Từ đầu tháng 3, thị trường tài chính thế giới liên tục chứng kiến những thương vụ ngân hàng rơi vào khủng hoảng như: sự kiện SVB tại Mỹ hay Credit Suisse tại Thụy Sỹ. Bà đánh giá như thế nào về ảnh hưởng của các sự kiện này đến hệ thống tài chính toàn cầu, nhất là trong bối cảnh bức tranh chung vốn đã ảm đạm sau đại dịch Covid-19?
Covid-19 đã đẩy tình hình thế giới vào một giai đoạn bất ổn nghiêm trọng. Hệ luỵ của nó khiến hệ thống kinh tế, tài chính toàn cầu đang rơi vào cuộc suy thoái được cho là nặng nề nhất trong vài thập kỷ qua.
Trong vòng 2 tuần, chúng ta đã chứng kiến những vụ sụp đổ lớn xuất hiện kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Đầu tiên là ngân hàng lớn tại Mỹ - Silicon Valley Bank (SVB) bị khách hàng ồ ạt rút tiền.
Tiếp đó là ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sỹ - Credit Suisse lâm vào khủng hoảng và bị ngân hàng UBS thâu tóm. Song, tôi cho rằng những điều tồi tệ nhất vẫn còn chưa diễn ra. Lãi suất tăng, điều kiện tài chính thắt chặt đã làm gia tăng những rủi ro của hệ thống tài chính toàn cầu.
Với mức lãi suất như hiện nay có thể khẳng định kinh tế thế giới không thể chống chịu được lâu dài. Bên cạnh đó, niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng đang bị xói mòn, khi các ngân hàng liên tục gặp rủi ro thanh khoản với rất ít các dấu hiệu được báo trước. Niềm tin của nhà đầu tư cũng lung lay, khi nhiều loại tài sản trở nên có mức độ rủi ro cao nhiều so với kỳ vọng chung của thị trường. Điều này dẫn đến bức tranh về triển vọng phục hồi của kinh tế thế giới trở nên ảm đạm hơn trong năm 2023.
Liên hệ trong nước, Việt Nam cũng đang có nhiều tổ chức, công ty chứng khoán bộc lộ nhiều yếu điểm về hoạt động và đầu tư. Ở vị thế dẫn đầu ngành chứng khoán như SSI, Công ty có hành động gì trong bối cảnh này?
Thời gian vừa qua có thể nói là giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử hoạt động của thị trường chứng khoán sau khủng hoảng kinh tế năm 2008, khi gần như đồng thời các yếu tố quan trọng tác động đến thị trường đều đồng loạt trở nên tiêu cực, như: tình hình thanh khoản khó khăn của ngân hàng; tỷ giá tăng mạnh, đột biến trên nền lãi suất cao; các sự vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng ở một số doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng cổ phần; niềm tin của nhà đầu tư sụt giảm kéo theo thanh khoản trên thị trường giảm mạnh cùng sự bất ổn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Hoạt động trong bối cảnh khó khăn ấy, SSI cũng như các công ty chứng khoán đều ít nhiều bị tác động. Giai đoạn này đã xuất hiện các công ty chứng khoán bị mất thanh khoản tạm thời khi tài sản trên danh mục đầu tư không thể chuyển được thành tiền ngay lập tức để đáp ứng các nhu cầu thanh toán, cũng như xuất hiện hàng loạt nợ xấu trong hoạt động cho vay margin.
SSI với tôn chỉ hoạt động là đề cao quản trị rủi ro chặt chẽ, minh bạch trên tất cả mảng hoạt động của mình, cho đến thời điểm này chưa phát sinh bất kì một khoản nợ xấu, trái phiếu quá hạn hay rủi ro thanh toán nào, đồng thời duy trì được trạng thái thanh khoản dồi dào cho tất cả các mảng hoạt động kinh doanh chính. Danh mục đầu tư cả cổ phiếu và trái phiếu của SSI chỉ bao gồm những hàng hóa có tổ chức phát hành là đơn vị có tín nhiệm, tình hình tài chính tốt và thanh khoản cao, có thể dễ dàng thanh hoán thành tiền mặt khi cần thiết.
Sự kiện Credit Suisse lần này một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của niềm tin vào hệ thống ngân hàng nói riêng và hệ thống tài chính nói chung. Bà nghĩ sao về điều này? Cách nào để giữ niềm tin của nhà đầu tư giai đoạn khó khăn này?
Thị trường chứng khoán ra đời với hai mục tiêu.
Thứ nhất là huy động vốn cho nền kinh tế - cũng là mục tiêu quan trọng nhất. Thứ hai là tạo thanh khoản, tạo minh bạch để người dân chủ động đầu tư thị trường, mua đi bán lại, đầu tư vào các công ty, gián tiếp sở hữu công ty, phân chia lợi nhuận trên thị trường.
Sự sụp đổ của hệ thống tài chính không phải đơn giản có thể đoán định được từ việc đọc báo cáo tài chính, mà nó còn đến từ niềm tin của người dân/nhà đầu tư.
Minh bạch là yếu tố quan trọng để xây dựng niềm tin. Sự minh bạch không chỉ từ phía cơ quan quản lý, từ các thành viên thị trường, mà còn trong toàn bộ hành trình của khách hàng đối với một định chế tài chính, bên cạnh các nhân tố khác như: quản trị rủi ro, bảo mật thông tin, cá nhân hóa để đáp ứng được các yêu cầu/mong muốn riêng của khách hàng.
Từ câu chuyện Credit Suisse và kinh nghiệm vượt qua các đợt khủng hoảng để vươn lên vị thế dẫn đầu của SSI, theo bà, đâu là chìa khóa để một tổ chức có thể giữ mình và không trở thành “miếng mồi”, ngay cả khi ở trạng thái tốt nhất?
Trong 23 năm qua, dù trải qua rất nhiều cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế, nhưng SSI vẫn luôn giữ được vị thế dẫn đầu và ngày càng trở nên vững mạnh hơn. Tôi cho rằng sự thành công của chúng tôi đến từ 3 yếu tố, đó là tính chủ động, nội tại khoẻ mạnh, và sự khôn ngoan.
Chủ động là chúng tôi luôn biết mình là ai, biết mình muốn gì và cần phải làm gì. Chúng tôi có mục tiêu rõ ràng và chủ động theo đuổi nó. SSI sẽ luôn chọn làm những gì chúng tôi hiểu rõ nhất, tập trung nguồn lực và thời gian để làm tốt nhất việc đó nhằm mang lại lợi ích cho khách hàng, cho công ty, cho cổ đông.
Khoẻ mạnh là phải luôn giữ cho mình một trạng thái dồi dào về tiềm lực nội tại, sức mạnh về tài chính, đội ngũ nhân sự vững vàng để sẵn sàng vượt qua những giai đoạn giông bão có thể đến bất cứ lúc nào. Khoẻ để có được niềm tin của các nhà đầu tư, cổ đông. Khoẻ để các đối tác yên tâm hợp tác. Khoẻ để các đối thủ phải nể trọng, dè chừng ngay cả khi có ý định tấn công.
Còn sự khôn ngoan của SSI, đơn giản đó là tính tuân thủ kỷ luật, kỷ luật trong hoạt động kinh doanh, trong đầu tư và trên hết đó là sự thượng tôn pháp luật. Thị trường luôn đầy rẫy các cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn các rủi ro đi kèm. Chúng tôi luôn biết đâu là điểm dừng, điểm tới hạn của mình. Muốn đi nhanh có thể bạn phải tận dụng để nắm bắt tất cả các cơ hội nhưng muốn đi xa phải biết chọn lựa cơ hội phù hợp.
Ba yếu tố đó luôn đồng hành, cùng tồn tại trong mọi hoạt động của chúng tôi. Bởi ngay cả khi bạn đang ở trạng thái khoẻ mạnh nếu không có sự khôn ngoan, sự lựa chọn đúng đắn trên nền tảng kỷ luật thì một ngày không đẹp trời bạn có thể lạc lối, sa lầy và kiệt quệ dần. Khi bạn tích luỹ và mài dũa ngày càng sắc bén 3 yếu tố này, rất khó để bạn trở thành “con mồi” cho các đối thủ khác, mà ngược lại bạn sẽ luôn sẵn sàng ở tư thế “người đi săn”. Khi có cơ hội đến, thợ săn sẽ biết lúc nào bóp cò để gia tăng, tích luỹ nguồn lực và củng cố thêm sức mạnh, vị thế.
Vậy giai đoạn khủng hoảng như hiện nay có phải là cơ hội cho SSI không? Với lợi thế và tiềm lực hiện tại, SSI có kế hoạch để tìm kiếm “con mồi” và “đi săn” nhằm gia tăng vị thế, sức mạnh, ví dụ mua lại 1 công ty chứng khoán đối thủ cạnh tranh không?
Tại sao không chứ (cười)? Thường thì bão to, biển động mới có cá lớn. Không có khủng hoảng xảy ra thì làm sao thấy được công ty nào khoẻ, công ty nào yếu; làm sao có chuyện ông lớn số 1 nuốt ông lớn số 2 dễ thế được, như trường hợp UBS thôn tín lại Credit Suisse mà chúng ta vừa chứng kiến.
Trong giai đoạn bình ổn chúng tôi tập trung cho các hoạt động kinh doanh, tích luỹ nguồn lực. Còn trong những thời điểm khủng hoảng, SSI tăng cường quản trị rủi ro bên cạnh việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư. Trong nguy có cơ. Có cơ hội tốt xuất hiện, tại sao chúng tôi lại không “đi săn” chứ.
Chúng tôi sẽ luôn tập trung, lựa chọn cơ hội phù hợp. Đã bóp cò là phải săn được con mồi lớn để tối ưu hoá thời gian, nguồn lực với hiệu quả thu được. Việc mua lại một công ty chứng khoán, thực hiện thương vụ M&A theo chiều ngang sẽ giúp SSI gia tăng thị phần, doanh thu lợi nhuận, mở rộng quy mô đồng thời loại bỏ đối thủ cạnh tranh. SSI có thể quan tâm đến một công ty chứng khoán dựa trên các tiêu chí mạng lưới khách hàng, thị phần, công nghệ hoặc danh mục tài sản tốt... chứ không quan tâm đến việc mua thêm một giấy phép hoạt động.
SSI với tôn chỉ hoạt động dựa trên nền tảng phát triển bền vững nên công ty chỉ cân nhắc khi bất kì cơ hội nào đem lại giá trị gia tăng, lợi ích bền vững lâu dài cho khách hàng và cổ đông.
Xin cảm ơn bà trả lời phỏng vấn!