang châu Âu. Theo Tập đoàn Chalhoub, tiếp theo là du khách từ Arab Saudi, những người ưa chuộng UAE nhờ vào trải nghiệm mua sắm cao cấp, đa dạng sản phẩm hơn và mức giá cạnh tranh hơn.
CÁC TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI TRỞ THÀNH ĐIỂM ĐẾN HÀNG ĐẦU
Minh chứng rõ nét cho xu hướng trên chính là Dubai Mall – nơi được công nhận là điểm đến có lượng khách tham quan nhiều nhất thế giới. Năm 2024, trung tâm thương mại này đã thu hút tới 111 triệu lượt khách, đồng thời chào đón 99% du khách quốc tế đến Dubai trong năm thứ ba liên tiếp.
Đối với giới mộ điệu hàng xa xỉ, khu Fashion Avenue của Dubai Mall quy tụ hơn 150 thương hiệu cao cấp toàn cầu, được bổ sung bởi hàng loạt dịch vụ VIP. Năm 2024, nơi đây đã ra mắt Elite Personal Shopping Suite – không gian mua sắm riêng biệt, mang đến trải nghiệm tư vấn phong cách cá nhân hóa, dịch vụ concierge toàn diện, quyền tiếp cận bộ sưu tập giới hạn từ các thương hiệu, cũng như lời mời tham dự các buổi giới thiệu sản phẩm trước ngày ra mắt.

Dù Dubai vẫn giữ vững vị thế là thủ phủ hàng xa xỉ lâu đời của vùng Vịnh, nhiều cơ hội còn chưa được khai thác đang chờ đợi bên ngoài tiểu vương quốc này.
Theo báo cáo mới nhất của Tập đoàn Chalhoub, Arab Saudi đã ghi nhận mức tăng trưởng 24% về diện tích bán lẻ cho thuê (gross leasable area) và 3% trong tiêu dùng cá nhân trong năm 2024 – những tín hiệu cho thấy đà phát triển mạnh mẽ của ngành bán lẻ và niềm tin tiêu dùng ngày càng gia tăng tại thị trường đầy tiềm năng này.

Đặc biệt, Riyadh đang chứng kiến sự mở rộng nhanh chóng, nổi bật với việc khai trương khu trung tâm thương mại Solitaire Riyadh vào tháng 3 năm 2025. Được thiết kế theo cảm hứng từ cấu trúc thạch anh geode, công trình ấn tượng này quy tụ loạt thương hiệu xa xỉ được tuyển chọn kỹ lưỡng như Bulgari, Cartier, Louis Vuitton và Van Cleef & Arpels. Khu vực chăm sóc sức khỏe riêng biệt – bao gồm phòng gym, spa và trung tâm wellness – nâng tầm trải nghiệm, biến Solitaire thành điểm đến phong cách sống không thể bỏ qua.

Các dự án trung tâm thương mại quy mô lớn sắp ra mắt như The Avenues và Mall of Saudi vào năm 2026, cùng kế hoạch mở rộng của Westfield tới Riyadh, Jeddah và Dammam, hứa hẹn sẽ tiếp tục làm sôi động bức tranh bán lẻ của vương quốc này.
TẠO RA TRẢI NGHIỆM MUA SẮM VIP
Tuy nhiên, khi ngày càng nhiều trung tâm bán lẻ mới xuất hiện, các thương hiệu sẽ cần nâng tầm trải nghiệm tại cửa hàng để đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của người tiêu dùng khu vực Vùng Vịnh.
Chẳng hạn, các khu vực VIP mang đến cảm giác khám phá và độc quyền – điều khó có thể tái hiện trong môi trường trực tuyến. Ngay cả nhà bán lẻ thương mại điện tử nổi tiếng tại Trung Đông - Ounass cũng đã nhận ra tầm quan trọng của sự hiện diện vật lý, khi khai trương phòng mua sắm riêng tại khách sạn Mandarin Oriental ở Dubai vào năm ngoái nhằm phục vụ nhóm khách hàng cao cấp của mình.

“Trước đây, khu vực VIP trong các cửa hàng xa xỉ không phải là điều phổ biến ở Arab Saudi. Phần lớn phụ nữ thuộc nhóm HNWIs (người có tài sản ròng cao) và tầng lớp trung lưu khá giả vẫn giữ thói quen mua sắm tại nhà vì lý do riêng tư – thông qua các nền tảng thương mại điện tử cao cấp như Farfetch, Ounass, hoặc yêu cầu thương hiệu gửi sản phẩm đến tận nhà để thử,” chuyên gia bán lẻ Weiqi Li tại Riyadh cho biết.
“Giờ đây, với sự ra mắt của trung tâm thương mại Solitaire tại Riyadh, ngày càng nhiều cửa hàng xa xỉ được trang bị khu vực VIP – có thể đây sẽ là bước ngoặt”. Các đổi mới bán lẻ dựa trên công nghệ cũng có tiềm năng lớn trong việc thu hút người tiêu dùng trẻ và am hiểu công nghệ – nhóm chiếm tới 55% dân số khu vực Trung Đông và Bắc Phi hiện nay.

“Với những trải nghiệm bán lẻ thế hệ mới như trợ lý mua sắm cá nhân ứng dụng AI hay tài sản xa xỉ được bảo chứng bằng NFT, Dubai đang trở thành nơi thử nghiệm lý tưởng,” Taqua Malik, nhà sáng lập Freedomvisory, công ty tư vấn văn hóa có trụ sở tại Dubai, nhận định. “Cách tiếp cận dựa trên công nghệ này giúp thành phố định vị mình là trung tâm dành cho những người tiêu dùng tìm kiếm trải nghiệm mua sắm tiên phong và giàu cảm xúc”.
Cuối cùng, đối với các thương hiệu xa xỉ đặt cược vào Trung Đông như một động lực tăng trưởng, bài toán không chỉ nằm ở việc giành được vị trí đắc địa – mà còn là tận dụng không gian ấy để xây dựng mối quan hệ lâu dài. Khi khu vực này đặt ra tiêu chuẩn mới cho ngành bán lẻ cao cấp, người tiêu dùng ngày càng khắt khe sẽ mong đợi nhiều trải nghiệm độc quyền, cá nhân hóa và nhập vai hơn, buộc các thương hiệu phải liên tục đổi mới.