September 12, 2014 | 11:48 GMT+7

Truyền hình trả tiền đồng loạt kêu khổ!

Mạnh Chung

Giá thuê bao truyền hình trả tiền ở Việt Nam trung bình chỉ khoảng 4-5 USD/tháng

Bà Nguyên Hạnh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Giải trí - Truyền thông Q.net
 đưa ra hình ảnh ẩn dụ rằng, hiện thuê bao truyền hình trả tiền một 
tháng từ 70 – 100 kênh có giá chưa bằng một bữa ăn sáng.
Bà Nguyên Hạnh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Giải trí - Truyền thông Q.net đưa ra hình ảnh ẩn dụ rằng, hiện thuê bao truyền hình trả tiền một tháng từ 70 – 100 kênh có giá chưa bằng một bữa ăn sáng.
Lãnh đạo nhiều nhà cung cấp dịch vụ, đơn vị sản xuất các chương trình truyền hình, nhà phân phối kênh truyền hình nước ngoài đồng loạt lên tiếng về “nỗi khổ” trên của thị trường truyền hình trả tiền, tại hội nghị quốc tế về Cơ hội phát triển truyền hình trả tiền tại Việt Nam, hôm 11/9.

Theo đại diện các đơn vị này, giá thuê bao quá rẻ đang được coi là “rào cản” trong việc thúc đẩy thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam phát triển

Chưa bằng một bữa ăn sáng

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội truyền hình trả tiền tại thị trường châu Á-Thái Bình Dương (CASBAA), hiện Việt Nam mới có khoảng 6 triệu thuê bao truyền hình trả tiền trên tổng số hơn 22 triệu gia đình, vì vậy thị trường truyền hình trả tiền được xác định còn rất nhiều cơ hội để phát, trên các loại hình dịch vụ khác nhau.

Tuy nhiên, một trong những  “rào cản” lớn nhất để thúc đẩy truyền hình số, truyền hình trả tiền hiện nay, theo rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ, cung cấp hạ tầng, các đơn vị làm nội dung là giá thuê bao truyền hình trả tiền ở Việt Nam hiện quá thấp.

Ông Jacques-Aymar de Roquefeuil, Phó tổng giám đốc K+ cho rằng, chi phí thuê bao ở Việt Nam khá “dễ chịu”, trung bình chỉ 4-5 USD/tháng, trong khi ở châu Phi, nơi có nhiều nước kém phát triển hơn Việt Nam nhưng giá thuê bao truyền hình trả tiền trung bình cũng là 20 USD. Các nước trong khu vực mức giá thuê bao cũng cao hơn nhiều so với Việt Nam

Theo ông Bùi Huy Năm, Phó tổng giám đốc VTV Cab, không ở đâu xem truyền hình trả tiền rẻ như ở Việt Nam. Nhưng theo ông, ngặt nỗi tất cả các kênh truyền hình cáp hiện đang rất khó khăn, do doanh thu trung bình trên mỗi thuê bao (ARPU) rất thấp và lại không thể tăng, nên việc đầu tư vào truyền hình số hóa của các nhà cung cấp gặp rất nhiều thách thức, trong đó nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ thì việc đầu tư mở rộng lại càng khó khăn hơn nhiều và không ít doanh nghiệp không muốn triển khai số hóa truyền hình.

Ông Nguyễn Đức Hòa, Chủ tịch Công ty dịch vụ kỹ thuật truyền thông HTV cho biết, HTV có trên 700.000 thuê bao và có tới 3-4 năm nay, số lượng thuê bao của HTV không có thay đổi, gần như vẫn đứng nguyên tại chỗ.

Là một trong những đơn vị lớn nhất trong phân phối phát sóng các kênh truyền hình quốc tế đối với dịch vụ truyền hình trả tiền, bà Nguyên Hạnh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Giải trí - Truyền thông Q.net đưa ra hình ảnh ẩn dụ rằng, hiện thuê bao ở các hạ tầng có thể xem một tháng từ 70 – 100 kênh với giá chưa bằng một bữa ăn sáng và được hưởng thụ một tháng trời các sản phẩm tinh hoa văn hóa cả trong nước và nước ngoài là… một sự bất công đối với người sáng tạo.

Bà Nguyên Hạnh chia sẻ tại hội thảo rằng, trung bình sản xuất ra 10 bộ phim thì chỉ có một bộ thành công còn lại chín là lỗ vốn, “chứ không đơn giản cứ bảo bỏ ra 100 đồng rồi loanh quanh đâu đó thành 120 đồng thì không bao giờ có”.

Bà Ngô Bích Hạnh, Phó tổng giám đốc công ty Vietnam media Corp – BHD, đơn vị chuyên sản xuất các nội dung chương trình truyền hình cho rằng, thị trường truyền hình trả tiền cho việc sản xuất nội địa đang rất kém. Lý do là đầu ra, tức thuê bao/người xem trả cho truyền hình trả tiền là rất thấp với 4-5 USD, trong khi quảng cáo thì vẫn rất nhỏ.

Với đơn vị sản xuất như BHD, theo bà Hạnh, truyền hình trả tiền chưa đủ kinh phí để sản xuất nội dung cho các chương trình truyền hình trả tiền. Vì thế, theo bà Hạnh, trong từ 3-5 năm nữa, truyền hình trả tiền vẫn là sân chơi cho các doanh nghiệp sản xuất nội dung của nước ngoài, còn các doanh nghiệp trong nước thì khó có thể vươn lên và phát triển.

“Sống tốt” bằng cách nào?

Mặc dù mức ARPU đang được cho là quá thấp (trung bình 4-5 USD/tháng) và rất khó khăn cho doanh nghiệp mở rộng, thúc đẩy phát triển, nhưng nhiều doanh nghiệp khác vẫn đang tuyên bố nhảy vào lĩnh vực này. Đại diện tập đoàn Viettel từng công bố sẽ cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiển với giá thuê bao chỉ khoảng 40 nghìn đồng/tháng, chưa bằng một nửa so với giá trung bình hiện nay.

Nếu đúng như vậy, thì khi đó, các doanh nghiệp sẽ "sống" như thế nào?

Ở thời điểm hiện tại, bài toán đặt ra cho các đơn vị cung cấp dịch vụ phải có hướng đi như thế nào để có thể tăng ARPU trong điều kiện không thể tăng giá một cách trực tiếp. Ông Bùi Huy Năm cho biết, VTVcab đang giữ giá, cố gắng nâng cao dịch vụ, chăm sóc khách hàng để giữ chân khách hàng, để ARPU không thấp xuống nữa.

Đồng thời, theo ông Năm, do truyền hình analog vẫn còn chiếm tới khoảng 80% nên với VTVcab, nhà đài có chiến lược chuyển người xem truyền hình analog sang truyền hình số thì mới tăng được ARPU, ngoài ra không còn cách nào khác.

Ông Nguyễn Văn Tấn, Phó giám đốc MyTV (thuộc VNPT) cho rằng, giải pháp để các doanh nghiệp truyền hình trả tiền có thể sống được và tăng ARPU là phải thiết kế các gói cước trên hai nguyên tắc, trong đó gói cơ bản để phục vụ hệ thống về thông tin cơ bản, nhu cầu cơ bản của người xem, bên cạnh là các gói gia tăng, phong phú hơn và cá biệt để những đối tượng khách hàng có điều kiện kinh tế có thể trả tiền thêm để tiếp cận những nội dung đặc biệt, hấp dẫn.

“Nhưng, một doanh nghiệp sẽ không thể thực hiện được giải pháp trên (tách gói cơ bản) với nguyên tắc giá sàn ở mức quá thấp”, ông Tấn nói. Và vì vậy, theo ông, các cơ quan quản lý cần phải xây dựng một giá sàn hợp lý cho dịch vụ truyền hình trả tiền.

Bà Nguyên Hạnh, mặc dù cho rằng, giá thuê bao truyền hình trả tiền hiện đang “bất công với người sáng tạo” nhưng cũng thừa nhận, dù ARPU rất thấp nhưng cũng khó có thể tăng. Theo bà Hạnh, cũng chỉ có thể tách các gói để người nghèo vẫn được xem và dịch vụ trả tiền vẫn hướng được đến số đông. Cụ thể, theo bà Hạnh, tách các gói cơ bản để những người dân bình thường cũng được xem nội dung hợp lý, còn đâu các gói gia tăng chia càng nhỏ, càng chi tiết càng tốt, để người dùng có quyền lựa chọn, không bắt người dùng phải trả ARPU cao.

“Việc tăng ARPU không phải bằng cách nâng giá mà tách các gói ra để mọi người đều có cơ hội hưởng thụ theo nhu cầu hợp lý”, vị Tổng giám đốc Q.net nói.

Theo ông Nguyễn Văn Tấn, bên cạnh các phương thức để tăng ARPU như trên, thì doanh nghiệp phải tối ưu hạ tầng cung cấp. Theo đó, các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền phải nghĩ ra các dịch vụ giá trị gia tăng khác để thâm canh trên nền tảng hạ tầng đã được đầu tư và ứng dụng công nghệ hiện đại để đem lại các nguồn doanh thu khác từ các giá trị gia tăng đó.

Chia sẻ của ông Tấn được ông Bùi Huy Năm đồng tình, bởi VTVcab không chỉ làm truyền hình mà còn đang làm cả viễn thông, game...
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate