Nhóm nghiên cứu của SSI vừa dự báo: "Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ không cắt giảm lãi suất điều hành trong năm nay, nhưng các biện pháp hỗ trợ khác, trong đó bao gồm tăng hạn mức tín dụng sẽ tạo điều kiện giúp các ngân hàng thương mại có thể giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay”.
Liên quan đến nhận định này, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31/8/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 9,87 triệu tỷ đồng, tăng 7,42% so với cuối năm 2020, và tương đương với mức tăng 14,9% so với cùng kỳ.
Như vậy, mặc dù giảm tốc trong hai tháng trở lại đây, nhưng nhìn chung mức tăng trưởng trong 8 tháng đầu năm vẫn tương đối tích cực trong bối cảnh dịch bệnh có diễn biến phức tạp.
Theo các chuyên gia kinh tế, động lực cho tăng trưởng tín dụng 8 tháng phần nào nhờ việc cắt giảm lãi suất cho vay và các gói hỗ trợ cho vay giúp khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh từ khối ngân hàng thương mại trong thời gian qua.
Hiện mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,55%/năm tính đến cuối tháng 9 năm nay và giảm tổng cộng 1,55%/năm so với thời điểm trước dịch.
Trong khi đó, kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 3/2020, Ngân hàng Nhà nước hầu như không có hoạt động điều tiết nào trên thị trường mở. Điều này thể hiện quan điểm duy trì thanh khoản trong hệ thống ngân hàng dồi dào của nhà điều hành (Ngân hàng Nhà nước vẫn đều đặn bơm tiền đồng qua kênh mua ngoại tệ) và mặt bằng lãi suất liên ngân hàng nhờ vậy ở mức thấp.
Chốt phiên giao dịch hôm qua, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm 0,01 – 0,02 điểm phần trăm ở các kỳ hạn ngắn trong khi không thay đổi ở kỳ hạn 1 tháng so với phiên cuối tuần trước. Cụ thể, các mức lãi suất giao dịch tại: qua đêm 0,69%; 1 tuần 0,81%; 2 tuần 0,92% và 1 tháng 1,16%.
Mới đây, phát biểu tại một buổi họp Chính phủ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, trong thời gian tới, sẽ tăng thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng và điều chỉnh lãi suất phù hợp theo đúng cam kết.
Công ty Chứng khoán SSI nhận định, Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian tới để hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch.
Trái với thị trường tiền tệ, trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá USD/VND niêm yết ở các ngân hàng thương mại vẫn cho thấy tính ổn định. Kết tuần trước, giá USD mua - bán ở mức 22.640 - 22.870 VND. Tỷ giá trên thị trường tự do cũng không có nhiều biến động, ở mức 23.035 - 23.185 VND, giảm nhẹ 10 VND cho chiều mua và 5 VND cho chiều bán.
Số liệu cán cân thương mại trong nửa đầu tháng 9 không mấy tích cực, khi nhập siêu lên tới hơn 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên nhờ sự bù đắp bởi lượng FDI giải ngân trong tháng 9 (1,7 tỷ USD, tăng 57% so với tháng trước) nên cán cân thanh toán tổng thể duy trì tích cực.
“Chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm Chính phủ hiện đang từng bước mở cửa dần lại nền kinh tế, do vậy cán cân thương mại kỳ vọng sẽ được cải thiện vào giai đoạn cuối năm và đồng thời giúp FDI giải ngân cũng có diễn biến tích cực hơn. Đồng thời, nguồn cung cầu ngoại tệ trên thị trường sẽ tương đối cân bằng và giúp tỷ giá USD/VND duy trì trạng thái ổn định”, nhóm nghiên cứu của SSI nhận định.