Trên cơ sở phê duyệt của Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam vừa ban hành Quyết định số 710/QĐ-CHHVN, về kế hoạch thực hiện đề án phát triển cảng xanh tại Việt Nam.
Theo Quyết định số 710, từ năm 2021 - 2022, cơ quan chức năng sẽ tập trung xây dựng và ban hành tiêu chuẩn cơ sở và tiêu chí cảng xanh. Sau đó, từ năm 2023, mô hình cảng xanh tại một số cảng biển Việt Nam sẽ bắt đầu được thí điểm và đánh giá kết quả thực hiện.
Theo đó, phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam theo hướng bền vững, trong đó, bảo vệ môi trường được xem xét như một bộ phận cấu thành không tách rời của quá trình đầu tư xây dựng, kinh doanh khai thác cảng biển. Phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam trên cơ sở ưu tiên phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, rủi ro môi trường.
Tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Kiểm soát tác nhân gây ô nhiễm, giảm thiểu phát sinh chất thải, khí thải. Từ đó, hướng tới nền kinh tế xanh và nâng cao hình ảnh cảng biển Việt Nam trên trường quốc tế.
Trước đó, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công Bộ Giao thông vận tải đã ký Quyết định số 2027/QĐ-BGTVT ngày 27/10/2020, phê duyệt Đề án phát triển cảng xanh tại Việt Nam.
Trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp để thực hiện tiến trình phát triển cảng xanh. Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sạch, thân thiện với môi trường trong hoạt động khai thác cảng biển.
Sau đó, giai đoạn 2025 - 2030, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiêu chí cảng xanh. Công tác triển khai áp dụng tự nguyện tiêu chí cảng xanh ở Việt Nam, tiến tới đề xuất xây dựng, ban hành quy định áp dụng bắt buộc tiêu chí cảng xanh cho hệ thống cảng biển Việt Nam.
Dự kiến đến sau năm 2030, tiêu chí cảng xanh trong quy hoạch, đầu tư xây dựng và kinh doanh khai thác cảng biển tại Việt Nam được áp dụng bắt buộc.
Được biết, Tân Cảng Cát Lái là cảng đầu tiên tại Việt Nam đạt danh hiệu Cảng xanh của Hội đồng mạng lưới dịch vụ cảng APEC. Để đạt được tiêu chí, Cảng đã thay thế thiết bị nâng hạ bằng dầu diesel bằng các thiết bị chạy điện, tiết kiệm 1,5 - 2 triệu USD phí nhiên liệu/năm. Tăng cường vận tải thủy với sức chở cùng lúc được 3.000 Teus, thay thế được khoảng 2.000 xe ô tô chở container.
Đồng thời, áp dụng chứng từ điện tử giúp thời gian xe đậu chờ tại cổng cảng giảm từ 13 phút còn 6 phút, triệt tiêu văn bản giấy tại cảng khoảng 30.000 - 50.000 tờ/ngày,…
Theo thông tin được công bố trên Diễn đàn Giao thông Quốc tế, lượng phát thải từ tàu biển làm phát sinh gần 12 tỷ Euro mỗi năm tại 50 cảng lớn nhất. Khoảng 230 triệu người trực tiếp tiếp xúc với khí thải tại 100 cảng hàng đầu thế giới về lượng khí thải vận chuyển. Vì vậy, việc xây dựng, “xanh hóa” cảng biển trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ giúp giảm khí phát thải tại khu vực cảng biển, tăng hiệu quả kinh tế khai thác kinh tế cảng và bảo đảm sức khỏe cho người dân.