April 01, 2013 | 09:43 GMT+7

Từ KAMCO nghĩ về VAMC

Thanh Phong

Chính phủ Hàn Quốc quyết định mở rộng chức năng và sử dụng KAMCO như một công cụ xử lý các khoản nợ xấu chung

Các ngân hàng Hàn Quốc đã giảm mạnh được các khoản nợ xấu nhờ sự giúp sức của KAMCO. <br>
Các ngân hàng Hàn Quốc đã giảm mạnh được các khoản nợ xấu nhờ sự giúp sức của KAMCO. <br>
Những gì liên quan đến đề án thành lập Công ty Quản lý Nợ xấu Việt Nam (VAMC) luôn được thị trường tài chính quan tâm. Trong đó, đáng quan tâm nhất là chiến lược và cách thức hoạt động của VAMC. Vấn đề này đến nay vẫn còn nằm trên bàn dự thả và đang gây nhiều tranh cãi.

Tuy nhiên, nếu xét kỹ, quy trình sơ bộ VAMC vạch ra lại có phần giống với KAMCO, công ty quản lý tài sản của Hàn Quốc. KAMCO ra đời năm 1962 nhằm quản lý các khoản nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc. Đến tháng 11/1997, Chính phủ Hàn Quốc quyết định mở rộng chức năng và sử dụng KAMCO như một công cụ xử lý các khoản nợ xấu chung cho cả hệ thống.

Một quỹ dưới quyền KAMCO ra đời với nhiệm vụ mua lại các khoản nợ xấu từ hệ thống tài chính và được phát hành trái phiếu dưới sự bảo lãnh của Chính phủ. Quy mô của quỹ này ban đầu là 1.500 tỉ won (tương đương 1,34 tỉ USD tính theo tỉ giá hiện tại), sau đó nhiều lần được tăng lên trong suốt giai đoạn khủng hoảng châu Á.

Mùa thu 1997, bảng cân đối tài sản của các tổ chức tài chính Hàn Quốc xấu đi một cách nghiêm trọng. 14/26 ngân hàng thương mại có tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu thấp hơn 8%. Có 2 ngân hàng phá sản về mặt kỹ thuật (có vốn chủ sở hữu âm). 28/30 ngân hàng đầu tư của Hàn Quốc cũng lâm vào tình trạng này.

Khi nhập cuộc, KAMCO đã chia các khoản nợ ra thành 4 loại: các khoản vay thông thường, các khoản vay đặc biệt (đang chờ xử lý nợ từ tòa án), các khoản vay Daewoo (liên quan đến Tập đoàn Daewoo) và khoản nợ nằm ngoài xử lý của tòa án. KAMCO đã mua lại với mức giá gần 18% so với giá trị thị trường đối với các khoản nợ có tài sản thế chấp, nhưng đối với khoản nợ không thế chấp thì chỉ 5,8%.

Ban đầu, KAMCO không thể xác định đúng mức giá mua. Nếu như trước tháng 7/1998, KAMCO trả tới 70-75% giá trị tài sản đảm bảo thì sau đó, con số này giảm xuống còn 45% trong công thức tính giá mua.

Phần lớn nợ của KAMCO mua lại xuất phát từ ngân hàng, tương ứng với 62,1% lượng tiền công ty này bỏ ra từ tháng 11/1997 đến tháng 11/2002. Tuy nhiên, giá trị mua lại nợ của ngân hàng cũng khá cao, trung bình 40% giá thị trường.

Để mua các khoản nợ này, KAMCO đã trả cho người bán trái phiếu được Chính phủ đảm bảo với kỳ hạn 5 năm. Trái phiếu này được niêm yết và giao dịch trên sàn chứng khoán Hàn Quốc với lãi suất thả nổi và trả theo từng quý. Nhưng yếu tố then chốt giúp KAMCO thành công, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), là tổ chức này đã tạo lập được một thị trường mua bán nợ. KAMCO đã sử dụng nhiều cách thức để thanh lý nợ như bán cho nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức đấu giá công khai, mời chào hợp tác, thậm chí là tự mình đi thu hồi nợ.

Kết quả mang lại khá mỹ mãn. Tỉ lệ phục hồi trung bình (tức giá trị thanh lý của KAMCO chia cho giá trị thị trường của các khoản nợ) lên đến 46,8% trong giai đoạn 1997-2002. Nghĩa là KAMCO xem như đã thu hồi được gần một nửa giá trị các khoản nợ xấu của hệ thống. Tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng cũng giảm từ mức 16,8% (tháng 3.1998) xuống còn 2,3% (tháng 12/2002). Còn nếu tính chung cho cả hệ thống tài chính, tỉ lệ này đã giảm từ mức 17,7% xuống còn 3,9%.

Hàn Quốc có khá nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Chẳng hạn, cả hai có chung chiến lược tăng trưởng dựa trên các tập đoàn. Tín dụng theo hình thức chỉ định, phân phối chủ yếu cho những tập đoàn chủ lực và được cung cấp từ hệ thống ngân hàng do Chính phủ chi phối.

Mặc dù có một số điểm tương đồng về cơ bản, nhưng hoạt động của VAMC và KAMCO có một điểm khác biệt quan trọng. Đó là nguồn tiền để thực hiện việc mua lại nợ xấu.

Chính phủ Hàn Quốc đã chấp nhận bù lỗ cho KAMCO bằng tiền ngân sách. Còn ở Việt Nam, Tiến sĩ Võ Trí Thành cho biết, theo đề án thành lập VAMC, nguyên tắc của việc xử lý nợ là sẽ không sử dụng tiền ngân sách.

Về điều này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng đó là do những người soạn thảo đề án đang chịu một sức ép: không sử dụng tiền thuế của dân để hạn chế vấn đề lợi ích nhóm. Một nguyên nhân khác, theo ông Thành, có thể là do ngân sách nhà nước không đủ.

Vậy tiền sẽ đến từ đâu? Từ tổ chức đầu tư trong nước, bên ngoài, hay tổ chức quốc tế? Trên thực tế, ngay cả Hàn Quốc cũng buộc phải nhận tiền hỗ trợ từ IMF. Thái Lan và Indonesia cũng vậy.

Nhưng điều kiện vĩ mô Hàn Quốc lúc bấy giờ và Việt Nam hiện tại có quá nhiều khác biệt. Và có vẻ như Ngân hàng Nhà nước đang sử dụng cách thức “lấy mỡ nó rán nó” để xử lý các khoản nợ xấu của ngân hàng. Nghĩa là các ngân hàng vẫn tự quản lý nợ của mình, còn VAMC sẽ tài trợ thêm tiền để ngân hàng thực hiện. Số tiền này phải được trả lại cho VAMC trong 5 năm. Điều này khiến một số người nghi ngờ tính hiệu quả của VAMC, khi các công ty quản lý nợ xấu trên thế giới đều mua đứt bán đoạn các khoản nợ.

Ngược lại, trong trường hợp Chính phủ Việt Nam có đủ tiền, bài toán cần giải là những công thức tính giá mua bán lẫn cách thức phân loại nợ xấu nào sẽ mua.

Dù sao đi nữa, con đường thành lập VAMC là đúng vì các quốc gia trên thế giới đều đã thực hiện. Và điều kiện để VAMC hoạt động là Chính phủ phải tạo được niềm tin cho công chúng.

Để tạo lập niềm tin, điều trước tiên là làm rõ con số nợ xấu thực sự. “Đó cũng là yếu tố đầu vào quan trọng trong tiến trình xử lý nợ xấu”, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chính sách công Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nhận xét.

(Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư)
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate