Bộ Tài chính và Kinh tế Israel cho biết khoản đầu tư của Intel, đặc biệt trong giai đoạn này và trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực chip, đã khẳng định sự tin tưởng của Intel vào nền kinh tế Israel.
ISRAEL VÀ KỲ TÍCH THU HÚT ĐẦU TƯ TRONG BỐI CẢNH CHIẾN TRANH
Đối với Intel, Israel luôn được coi là cứ điểm chiến lược. Intel đã thiết lập sự hiện diện ở Israel từ năm 1974 , cho đến nay đã đầu tư hơn 50 tỷ USD, là nhà xuất khẩu lớn nhất cũng như nhà tuyển dụng địa phương lớn nhất với hơn 12.000 người lao động tại chỗ.
Do Intel đã trở thành trụ cột của ngành công nghệ của Israel nên những lợi ích mà công ty này nhận được từ chính phủ Israel là rất đáng kể. Thuế suất doanh nghiệp tiêu chuẩn của Israel là 23%, nhưng chỉ áp dụng 5% đối với Intel.
Số tiền trợ cấp lớn mà Intel nhận được mỗi khi thực hiện đầu tư cũng đóng một vai trò nhất định. Khi Intel quyết định đầu tư 25 tỷ USD cho nhà máy sản xuất chip nói trên, Chính phủ Israel đã đồng ý cung cấp khoản trợ cấp 3,2 tỷ USD, tương đương 12,8% số tiền này.
Theo Bộ Tài chính và Kinh tế Israel, khoản đầu tư của Intel sẽ mang lại nhiều lợi ích trực tiếp cho nước này và lợi ích đó sẽ lớn hơn rất nhiều so với khoản hỗ trợ mà nước này bỏ ra. Đó là những lợi ích đến từ việc kiến tạo hàng nghìn việc làm cho người lao động Israel và kích thích sự phát triển của hệ thống các nhà cung cấp của Israel.
Câu chuyện này cũng giống như trước đó, khi cả Ba Lan và Đức đều đưa ra các cam kết hỗ trợ không nhỏ để nhận được các dự án lớn của Intel. Ở Ba Lan, Intel đã đầu tư 4,6 tỷ USD, còn ở Đức là 30 tỷ EUR (tương đương 33 tỷ USD).
Mặc dù Intel luôn khẳng định Việt Nam tiếp tục là một phần quan trọng trong hoạt động sản xuất toàn cầu của tập đoàn, nhưng không thể phủ nhận rằng cuộc chiến cạnh tranh thu hút đầu tư đã và đang ngày càng gay gắt hơn khi đối thủ của Việt Nam không chỉ là các nền kinh tế trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, hay Ấn Độ mà còn tiến tới các quốc gia nhiều lợi thế hơn.
VIỆT NAM TRƯỚC CƠ HỘI THÀNH QUÊ HƯƠNG THỨ HAI CỦA “ĐẠI BÀNG”
“Chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực hết sức để biến Việt Nam thành quê hương thứ hai của Nvidia. Chúng tôi sẽ thành lập pháp nhân tại Việt Nam”.
Câu nói trên của tỷ phú Huang Jensen, Chủ tịch Nvidia, đã tạo nên một sự hứng khởi lớn cho giới đầu tư tại Việt Nam, đồng thời mở ra viễn cảnh sẽ càng có nhiều đại bàng chọn Việt Nam để trở thành quê hương thứ hai của mình.
Thực tế, thu hút đầu tư nước ngoài hiện là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam năm 2023 với 36,61 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2022, và con số kỷ lục 23,18 tỷ USD vốn đầu tư được giải ngân, tăng 3,5% so với năm 2022.
Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất, Tổ công tác điều hành vĩ mô 1317 cho rằng, dù làn sóng đầu tư mới đang kỳ vọng được mở ra đối với Việt Nam, nhất là sau các cam kết hợp tác của các đối tác Mỹ và dù Việt Nam vẫn là một trong những ưu tiên được lựa chọn, song thách thức cũng không nhỏ.
Theo dự báo, năm 2024, triển vọng đầu tư nước ngoài toàn cầu có thể sẽ nhiều bất định hơn, ảnh hưởng đến xu hướng dịch chuyển vốn, bao gồm xu hướng hồi hương, dịch chuyển sản xuất về gần và sang các quốc gia đồng minh lân cận.
Thêm vào đó, theo Tổ công tác điều hành vĩ mô 1317, kể từ ngày 1/1/2024, Việt Nam sẽ chính thức áp thuế tối thiểu toàn cầu. Vì thế, Chính phủ cần sớm ban hành chính sách thu hút, giữ chân nhà đầu tư đặc biệt là các nhà đầu tư đang rót vốn cho các lĩnh vực công nghệ cao mới như AI, chip bán dẫn…
Được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Nghị định thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư, với mục tiêu thu hút và giữ chân các nhà đầu tư chiến lược, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao.
Thuế tối thiểu toàn cầu mở ra một chương mới trong thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Khi mọi ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho các nhà đầu tư chiến lược bị vô hiệu hóa, nếu không tiếp tục cải cách và có các thể chế chính sách vượt trội và cạnh tranh, Việt Nam có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội để đón dòng vốn chất lượng cao trong tương lai.