Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đã chia sẻ quan điểm về đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Đổi mới sáng tạo không chỉ là những gì cao siêu mà chính là những thứ gần gũi với đời thường như: sáng kiến mới, những nỗ lực sáng tạo vì cộng đồng.
Triển lãm quốc tế đầu tiên về đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam International Innovation Expo 2021 - VIIE 2021) và khởi công Dự án xây dựng công trình Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) sẽ diễn ra trong 2 ngày 9-10/1/2021 tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ông kỳ vọng vào điều gì tại các sự kiện này?
Sự kiện VIIE 2021 và khởi công NIC là một bước ngoặt lớn, và là thành quả của một chuỗi những nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Đây là triển lãm quốc tế đầu tiên về đổi mới sáng tạo của Việt Nam, nơi hội tụ một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo rộng lớn của Việt Nam và thế giới. Thông điệp này cũng đúng như mong muốn của Chính phủ Việt Nam khi quyết định thành lập NIC vào đầu tháng 10 năm ngoái: đưa NIC trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới.
Theo đó, VIIE 2021 nhấn mạnh vai trò trung tâm của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ trong nước và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Sự kiện sẽ diễn ra với dày đặc hoạt động hội thảo, tọa đàm về các vấn đề Đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp dẫn đầu, vai trò dẫn dắt hướng đến nền kinh tế số 2030; Người tiêu dùng thông minh trong kỷ nguyên 4.0; Kinh doanh thông minh trong bối cảnh chuyển đổi số; và đặc biệt là Phát triển Trung tâm Đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao chất tăng trưởng kinh tế…
Năm 2020 chứng kiến nhiều "bước ngoặt" của doanh nghiệp trong chuyển đổi số, tận dụng thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 để vượt qua bão Covid-19. Được xem là cơ quan "tiên phong" trong đổi mới sáng tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những hành động nào để "thích ứng" với sự chuyển đổi của doanh nghiệp, thưa ông?
Năm 2020 là một năm đặc biệt khi dịch Covid-19 đã gây ra những hậu quả nghiệm trọng không chỉ đối với Việt Nam mà còn các quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp chủ động ứng dụng công nghệ số, những ý tưởng, giải pháp đổi mới sáng tạo để vượt qua giai đoạn khó khăn. Bước ngoặt trong chuyển đổi số đã giúp doanh nghiệp đứng vững và phát triển nhờ tận dụng thời cơ, tìm được lối đi riêng.
Ở góc độ quản lý, Nhà nước xây dựng khung khổ pháp lý để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt nhất những cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghệ (CMCN 4.0), thực hiện tốt chuyển đổi số cũng như cơ hội hút vốn đầu tư từ các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước… Với mục tiêu doanh nghiệp phải là trọng tâm trong phát triển CMCN 4.0 và đổi mới sáng tạo, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động xây dựng, triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu là đến năm 2025, 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi số. Chương trình cũng đặt mục tiêu có tối thiểu 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là mô hình chuyển đổi số điển hình thành công để lan tỏa và nhân rộng; và thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển các nền tảng số.
Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng ban hành Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra, Bộ cũng chủ động phối hợp với các bộ ngành, cơ quan liên quan để tiếp tục xây dựng thể chế, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh để các doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo.
Thực tế cho thấy đổi mới sáng tạo thường "đi trước" các quy định luật pháp. Vì vậy, trong rất nhiều trường hợp, khung khổ pháp luật trở thành rào cản cho đổi mới sáng tạo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến sẽ sửa đổi khung khổ pháp luật theo hướng như thế nào, thưa ông?
Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị quy định rất rõ và cụ thể nhiệm vụ của từng bộ ngành, cơ quan liên quan về việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động tham gia CMCN 4.0.
Dưới góc độ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chúng tôi đang tập trung sửa đổi Nghị định 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này tiếp cận các công nghệ hàng đầu thế giới cũng như doanh nghiệp và các quỹ đầu tư hàng đầu thế giới. doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam không thiếu những ý tưởng sáng tạo, có khả năng ứng dụng cao vì vậy nhiệm vụ của chúng tôi là tạo điều kiện để những ý tưởng này tiếp cận được nguồn lực rẻ nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Hướng sửa đổi là phải tạo ra môi trường đầu tư tốt hơn để các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư lớn có thể dễ dàng tham gia vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo, thuận lợi hợp tác với các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam. Theo đó, những quy định như các nhà đầu tư tư nhân có thể thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo nhưng không được thành lập tư cách pháp nhân hay chỉ được tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập quỹ, đầu tư không quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo... cần được xem xét để có những hướng đi phù hợp với thông lệ quốc tế, hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo.
Như vậy, để thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo nhanh hơn tại Việt Nam, hành lang pháp lý đầy đủ và đồng bộ liệu đã đủ chưa?
Tôi cho rằng tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng khung khổ pháp luật đầy đủ phải là giải pháp quan trọng hàng đầu để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo một cách tốt nhất. Bởi đây là động lực chính thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong tương lai.
Đổi mới sáng tạo không chỉ là những gì cao siêu mà chính là những thứ gần gũi với đời thường như: sáng kiến mới, những nỗ lực sáng tạo vì cộng đồng. Đổi mới sáng tạo là những nỗ lực liên tục, bền bỉ, được chứng minh qua hành động cụ thể. Tư duy đổi mới sáng tạo phải có trong mỗi người dân, doanh nghiệp, Chính phủ để từ đó tạo ra một làn sóng hay văn hoá đổi mới sáng tạo. Có như vậy mới tạo ra những tiền lệ mới vì sự phát triển của quốc gia.
Với hơn 150 gian hàng, VIIE 2021 cũng sẽ là nơi hội tụ của các thương hiệu hàng đầu trong nước như: Viettel, Vingroup, MoMo, CMC và các "ông lớn" nước ngoài như: Samsung, Hyosung, Intel, Dell, Hitachi, Siemens cùng cộng đồng startup và các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đồng thời, triển lãm cũng có sự tham gia của các cơ sở nghiên cứu, trường đại học lớn như Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam, Viện khoa học công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Huế, Đại học Cần Thơ...
Với sự tham gia của hàng chục quỹ đầu tư và nhiều doanh nghiệp lớn, triển lãm sẽ tổ chức các hoạt động kết nối giữa startups, doanh nghiệp nhỏ và vừa với các quỹ đầu tư và các doanh nghiệp lớn; kết nối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam; kết nối, hợp tác giữa các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, sự kiện còn có sự xuất hiện của các hợp tác xã, các tổ chức, doanh nghiệp đại diện cho cộng đồng yếu thế với những sản phẩm sáng tạo từng đạt các giải thưởng khác nhau; các cá nhân từ các cơ sở sản xuất của người yếu thế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ trong khuôn khổ chương trình "Vì sự phát triển cộng đồng".