November 30, 2024 | 11:10 GMT+7

Từ năm 2028 sẽ giám sát điện tử với người chưa thành niên phạm tội

Luật đã quy định hiệu lực thi hành đối với biện pháp giám sát điện tử kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2028 (sau hiệu lực chung của Luật là 02 năm) để bảo đảm có đủ thời gian chuẩn bị các điều kiện tổ chức thực hiện...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Với 461/463 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 96.24%), sáng 30/11, Quốc hội đã thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên.

SẼ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP GIÁM SÁT ĐIỆN TỬ VÀO NĂM 2028

Luật này quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng; thi hành án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Các biện pháp xử lý chuyển hướng gồm khiển trách, bồi thường, xin lỗi, quản thúc tại nhà, hạn chế khung giờ đi lại, thực hiện công việc phục vụ cộng đồng, giáo dục tại trường giáo dưỡng…

Ngoài ra, luật cũng quy định các biện pháp ngăn chặn áp dụng với người chưa thành niên gồm giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người theo các trường hợp quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự, tạm giữ, tạm giam, giám sát điện tử, bảo lĩnh…

Đối với biện pháp giám sát điện tử, luật quy định bị can, bị cáo phải làm giấy cam đoan không bỏ trốn, không tiếp tục phạm tội; không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này; không tháo, phá hủy thiết bị giám sát điện tử hoặc gây rối loạn hoạt động của thiết bị giám sát điện tử…

Luật này có hiệu lực từ 1/1/2026. Đối với biện pháp giám sát điện tử áp dụng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2028 (sau hiệu lực chung của Luật là 02 năm) để bảo đảm có đủ thời gian chuẩn bị các điều kiện tổ chức thực hiện.

CHO PHÉP TÁCH VỤ ÁN HÌNH SỰ VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM TỘI

Trước đó, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Về các biện pháp xử lý chuyển hướng, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, để bảo đảm tính khả thi, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng, chỉnh lý và quy định chặt chẽ về từng biện pháp xử lý chuyển hướng từ Điều 40 đến Điều 51 của dự thảo Luật; quy định rõ hơn về nguyên tắc áp dụng biện pháp, yêu cầu đặt ra đối với một số biện pháp cụ thể nhằm bảo đảm việc triển khai trên thực tế được thuận lợi, hiệu quả, khả thi.

Về trường hợp không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng (Điều 38), có ý kiến đề nghị mở rộng thêm một số tội danh và một số trường hợp không cho phép người chưa thành niên được áp dụng biện pháp này. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng nếu bổ sung thêm các trường hợp không được phép áp dụng xử lý chuyển hướng thì sẽ làm tăng nặng trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên so với hiện hành. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ quan điểm chỉ đạo này.

Một số đại biểu cũng tranh cãi về thời điểm tách vụ án hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội. Để bảo đảm phù hợp và bao quát đầy đủ các trường hợp phát sinh trong thực tiễn giải quyết án, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định tách vụ án nhằm bảo đảm thực thi đầy đủ các chính sách nhân văn, tiến bộ đối với người chưa thành niên.

Đồng thời, không quy định cụ thể trong Luật về thời điểm tách vụ án tại giai đoạn điều tra như dự thảo trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 8, mà giao cho liên ngành tư pháp trung ương quy định chi tiết việc tách vụ án.

Có ý kiến đề nghị chỉ quy định mô hình “phân trại hoặc khu giam giữ riêng trong trại giam cho người chưa thành niên là phạm nhân” để bảo đảm tính khả thi.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng hiện nay số lượng người chưa thành niên chấp hành án tại các trại giam không lớn, nhưng được bố trí ở nhiều trại giam trên cả nước, đáng lưu ý có những trại giam chỉ có khoảng hơn 20 phạm nhân là người chưa thành niên, nên rất khó khăn cho việc bố trí dạy văn hóa, dạy nghề, cũng như khó đáp ứng được các yêu cầu riêng.

Do đó, để vừa đáp ứng yêu cầu phải có khu vực chấp hành án riêng, vừa có nhiều mô hình để lựa chọn và bảo đảm tính ổn định của Luật, kế thừa cơ sở vật chất hiện có, dự thảo Luật theo hướng quy định 03 mô hình để lựa chọn gồm Trại giam riêng, phân trại hoặc khu giam giữ dành riêng cho người chưa thành niên trong trại giam.

Việc lựa chọn mô hình nào đã được dự thảo Luật giao cho Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng căn cứ tình hình thực tế để quyết định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate