Trang web chính phủ Mông Cổ hôm 4/3 công bố danh sách quốc gia được miễn thị thực nhập cảnh vào đất nước này, trong đó có Việt Nam, hiệu lực từ 7/3. Đây là động thái mới nhất của chính phủ Mông Cổ trong việc thu hút khách Việt Nam.
Trước đó, khách Việt sang Mông Cổ phải xin visa (thời gian đợi cấp 5-7 ngày làm việc) hoặc e-visa (3 ngày). Phí visa gồm 25 USD và phụ phí. Công dân Việt có thể xin e-visa với 3 mục đích: du lịch, quá cảnh và tham gia các sự kiện. Theo hướng dẫn từ Cơ quan Xuất nhập cảnh Mông Cổ, khách khi được cấp e-visa có thể in ra bản giấy hoặc lưu trong điện thoại, xuất trình tại cửa khẩu. Ngoài những mục đích trên khách Việt cần xin visa giấy.
Bà Hồ Thị Phương, Giám đốc Công ty du lịch Premier Tour, cho rằng, tour Mông Cổ luôn có vị trí đặc biệt trong lòng du khách Việt Nam, một phần vì cảnh quan đẹp, người dân thân thiện và những nét văn hóa thú vị. Trước đây, các đơn vị lữ hành đánh giá thủ tục xin cấp thị thực Mông Cổ không phức tạp, từ đầu năm 2023 khách Việt đã có thể xin visa điện tử. Hiện nay, với việc khách Việt lưu trú không quá 30 ngày sẽ không cần xin visa, du khách có thể tiết kiệm thêm chi phí khi du lịch Mông Cổ.
Hơn nữa, từ cuối năm 2023 đã có thêm đường bay thẳng từ Nha Trang, Khánh Hòa đến Ulaanbaatar, Thủ đô Mông Cổ. Từ góc độ doanh nghiệp, bà Phương đánh giá đường bay này sẽ góp phần đẩy mạnh kích cầu du lịch hai chiều, đặc biệt là đưa thêm khách quốc tế đến Nha Trang. “Nhiều khách Mông Cổ đã biết đến Phú Quốc và Đà Nẵng, Nha Trang. Vì mùa đông ở Mông Cổ khắc nghiệt, người dân thường thích đi đến vùng biển Việt Nam nghỉ dưỡng. Thường khách Mông Cổ đi du lịch Việt Nam vào giai đoạn tháng 10 đến tháng 4 năm sau”, bà Phương nói.
Chính phủ Mông Cổ cũng đang nỗ lực mở rộng mạng lưới Internet cho người dân và khách du lịch. Ước tính khoảng 84% dân số cả nước có thể truy cập Internet và các hộ gia đình thường có các tấm pin mặt trời để sạc điện thoại di động riêng khi duy trì lối sống du mục. Chính phủ nước này cũng đang nỗ lực mở đường bay từ Ulaanbaatar đến các điểm nổi tiếng trên thế giới.
Tháng 1 vừa qua, ngày khai mạc Lễ hội băng tuyết quốc tế Mazaalai kéo dài tại Sky Resort, khu nghỉ dưỡng chơi golf và trượt tuyết ở ngoại ô Ulaanbaatar. đã thu hút 408 người lần lượt trượt xuống đường băng dài 16,4 m, lập kỷ lục Guinness Thế giới về "số người trượt xuống dốc băng nhiều nhất trong một giờ". Tại sự kiện này người của ban tổ chức Guinness cũng có mặt để xác minh.
Bộ trưởng Văn hóa Mông Cổ Nomin Chinbat cho biết lễ hội băng tuyết năm nay "đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự phát triển của ngành du lịch mùa đông của Mông Cổ". Người đứng đầu Bộ Văn hóa tin rằng trong nửa tháng du khách sẽ bị mê hoặc bởi phong cảnh mùa đông của đất nước cùng các tác phẩm điêu khắc bằng băng được trưng bày. Mông Cổ kỳ vọng thông qua sự kiện trên cùng màn lập kỷ lục Guinness thế giới quốc gia này sẽ trở thành điểm đến hút khách quốc tế trong mùa đông.
Dù vậy, với không gian rộng mở tuyệt đẹp, thung lũng xanh tươi và văn hóa du mục truyền thống, Mông Cổ từ lâu đã được coi là điểm đến đáng ghé thăm nhất trong những tháng hè, theo CNN. Vào khoảng tháng 4 và tháng 5, băng ở Mông Cổ sẽ bắt đầu tan, những bông hoa dại nở rộ mang lại cảnh quan rực rỡ. Cuối tháng 5 là thời điểm thích hợp để ghé thăm sa mạc Gobi khi những cơn bão và cát bụi đã lắng xuống. Thời điểm này cũng giúp du khách tránh được nhiệt độ chênh lệch giữa đêm và ngày ở sa mạc.
Giữa tháng 7 chính thời điểm Mông Cổ đông đúc nhất, khi du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ về để tham dự lễ hội Nadaam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Du khách sẽ được tìm hiểu và khám phá những môn thể thao truyền thống lâu đời của người Mông Cổ như đua ngựa, đấu vật và bắn cung.
Lễ hội du mục Altai ở công viên quốc gia Altai Tavan Bogd cũng thú vị không kém với các trò chơi truyền thống của Kazakhstan. Lễ hội này phù hợp với những du khách ưa khám phá mạo hiểm. Nếu ghé Mông Cổ vào tháng 10, du khách sẽ có cơ hội tham dự một trong những lễ hội đại bàng lớn nhất của Mông Cổ. Được tổ chức ở tỉnh Bayan-Ölgii, sẽ có rất nhiều màn trình diễn đặc sắc đến từ những thợ săn bậc thầy.
Có vẻ như, ngôn ngữ sẽ là rào cản lớn nhất cho chuyến du lịch Mông Cổ. Ngôn ngữ thường được sử dụng nhất là tiếng Mông Cổ. Bên cạnh đó, tiếng Nga và Trung Quốc cũng được sử dụng thường xuyên. Tiếng Anh cũng được sử dụng nhiều ở khu vực trung tâm và thủ đô, nhưng càng rời xa thủ đô sẽ càng ít người biết.
Về tiền tệ, người dân hay sử dụng đồng Tögrög (Tugrik) ký hiệu MNT hoặc USD. Thủ đô Ulaanbaatar có đầy đủ phương thức thanh toán hiện đại, còn đi ra vùng ngoại ô, bạn nên chuẩn bị tiền mặt vì người dân ở khu vực này vẫn chưa quen với nhiều phương thức thanh toán trực tuyến khác.