Ngày 21/9, UBND Tp.HCM đã gửi công văn khẩn đến các sở ngành, UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức cùng các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố về việc tạo điều kiện thuận lợi trong công tác xét nghiệm của lực lượng giao hàng (shipper) tiến tới quản lý bằng công nghệ.
Theo đó, UBND thành phố chỉ đạo triển khai xét nghiệm đối với nhân viên giao hàng có ứng dụng công nghệ tại các trạm y tế lưu động trên địa bàn thành phố đến hết ngày 21/9. Từ ngày 22 đến hết ngày 23/9, các doanh nghiệp và shipper tiến hành tập huấn công tác xét nghiệm và cập nhật thông tin xét nghiệm trên các ứng dụng của doanh nghiệp hoặc sử dụng ứng dụng do Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn.
Kể từ ngày 24 đến ngày 30/9, các doanh nghiệp quản lý shipper chịu trách nhiệm tổ chức xét nghiệm và cập nhật kết quả vào Kho Dữ liệu dùng chung của thành phố theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông để phục vụ công tác phòng chống dịch.
Về bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên sẽ do Sở Y tế TP.HCM cung cấp trên cơ sở số lượng đăng ký của shipper với Sở Công Thương thành phố theo nguyên tắc mẫu gộp ba người, 3 ngày/1 lần. Các doanh nghiệp quản lý shipper nhận bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại Sở Công Thương. Trong thời gian này các shipper có thể sử dụng kết quả xét nghiệm còn giá trị.
Ngay sau khi có quyết định, Sở Công thương và các sở, ngành liên quan tổ chức cuộc họp trực tuyến với các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng công nghệ giao hàng để phổ biến phương án tổ chức và tập huấn xét nghiệm nhanh Covid-19 cho lực lượng shipper công nghệ.
Hầu hết các doanh nghiệp tham dự họp đều bày tỏ hoang mang trước phương án triển khai sắp tới của thành phố. Sau khi nghe vị bác sĩ từ Sở Y tế TP.HCM hướng dẫn quy trình, cách thức tự xét nghiệm, đại diện một hãng gọi xe công nghệ lo ngại: “Trước giờ, doanh nghiệp chỉ tập trung vào chuyên môn là kinh doanh, toàn bộ nhân sự là những người không có chuyên môn y tế. Do đó, yêu cầu trong ngày 1, ngày 2 có thể thuần thục kỹ năng xét nghiệm là điều rất khó, rủi ro sai sót có thể xảy ra dẫn đến tình trạng để sót F0 trong cộng đồng".
"Trong khi đó, công văn của UBND thành phố ràng buộc rất lớn trách nhiệm của doanh nghiệp đối với việc cập nhật kết quả xét nghiệm vào kho dữ liệu. Đây là rào cản tâm lý rất lớn dẫn đến những kết quả không mong muốn trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp,” vị đại diện này nhấn mạnh thêm.
Đồng tình, lãnh đạo một doanh nghiệp dịch vụ giao nhận hàng hóa cũng chia sẻ: Các doanh nghiệp quy mô lớn có số lượng shipper đăng ký được phép hoạt động từ 10.000 - 20.000 tài xế. Việc tập huấn, tổ chức xét nghiệm cho toàn bộ lực lượng tài xế gần như là bất khả thi. Làm gấp sẽ sai, trường hợp bắt buộc, các doanh nghiệp sẽ có xu hướng tìm tới các trung tâm y tế để ký hợp đồng thuê xét nghiệm.
Nếu như các doanh nghiệp gọi xe công nghệ phải tự trang trải, nhiều khả năng các doanh nghiệp sẽ phải tự cắt giảm số lượng shipper được tham gia lưu thông hoặc tăng giá cả dịch vụ, do đó ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Danh sách khoảng 800 cơ sở y tế đang thực hiện xét nghiệm nhanh cho tài xế mà Sở Công thương, Sở Y tế tổ chức hiện nay đều đang phải tập trung cao độ phòng chống dịch. Vậy nếu để doanh nghiệp ký hợp đồng với họ, bài toán có thể lại trở về vòng luẩn quẩn quá tải.
Phía Gojek phân tích, từ ngày 19/9, tổng số lượng shipper được phép hoạt động của 34 doanh nghiệp là 92.000 tài xế, trong khi đó có hơn 400 trạm y tế lưu động hỗ trợ thực hiện xét nghiệm trong khung giờ từ 6h đến 21h. Gojek tính toán nếu mỗi tài xế test 3 ngày/ lần thì yêu cầu về nguồn lực từ các trạm y tế là trung bình mỗi ngày mỗi trạm xét nghiệm nhanh cho khoảng 75 người.
"Trên thực tế, số tài xế thực sự hoạt động những ngày vừa qua còn có thể thấp hơn nhiều (theo con số thống kê không chính thức của Sở Công Thương, con số này là khoảng 50%). Chúng tôi tin rằng năng lực xét nghiệm của các trạm y tế hoàn toàn đáp ứng được nếu điều phối tốt," Gojek nhận định.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần beGroup, đơn vị vận hành và phát triển ứng dụng gọi xe Be cho biết, cho biết từ ngày 24/9, tài xế công nghệ của hãng ở TP.HCM sẽ được xét nghiệm nhanh Covid-19 theo mô hình ứng dụng công nghệ xuyên suốt, đảm bảo an toàn. Với mô hình này, Be phối hợp cùng chính quyền địa phương và đối tác tổ chức địa điểm và đội ngũ chuyên viên xét nghiệm riêng cho tài xế của mình.
Tài xế sẽ được xét nghiệm linh hoạt trong ngày và có kết quả ngay sau 30 phút, nhận kết quả trực tuyến, loại bỏ in giấy kết quả. “Điểm đặc biệt là quy trình xét nghiệm được thiết kế giảm thiểu các thủ tục như xếp hàng, đăng ký, số hoá toàn diện, để toàn bộ khâu lấy mẫu xét nghiệm chỉ mất 1 phút/người, trả kết quả trực tuyến trong vòng 15 - 30 phút tối đa, giúp tài xế chủ động tiến hành công việc sớm đầu ngày,” đại diện beGroup nói.
Phía ứng dụng Grab cho biết vẫn đang bàn thảo về kế hoạch triển khai việc tự tổ chức và quản lý công tác xét nghiệm cho shipper của mình. Và sớm nhất có thể vào cuối ngày hôm nay (22/9), Grab sẽ thông báo cụ thể cho tài xế. Trong đó, chi phí tổ chức xét nghiệm (ngoài kit xét nghiệm được Sở Công thương chuyển giao là miễn phí) ra sao thì cũng sẽ được tính đến.
Còn theo một chuyên gia logistic, tự xét nghiệm cho shipper sẽ là một gánh nặng chi phí lớn. Nếu như các doanh nghiệp gọi xe công nghệ phải tự trang trải, nhiều khả năng các doanh nghiệp sẽ phải tự cắt giảm số lượng shipper được tham gia lưu thông hoặc tăng giá cả dịch vụ, do đó ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. "Giao cho ứng dụng xét nghiệm, thành phố cũng phải tính tới nguy cơ có thể một ứng dụng nào đó không chấp hành nghiêm túc, làm giả kết quả để có shipper chạy cho nhanh, cho nhiều," vị chuyên gia này cảnh báo.