June 05, 2023 | 16:49 GMT+7

Từ giáo viên tới bồi bàn, nhiều ngành nghề ở Mỹ đang khó tuyển người

Trang Linh -

Ngành giải trí và nhà hàng khách sạn thiếu nhiều lao động nhất khi ghi nhận số lượng lao động giảm tới 349.000 người trong tháng 5 so với tháng 2/2020. Con số này tương đương 2% tổng lực lượng lao động trước đại dịch...

Ngành giải trí và nhà hàng khách sạn tại Mỹ đang chứng kiến tình trạng thiếu lao động nhiều nhất - Ảnh: Getty Images
Ngành giải trí và nhà hàng khách sạn tại Mỹ đang chứng kiến tình trạng thiếu lao động nhiều nhất - Ảnh: Getty Images

Thời gian qua, các nhà kinh tế học theo dõi sát sao báo cáo việc làm hàng tháng của Mỹ để xác định các dấu hiệu của sự rạn nứt trên thị trường lao động - bằng chứng cho thấy một cuộc suy thoái kinh tế đã bát đầu xảy ra. Tuy nhiên, hết tháng này qua tháng khác, dự báo của các nhà kinh tế tiếp tục bị thử thách bởi mức tăng trưởng việc làm mạnh hơn dự báo.

Tháng 5 không phải ngoại lệ. Trong tháng này, nền kinh tế Mỹ tạo ra 339.000 việc làm mới, vượt qua mức dự báo 190.000 việc làm mới của các nhà kinh tế. Từ tháng 1/2021, các nhà tuyển dụng Mỹ liên tục tuyển dụng thêm trong bối cảnh nền kinh tế dần mở cửa trở lại sau nhiều tháng bị áp đặt các hạn chế phòng dịch.

Năm 2021, bình quân mỗi tháng các nhà tuyển dụng ở Mỹ tạo ra thêm 606.000 việc làm và bình quân 399.000 việc làm mỗi tháng trong năm 2022. Con số này được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong năm nay nhưng vẫn ở mức cao ấn tượng là 314.000 việc làm mỗi tháng.

Tổng cộng, trong tháng 5/2023, số lượng lao động có việc làm nhiều hơn 3,7 triệu người so với tháng 2/2020 - thời điểm đại dịch Covid-19 gây ra những gián đoạn lớn cho nền kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, dù nhiều ngành như vận tải và nhà xưởng đã phục hồi lượng lao động, một số ngành khác vẫn đang chật vật để phục hồi số lao động bị mất do đại dịch.

Hiện tại, 4 lĩnh vực của nền kinh tế Mỹ đang tuyển dụng lượng lao động ít hơn so với thời điểm trước đại dịch bao gồm: giải trí và nhà hàng khách sạn, khu vực chính phủ, khai khoáng và khai thác gỗ, dịch vụ khác.

Từ giáo viên tới bồi bàn, nhiều ngành nghề ở Mỹ đang khó tuyển người - Ảnh 1

Trong đó, ngành giải trí và nhà hàng khách sạn thiếu nhiều lao động nhất khi ghi nhận số lượng lao động giảm tới 349.000 người trong tháng 5, so với tháng 2/2020. Con số này tương đương 2% tổng lực lượng lao động trước đại dịch.

Ở giai đoạn cao điểm của dịch bệnh, người lao động của ngành này bị sa thải nhiều nhất khi các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa. Tuy nhiên, kể cả khi các nhà hàng, quán bar và không gian giải trí được mở cửa trở lại và người dân đã bắt đầu đi du lịch trở lại, số lượng lao động trong ngành này vẫn chưa tăng trở lại bởi nhiều người không trở lại công việc cũ.

Thay vào đó, họ tìm kiếm việc làm ở những ngành khác với mức lương cao hơn và ít phải tiếp tiếp xúc với khách hàng hơn - theo ông Jim McCoy, phó chủ tịch cấp cao phụ trách giải pháp tài năng của công ty tuyển dụng ManpowerGroup.

“Chúng tôi đã thấy nhiều người từng làm việc tại các nhà hàng chuyển sang làm việc từ xa”, ông McCoy nói. “Nhiều người trong số này tìm được công việc cho phép họ làm từ xa như tại các trung tâm cuộc gọi và gắn bó với công việc này”.

Sau ngành giải trí và nhà hàng khách sạn, khu vực chính phủ hiện thiếu lao động nhiều thứ hai. Khu vực này gồm nhiều công việc đa dạng, từ nhân viên vệ sinh cho tới nhân viên dịch vụ bưu tiện. Tuy nhiên, giáo viên trường công là việc làm đang thiếu nhiều lao động nhất. Theo số liệu từ Cục Thống kê lao động Mỹ, lượng giáo viên trường công trong tháng 5 tại nước này giảm 118.000 người so với với thời điểm tháng 2/2020.

Cũng giống ngành giải trí và nhà hàng khách sạn, nhiều giáo viên đã bỏ việc do lo sợ công việc này khiến họ có nguy cơ lây nhiễm Covid cao hơn. Đó là chưa kể ngành nghề này có tốc độ tăng lương thấp hơn nhiều so với các ngành khác, do những rào cản về ngân sách của địa phương hoặc của tiểu bang.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate