Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC), GlobalFoundries và ít nhất một nhà sản xuất chip khác sắp nhận được những khoản hỗ trợ cuối cùng từ Đạo luật Khoa học và Tạo động lực hữu ích để Sản xuất Chất bán dẫn (CHIPS) dưới thời Chính quyền Tổng thống Biden. Hai công ty nhận thông báo từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Tạp chí Reuters cho biết.
Theo Đạo luật Chips, Bộ trưởng Thương mại phải thông báo cho các ủy ban liên quan ít nhất 15 ngày trước khi thực hiện bất kỳ thỏa thuận nào trị giá trên 10 triệu USD. Thông báo mới là dấu hiệu tích cực trong bối cảnh nhiều chuyên gia lo ngại về tốc độ triển khai khoản hỗ trợ.
TSMC, GlobalFoundries và công ty thứ ba không xác định nằm trong số 21 công ty được trao khoảng 37 tỷ USD trong thỏa thuận sơ bộ thông qua Đạo luật, nhằm mục tiêu thu hút nhà sản xuất chip rút khỏi Châu Á và mở rộng sản xuất tại Hoa Kỳ. Cho đến nay, chỉ có duy nhất một thỏa thuận đã hoàn thiện và công bố. Thoả thuận được trao cho Polar Semiconductor với số tiền 123 triệu USD nhằm mở rộng và hiện đại hóa nhà máy sản xuất chip tại Bloomington, Minnesota.
Reuters chưa xác định được thời điểm công bố số tiền chính xác, tuy nhiên dự kiến sẽ gần với khoản thỏa thuận ban đầu.
Vào tháng 4 vừa qua, chi nhánh TSMC tại Hoa Kỳ cũng được trao khoản trợ cấp 6,6 tỷ USD cho hoạt động sản xuất chất bán dẫn tiên tiến tại Phoenix, Arizona, theo thỏa thuận sơ bộ với Bộ Thương mại.
Đầu năm nay, GlobalFoundries được trao 1,5 tỷ USD để xây dựng cơ sở sản xuất bán dẫn mới tại Malta, New York và mở rộng hoạt động kinh doanh hiện có tại New York và Burlington, Vermont.
Việc Quốc hội được thông báo về ít nhất ba thỏa thuận thành công cho thấy Chính quyền Tổng thống Biden đang đạt được tiến triển ở các khâu cuối cùng của chương trình Đạo luật, trong bối cảnh nhiều công ty ngày càng lo ngại Đảng Cộng hòa của ông Donald Trump có thể hủy bỏ các khoản tài trợ sau khi tái đắc cử.
TSMC và GlobalFoundries từ chối bình luận về sự việc.
Đại diện phát ngôn thuộc Bộ Thương mại cũng từ chối bình luận về TSMC và GlobalFoundries, nhưng cho biết: "Theo luật định, thông báo cho Quốc hội là một phần bắt buộc trong quy trình của Đạo luật CHIPS và những thỏa thuận sắp tới chưa chắc đã là lần cuối cùng".
ĐẠO LUẬT CHIPS CÓ THỂ BỊ HUỶ BỎ
Vào tháng 10 vừa qua, ông Donald Trump đã mô tả Đạo luật CHIPS là "tệ hại" trong một tập podcast với người dẫn chương trình Joe Rogan. "Chúng ta phải chi hàng tỷ USD cho các công ty giàu có", ông Trump thẳng thắn chia sẻ.
“Tôi thấy việc chúng ta phải trả quá nhiều tiền để các công ty xây dựng chip, đó không phải là cách”, đại diện Đảng Cộng hòa nhấn mạnh. “Bạn không cần phải trả tiền cho các thiết bị chip. Hoa Kỳ hoàn toàn có thể thúc đẩy thị trường bằng chính sách thuế quan. Nói cách khác, chúng ta hoàn toàn có thể hỗ trợ về thuế đến mức các doanh nghiệp sẽ đến và xây dựng cơ sở sản xuất chip mà không mất gì cả”.
Chủ tịch Hạ viện Đảng Cộng hòa Mike Johnson dường như đang lên kế hoạch mở đường cho việc bãi bỏ Đạo luật khi được phóng viên đặt câu hỏi vào tuần trước rằng liệu Đảng Cộng hòa có tìm cách bãi bỏ luật này nếu chiến thắng cuộc bầu cử hay không.
“Tôi hy vọng rằng chúng tôi có thể làm như vậy, nhưng chúng tôi vẫn chưa đề cập đến phần đó trong chương trình nghị sự”, ông Johnson tuyên bố, nhưng sau đó rút lại câu trả lời với lý do “nghe nhầm câu hỏi”.
Phản ứng dữ dội từ các nhóm cộng đồng về khoản tài trợ cho Polar Semiconductor, bao gồm cáo buộc thiếu minh bạch về thành phần lao động, môi trường và hóa chất trong thỏa thuận cuối cùng, đã thúc đẩy Chính quyền Hoa Kỳ hiện tại hoãn công bố các thoả thuận còn lại cho đến sau ngày bầu cử.
Các công ty tham gia thảo luận cho biết điều khoản về môi trường và lao động mất rất nhiều thời gian để đàm phán.
Tuy nhiên, đa số công ty đều kỳ vọng các khoản viện trợ sẽ được hoàn tất. Ví dụ, Intel, công ty đang mong chờ khoản tài trợ 8,5 tỷ USD, chia sẻ với Reuters trong một tuyên bố: "Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện phần việc của mình và kêu gọi Bộ Thương mại đẩy nhanh cũng như hợp lý hóa quy trình để đạt được mục tiêu chung chính là tạo ra hệ sinh thái bán dẫn Hoa Kỳ có khả năng cạnh tranh toàn cầu".