Các công ty công nghệ khổng lồ của Trung Quốc là Alibaba và Tencent thường nói rất nhiều về những cải tiến và sản phẩm mới của họ trong các cuộc gọi thu nhập với các nhà đầu tư.
Nhưng giờ thì đã khác. Trong quý 2/2022 vừa qua, các giám đốc điều hành tại hai công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc lại tập trung vào thứ gì đó ít hào nhoáng hơn một chút - đó là nỗ lực giảm chi phí.
ÁP LỰC DOANH THU, CẢ TENCENT VÀ ALIBABA CÙNG SIẾT CHI PHÍ
Những nỗ lực giảm chi phí được đưa ra sau khi Alibaba và Tencent công bố kết quả quý II, xác nhận nhiều tài sản khổng lồ từng là những công trình sáng tạo bay bổng và đầy kỳ vọng, không còn phát triển nữa.
Theo CNBC, công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc Alibaba lần đầu tiên đã báo cáo mức tăng trưởng đứng yên trong quý từ tháng 4 đến tháng 6. Mới đây, gã khổng lồ trò chơi và truyền thông xã hội Tencent cũng thông báo về tình hình sụt giảm doanh thu hàng quý so với cùng kỳ năm ngoái.
Hai gã khổng lồ công nghệ Alibaba và Tencent được cho là đã cảm nhận rõ sức ảnh hưởng của suy thoái kinh tế do dịch Covid-19 gây ra ở Trung Quốc đang ảnh hưởng đến mọi thứ, từ chi tiêu của người tiêu dùng đến ngân sách quảng cáo. Các chính sách thắt chặt quy định về công nghệ của chính phủ nhằm chống độc quyền đến quản lý chơi game trong năm rưỡi qua cũng đang đè nặng lên kết quả kinh doanh của các công ty.
Khi doanh thu gặp nhiều áp lực, cả hai gã khổng lồ có vẻ đang cố kỷ luật hơn trong cách tiếp cận chi tiêu.
Giám đốc điều hành Tencent Ma Huateng nói với các nhà phân tích trong cuộc gọi mới đây rằng: “Trong quý hai, chúng tôi tích cực loại bỏ các mảng kinh doanh không cốt lõi, thắt chặt chi tiêu tiếp thị và cắt giảm chi phí hoạt động. Điều này cho phép chúng tôi tuần tự tăng thu nhập của mình bất chấp các điều kiện doanh thu khó khăn”.
Thật vậy, lợi nhuận của Tencent, khi loại trừ một số khoản không phải tiền mặt và tác động của các giao dịch mua bán sáp nhập, đã tăng 10% so với quý trước.
Chủ tịch Tencent Martin Lau cho biết công ty đã thoát ra các lĩnh vực kinh doanh không cốt lõi như giáo dục trực tuyến, thương mại điện tử và phát trực tiếp trò chơi. Công ty cũng thắt chặt chi tiêu tiếp thị và cắt giảm các lĩnh vực đầu tư thấp như thu hút người dùng. Chi phí bán hàng và tiếp thị của Tencent đã giảm 21% so với cùng kỳ năm trước trong quý II.
Số lượng nhân viên của công ty có trụ sở tại Thâm Quyến cũng giảm 5.000 người so với quý đầu tiên.
James Mitchell, Giám đốc chiến lược tại Tencent, cho biết với những sáng kiến này cộng với đầu tư vào các lĩnh vực mới, công ty có thể “đưa hoạt động kinh doanh trở lại mức tăng trưởng thu nhập hàng năm, ngay cả khi môi trường vĩ mô vẫn như hiện nay” và ngay cả khi tăng trưởng doanh thu không đổi.
Trong khi đó, Alibaba đã đánh dấu nỗ lực cắt giảm chi phí của mình vào đầu năm nay và vẫn tiếp tục thúc đẩy chiến lược "thắt lưng buộc bụng" này.
“Trong những quý tới và phần còn lại của năm tài chính này, chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược tối ưu hóa và kiểm soát chi phí”, Toby Xu, giám đốc tài chính của Alibaba, cho biết trong cuộc họp báo công bố thu nhập của công ty.
Xu cho biết gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc đã "thu hẹp thua lỗ" trong một số hoạt động kinh doanh chiến lược của mình bằng cách kiểm soát chi phí.
TĂNG TRƯỞNG ĐẾN TỪ ĐÂU?
Alibaba và Tencent đã phải thực hiện hành động cân bằng tinh tế để thuyết phục các nhà đầu tư rằng dù cắt giảm chi phí, họ vẫn đầu tư vào tương lai.
“Để quay trở lại con đường tăng trưởng thu nhập, chỉ tối ưu hóa chi phí là không đủ. Họ cần tìm ra những động lực tăng trưởng mới”, Winston Ma, trợ giảng giáo sư luật tại Đại học New York, nói.
Alibaba đã và đang tập trung vào việc thúc đẩy hoạt động kinh doanh điện toán đám mây, một giám đốc điều hành khu vực và các nhà đầu tư tin rằng đó là chìa khóa để công ty đạt được lợi nhuận tốt hơn trong tương lai. Đám mây là lĩnh vực phát triển nhanh nhất theo doanh thu của Alibaba trong quý tháng 6. Alibaba sẽ tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực có “tiềm năng dài hạn” như điện toán đám mây và thương mại điện tử ở nước ngoài.
Trong khi đó, Tencent nói về tiềm năng quảng cáo trong tính năng video ngắn WeChat của mình sẽ trở thành một nguồn doanh thu “đáng kể” trong tương lai. Tencent điều hành WeChat, ứng dụng nhắn tin lớn nhất Trung Quốc, với hơn một tỷ người dùng.
Ivan Su, nhà phân tích cổ phiếu cấp cao tại Morningstar, nói rằng Tencent đã “làm thực sự tốt trong việc cân bằng giữa đầu tư dài hạn và lợi nhuận ngắn hạn”.
“Nếu nhìn vào các sáng kiến chi phí mà họ đã công bố, một số khoản được cắt giảm vĩnh viễn, chẳng hạn như di chuyển qua đám mây và đóng cửa các doanh nghiệp kinh doanh không có lãi, trong khi các hoạt động khác (giảm ngân sách tiếp thị và giảm tuyển dụng) chỉ có tính chất tạm thời hơn. Vì vậy, Tencent vẫn có nhiều đòn bẩy để tạo ra sự cân bằng cho tăng trưởng”, ông Su nói.