Mặc dù các mục tiêu đã được đặt ra là giảm 43% lượng phát thải khí nhà kính (GHG) toàn cầu vào năm 2030 và tiến tới mức 0% vào năm 2050, biến đổi khí hậu vẫn đang diễn ra và ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống của nhân loại. Từ mực nước biển dâng cao, nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng đến các hiện tượng thời tiết cực đoan, con người đang phải hứng chịu các trận thiên tai khắc nghiệt như sa mạc hóa hay lũ lụt, trong đó các quốc gia đang phát triển phải hứng chịu ảnh hưởng những tổn thất và thiệt hại nặng nề nhất.
Là những nước đóng góp đáng kể vào lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, các quốc gia giàu có, công nghiệp hóa cao sẽ phải đảm nhận trách nhiệm đáng kể trong việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thực hiện lời hứa về một tương lai bền vững cho hành tinh.
Đây là lúc công nghệ sâu cần xuất hiện vì một tương lai của nhân loại.
Mặc dù việc giảm phụ thuộc quá mức vào năng lượng nhiên liệu hóa thạch khó có thể thực hiện do vô số lý do về cả kinh tế và chính trị, nhưng các doanh nghiệp cũng đang thể hiện sự quan tâm đến việc áp dụng công nghệ sâu như một hình thức đổi mới mang tính chuyển đổi để tăng năng suất, giảm chi phí vận hành và đồng thời cải thiện tính bền vững. Điều này được thể hiện rõ qua sự gia tăng đáng kể đầu tư toàn cầu vào các công ty khởi nghiệp công nghệ sâu từ 15 tỷ USD năm 2016 lên 60 tỷ USD vào năm 2020, theo Báo cáo của BCG.
NHỮNG DỰ ÁN CÔNG NGHỆ SÂU TIỀM NĂNG
Công nghệ sâu bao gồm sự hội tụ của các công nghệ tiên tiến, từ trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ sinh học đến vật liệu tiên tiến và điện toán lượng tử, sẽ đóng góp cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc.
Người chiến thắng quỹ giải thưởng XPRIZE trong năm nay với phát minh về giảm thiểu Carbon, Carbyon, đang phát triển một giải pháp công nghệ sâu để làm sạch bầu không khí thông qua việc thu giữ carbon dioxide (CO2) trực tiếp trong không khí của các nhà máy công nghiệp. Với hơn 1,5 nghìn tỷ tấn CO2 được thải ra, điều quan trọng là phải hành động ngay lập tức để giảm bớt áp lực mà lượng CO2 khổng lồ đang gây ra cho môi trường.
Một chủ đề chính được Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nhấn mạnh trong COP27 là không khoan nhượng đối với các quốc gia khoác “vỏ bọc thân thiện” với môi trường. Khi ngày càng có nhiều tập đoàn tuyên bố thực hiện cam kết không phát thải ròng (net-zero), cần có thử nghiệm/giải pháp tốt hơn và hiệu quả hơn về ô nhiễm môi trường để buộc các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm, cam kết làm theo.
Theo đó, giải pháp Aprisium có thể giải quyết nhu cầu này bằng cách cung cấp khả năng quản lý ô nhiễm bền vững thông qua công nghệ do Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu (A*Star) tại Singapore phát triển. Dựa vào điện hóa học, quản lý dữ liệu đám mây và phân tích AI, các giải pháp của Aprisium cho phép các doanh nghiệp đo lường, giám sát và giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.
ỨNG DỤNG RỘNG RÃI CÔNG NGHỆ SÂU LÀ MỘT HÀNH TRÌNH DÀI
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), việc đạt được mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050 đòi hỏi phải có một nỗ lực lớn để phát triển các công nghệ tiên tiến và các giải pháp sáng tạo để tạo ra sự khác biệt trong việc giảm lượng khí thải carbon. Mặc dù công nghệ sâu đang thu hút được nhiều sự quan tâm hơn trong những năm qua, nhưng việc xây dựng một công ty khởi nghiệp công nghệ sâu không hề dễ dàng.
Những công nghệ mới nổi này có xu hướng rủi ro cao, vì tốn nhiều chi phí để phát triển và mất nhiều thời gian để sẵn sàng đưa ra thị trường, so với các giải pháp phần mềm kỹ thuật số. Tuy nhiên, điều cần thiết là cần có sự cung cấp, hỗ trợ dài hạn đồng thời cam kết để họ có cơ hội thăng tiến từ giai đoạn thử nghiệm sang giai đoạn thương mại hóa. Xét cho cùng, chỉ với công nghệ sâu thì các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc mới có thể thực hiện và vẫn còn hy vọng về một tương lai bền vững.