May 10, 2019 | 23:16 GMT+7

Trước 1/6 tới phải xong mặt bằng cho dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành

Bảo Anh

Trước ngày 1/6 phải hoàn thành giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công, không làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án

Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng chiều dài toàn tuyến 57,1 km, đi qua địa phận Tp.HCM, tỉnh Long An và Đồng Nai.
Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng chiều dài toàn tuyến 57,1 km, đi qua địa phận Tp.HCM, tỉnh Long An và Đồng Nai.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về việc xử lý vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu UBND Tp.HCM và tỉnh Đồng Nai khẩn trương tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 1/6/2019 để bàn giao cho đơn vị thi công, không làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng chiều dài toàn tuyến 57,1 km, đi qua địa phận Tp.HCM, tỉnh Long An và Đồng Nai.

Dự án có chiều dài 57,1 km, đi qua các tỉnh Long An: 2,7 km (gồm: huyện Bến Lức, huyện Cần Giuộc); Tp.HCM: 26,4 km (gồm: huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ) và tỉnh Đồng Nai: 28 km (gồm: huyện Nhơn Trạch và huyện Long Thành), được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100km/h.

Tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) của dự án là 31.320 tỷ đồng (tương đương 1.607 triệu USD); trong đó vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 635,7 triệu USD, vốn vay của Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) 634,8 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Khi hoàn thành, dự án đóng vai trò là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là khu vực Đông Nam Bộ; khai thác thế mạnh và phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và du lịch của Tp.HCM, tỉnh Long An và tỉnh Đồng Nai.

Tuyến đường này còn tạo thành một phần của tuyến hành lang kinh tế phía Nam thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, từ Bangkok (Thái Lan) qua Phnom Penh (Campuchia) đến Tp.HCM-Vũng Tàu. Đồng thời kết nối mạng cao tốc và quốc lộ với các cảng biển lớn của khu vực như Cái Mép-Thị Vải, Sao Mai-Bến Đình, sân bay quốc tế Long Thành...

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate