Theo thỏa thuận hợp tác, trong giai đoạn 2021 – 2023, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và VECOM phối hợp tổ chức thực hiện các chương trình, hoạt động về thương mại điện tử, chuyển đổi số cho 100.000 doanh nghiệp do thanh niên làm chủ, 200.000 thanh niên ứng dụng trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các sản phẩm truyền thống, đặc sản địa phương và hỗ trợ 500.000 thanh niên nâng cao nhận thức, năng lực về thương mại điện tử, chuyển đổi số.
“Trong 7 nhiệm vụ Thủ Tướng Chính Phủ giao Trung ương Đoàn thì nhiệm vụ nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp là cực kỳ quan trọng. Trung ương Đoàn đã tiếp cận 24 triệu thanh niên toàn quốc, và sẽ hợp tác cùng Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực số. Đây sẽ là bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.”
Ông Nguyễn Ngọc Lương, Chủ tịch hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
Ngoài ra, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và VECOM sẽ tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thương mại điện tử, chuyển đổi số cho cán bộ, hội viên, thanh niên; tư vấn định hướng, giáo dục nghề nghiệp về thương mại điện tử, nâng cao kỹ năng nghề liên quan đến thương mại điện tử cho thanh niên; phát động chương trình “Thanh niên khởi nghiệp cùng kinh tế số”; xây dựng sàn thương mại điện tử “Thanh niên khởi nghiệp sáng tạo cùng nông sản, đặc sản Việt Nam”; xây dựng bộ tiêu chuẩn số cho doanh nghiệp chuyển đổi số và cẩm nang hướng dẫn chuyển đổi số doanh nghiệp,…
Trong đó, chương trình “Thanh niên khởi nghiệp cùng kinh tế số” được tổ chức, phát động giải thưởng nhằm khích lệ và vinh danh các cá nhân và nhóm thanh niên tham gia xuất sắc các hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế số, hỗ trợ các mô hình kinh doanh khởi nghiệp phát triển trên nền tảng số.
Ông Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Đồng đội Trung ương đánh giá cao việc ký kết thỏa thuận hợp tác với VECOM để nâng cao nhận thức và năng lực về thương mại điện tử, chuyển đổi số cho thanh niên trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Lương nhấn mạnh: “Trong 7 nhiệm vụ Thủ Tướng Chính Phủ giao Trung ương Đoàn thì nhiệm vụ nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp là cực kỳ quan trọng. Trung ương Đoàn đã tiếp cận 24 triệu thanh niên toàn quốc, và sẽ hợp tác cùng Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực số. Đây sẽ là bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.”
Bên cạnh đó, việc xây dựng sàn thương mại điện tử “Thanh niên khởi nghiệp sáng tạo cùng nông sản, đặc sản Việt Nam” sẽ góp phần nâng cao chất lượng và sản lượng tiêu thụ trên thị trường cho bà con nông dân ở mỗi tỉnh thành tham gia thông qua các giải pháp ứng dụng công nghệ và hoạt động quảng bá nông sản, đặc sản Việt trên sàn thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) chia sẻ: Với sự hợp tác này, sẽ tạo tiền đề giúp thế hệ thanh niên thời đại mới nâng cao năng lực cạnh tranh, tự tin khởi nghiệp, khẳng định bản thân và góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số mở ra không gian tăng trưởng mới cho kinh tế nước nhà.
Đặc biệt, dịch Covid-19 làm tiến độ phát triển ứng dụng cho thương mại điện tử từ người bán đến người mua rút ngắn lại 1-2 năm so với kế hoạch đến 2025. Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử trong các năm gần đây khoảng 30-35%/năm và thời gian tới sau đại dịch sẽ là một bức tranh hoàn toàn thay đổi.
Theo Sách trắng Thương mại điện tử 2021, doanh thu thương mại điện điện tử B2C cũng liên tục tăng mạnh trong 5 năm qua. Cụ thể, nếu như năm 2016, con số này mới chỉ đạt 5 tỷ USD thì đến năm 2019, mức doanh thu đã tăng gấp đôi, đạt hơn 10 tỷ USD và năm 2020 là 11,8 tỷ USD, với mức tăng trưởng 18% so với năm trước.
Báo cáo kinh tế Internet khu vực Đông Nam Á của Google dự báo thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt khoảng 29 tỷ USD vào năm 2025 với mức tăng trưởng 34% so với năm 2020.