November 24, 2011 | 11:23 GMT+7

Tự áp quy định, nhiều chủ đầu tư chung cư bị dân kiện

Ngô Trang

Hàng chục hộ dân sống tại tòa nhà CT2 - Mễ Trì Thượng vừa tố cáo chủ đầu tư đã không thực hiện cam kết với khách hàng

Trong vòng một năm trở lại đây, có khá nhiều vụ khiếu kiện, tố cáo của khách hàng đối với chủ đầu tư các tòa nhà chung cư.
Trong vòng một năm trở lại đây, có khá nhiều vụ khiếu kiện, tố cáo của khách hàng đối với chủ đầu tư các tòa nhà chung cư.
Hàng chục hộ dân sống tại tòa nhà CT2 - Mễ Trì Thượng vừa tố cáo chủ đầu tư đã không thực hiện cam kết với khách hàng.

Trong đơn tố cáo gửi Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và UBND thành phố Hà Nội ngày 23/11, các hộ dân tại đây cho biết: vào năm 2006, họ đã ký hợp đồng mua nhà với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 68 (gọi tắt là Công ty 68) - chủ đầu tư dự án CT2 khu đô thị Mễ Trì Thượng.

Theo thỏa thuận trong hợp đồng, đến quý 4/2007, Công ty 68 sẽ tiến hành bàn giao căn hộ cho các khách hàng nêu trên. Tuy nhiên, đến thời điểm đó công ty đã không thể bàn giao nhà cho khách hàng vì dự án vẫn đang trong quá trình thi công.

Tiếp đó, ngày 18/5/2009, Công ty 68 đã ra thông báo kèm cam kết sẽ bàn giao nhà CT2 cho khách hàng vào ngày 30/6/2009. Thế nhưng, thêm một lần nữa chủ đầu tư lại lỗi hẹn với khách hàng khi chưa thể giao nhà cho khách hàng theo thời hạn nói trên. Trước sức ép của khách hàng, hơn một năm sau, tức là vào cuối năm 2010, các hộ dân CT2 mới có thể dọn đến căn hộ của mình mà lẽ ra họ đã được nhận từ hơn 3 năm trước.

Như vậy, nếu chiếu theo hợp đồng mua bán, Công ty 68 đã chậm tiến độ bàn giao nhà đối với dự án trên hơn 3 năm. Đáng nói hơn, Công ty 68 đã không thực hiện bồi thường cho bất kỳ một khách hàng nào vì chậm tiến độ đã được ghi trong hợp đồng. Thay vào đó, căn hộ mà doanh nghiệp này bàn giao cho khách hàng trong tình trạng “hết sức tồi tệ”, theo như phản ánh của các cư dân.

Cụ thể, dù là ở trong “khu đô thị mới” nhưng theo các hộ dân tại đây, vào thời điểm nhận bàn giao nhà, toàn bộ tòa nhà CT2 như một ốc đảo, không được kết nối với mạng lưới điện, nước sạch của thành phố. Tòa khu không có hệ thống chiếu sáng công cộng, điện thoại, internet, không có hệ thống báo cháy, bảo vệ, dịch vụ vệ sinh, chất lượng xây dựng kém, toàn tòa nhà mốc bẩn, nhếch nhác, mất mỹ quan, nhưng không được chủ đầu tư khắc phục.

Không những thế, một số diện tích chung (theo hợp đồng) tại tòa nhà đã bị công ty trưng dụng làm văn phòng, chỗ để xe của riêng mình.

Theo các cư dân, đến nay tòa nhà CT2 đã có điện, nước sạch... nhưng thay vì áp giá theo quy định của thành phố, Công ty 68 đã tự đưa ra mức giá của riêng mình, cao hơn gấp nhiều lần so với quy định. Cụ thể, giá điện được công ty này áp một mức chung cho tất cả các hộ là 2.500 đồng/kWh thay vì thực hiện theo quy định của ngành điện.

Riêng nước sạch, các cư dân tòa nhà phải mua lại của người dân xung quanh với giá lên tới 25.000/m3. Đến nửa cuối năm 2011, công ty mới cung cấp dịch vụ nước sạch cho cư dân tòa nhà nhưng áp phí đồng loạt là 6.000 đồng/m3.

Bên cạnh đó, các loại phí như trông xe, vệ sinh, bảo vệ tại tòa nhà cũng được Công ty 68 tự đưa ra với mức cao gấp 2 -3 lần mà không cần thỏa thuận với các hộ dân hoặc theo quy định của thành phố. Theo các cư dân, toàn bộ các khoản thu trên của chủ đầu tư đều không có hóa đơn, chứng từ công khai thu chi như các tòa nhà chung cư khác trên địa bàn.

“Sau khi nhận được phản ánh của các cư dân, thay vì tiếp thu ý kiến, sửa sai, lãnh đạo Công ty 68 đã có những cư xử thô lỗ, hách dịch, có tính chất đe dọa các cư dân khiến chúng tôi vô cùng bức xúc”, một cư dân cho biết.

Cùng với vụ việc trên, cuối tuần qua, hàng trăm khách hàng mua căn hộ tại một dự án do một doanh nghiệp Hàn Quốc làm chủ đầu tư ở Hà Đông (Hà Nội) cũng đã cùng ký vào đơn tố cáo việc chủ đầu tư này tự ý quy đổi loại tiền thanh toán mua căn hộ từ VND sang USD đối với những khách hàng đã đóng tiền theo tiến độ.

Trước đó, khu đô thị Văn Khê (Hà Đông) cũng bị khách hàng “tố” trước tình trạng “3 không”: không đường, không điện, không nước. Đồng thời, chủ đầu tư khu đô thị này còn bị khách hàng phản đối khi chủ đầu tư tự ý cắt xén diện tích mặt đường trong khu đô thị, từ 17m (theo quy hoạch) xuống còn 11m và chậm tiến độ nhiều hạng mục khác.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate