Nước Đức từng được coi là một hình mẫu tiêu biểu về làm thế nào để ứng phó với virus Sars-CoV2. Nhưng số ca nhiễm mới ở nước này đang lên tới hơn 50.000 ca mỗi ngày, dẫn tới cảnh báo u ám về sự gia tăng của số ca tử vong.
Theo hãng tin CNBC, Đức đang ở trong làn sóng Covid thứ tư do biến chủng Delta lây lan nhanh khi thời tiết chuyển sang lạnh hơn. Ngày 11/11 đánh dấu ngày thứ tư liên tiếp Đức lập kỷ lục về số ca nhiễm mới, với 50.196 ca được ghi nhận trong vòng 24 giờ.
Dữ liệu từ Robert Koch Institute, một viện nghiên cứu y học của Đức, cho biết đến nay nước này có 4,89 triệu ca nhiễm và 97.198 ca tử vong do Covid.
Về cơ bản, các nghị sỹ Đức không muốn áp lệnh phong toả mới, nhưng một số bang nước này đã tái áp một số các quy định và hạn chế nghiêm ngặt để chống sự lây lan của virus.
Những con số này đang khiến giới chức Đức lo ngại. Thủ tướng sắp mãn nhiệm Angela Merkel đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với thủ hiến các bang để thảo luận biện pháp chống Covid. Hôm thứ Tư, người phát ngôn Steffen Seibert của bà Merkel nói rằng virus đang lây lan nhanh, đòi hỏi phải có “phản ứng nhanh và đồng bộ”.
Trước đó, vào hôm thứ Ba, chuyên gia dịch tễ học cấp cao nhất của Đức, ông Christian Drosten, kêu gọi hành động khẩn cấp và cảnh báo nguy cơ có thêm tới 100.000 ca tử vong nữa vì Covid nếu chính quyền không hành động để ngăn chặn sự lây lan của virus. Ông Drosten nói khả năng có thêm 100.000 ca tử vong do Covid ở Đức mới là “ước lượng dè dặt” và “chúng ta đang ở trong một tình thế khẩn cấp thực sự” khi có hàng triệu người Đức còn chưa tiêm vaccine.
Đầu tuần, dù đang bận rộn với cuộc đàm phán thành lập Chính phủ liên minh, Quốc hội Đức đã đề xuất một dự luật về phòng chống Covid, bao gồm đưa trở lại dịch vụ xét nghiệm Covid miễn phí, sau khi dịch vụ này chấm dứt thời gian gần đây. Dự luật cũng bao gồm yêu cầu bắt buộc xét nghiệm Covid hàng ngày đối với nhân viên và khách tới thăm các trại dưỡng lão, cùng các biện pháp khác.
Về cơ bản, các nghị sỹ Đức không muốn áp lệnh phong toả mới, nhưng một số bang nước này đã tái áp một số các quy định và hạn chế nghiêm ngặt để chống sự lây lan của virus.
Trước đây, Đức được đánh giá cao về cách chống Covid trong giai đoạn dầu của đại dịch, khi nước này triển khai quyết liệt các biện pháp gồm truy vết ca nhiễm và xét nghiệm trên diện rộng, kết hợp với tiêu chuẩn chăm sóc y tế cao giúp hạn chế sự lây nhiễm và tử vong do Covid. So với các quốc gia láng giếng ở Tây Âu như Pháp và Italy, Đức chống dịch ở giai đoạn đầu thành công hơn nhiều.
Tuy nhiên, cũng giống như các nước láng giềng, tốc độ tiêm chủng ban đầu của Đức khá chậm chạp và một bộ phận người dân nước này đến nay vẫn giữ quan điểm hoài nghi về vaccine. Tới hiện tại, có 69,8% dân số Đức đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa Covid, và 67,3% đã tiêm đủ. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với của Anh, nơi 79,8% dân số từ 12 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Làn sóng Covid hiện nay ở Đức được cho là xuất phát từ nguyên nhân tỷ lệ tiêm chủng còn thấp. Thực tế này khiến các chính trị gia Đức kêu gọi đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng.
Đức không phải là quốc gia châu Âu duy nhất đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của số ca nhiễm mới. Tình hình ở Pháp cũng tương tự, và được cho là do tốc độ lây mạnh của biến chủng Delta.
Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Y tế Đức Jens Spahn nói “chúng ta đang trải qua một đại dịch tập trung chủ yếu ở những người chưa tiêm vaccine, và đợt dịch này là rất lớn”. Quan điểm của ông Spahn nhận được sự đồng tình của ông Lothar Wieler, Chủ tịch Robert Koch Institute.
Ngày thứ Năm, ông Olaf Scholz, người có khả năng trở thành Thủ tướng mới của Đức thay bà Merkel, nói rằng các trung tâm tiêm chủng Covid của nước này nên được mở cửa trở lại để khuyến khích người dân đi tiêm. “Virus vẫn ở trong cộng đồng và đe doạ sức khoẻ người dân”, ông Scholz, Bộ trưởng Bộ Tài chính kiêm ứng viên Thủ tướng, phát biểu trước Quốc hội Đức.
Năm ngoái, Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu – triển khai những đợt phong toả nghiêm ngặt để chống Covid, tương tự như các nước láng giềng. Phong toả đã khiến kinh tế Đức sụt tốc mạnh. Ở thời điểm hiện tại, kinh tế Đức đang chịu tác động không hề nhỏ từ tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Volker Wieland, chuyên gia thuộc Viện Ổn định tiền tệ và tài chính Đức, nói rằng nước này không muốn áp phong toả trở lại.
“Xét tới tỷ lệ tiêm chủng đã có và những quy định hiện nay nhằm đảm bảo sự vận hành của nền kinh tế và hoạt động sản xuất công nghiệp, chúng tôi không cho là sẽ xảy ra những hệ quả nghiêm trọng về kinh tế trong mùa đông này. Cho tới thời điểm hiện tại, Chính phủ vẫn nói họ không muốn bất kỳ đợt phong toả mới nào”, ông Wieland nói với CNBC.
Đức không phải là quốc gia châu Âu duy nhất đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của số ca nhiễm mới. Tình hình ở Pháp cũng tương tự, và được cho là do tốc độ lây mạnh của biến chủng Delta. Theo dữ liệu từ Our World in Data, ngày 10/11 Đức ghi nhận 12.603 ca nhiễm mới, và số ca nhiễm bình quân 7 ngày gần nhất là 9.473 ca mỗi ngày. Hôm thứ Tư, Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp Olivier Veran nói làn sóng Covid thứ năm ở nước này đã bắt đầu.
Trong khi đó, Anh – quốc gia chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của số ca nhiễm vào cuối mùa hè vừa qua – hiện đang chứng kiến số ca nhiễm giảm xuống. Dù vậy, Anh vẫn có khoảng 40.000 ca nhiễm mới được ghi nhận vào hôm thứ Tư.