Phát biểu về “Ứng dụng Blockchain trong nền kinh tế số” trong khuôn khổ Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển công nghệ chuỗi khối và khuyến nghị cho Việt Nam” diễn ra tại Nhà Quốc hội, Hà Nội vào ngày 05/08/2022 vừa qua, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, ông Phan Đức Trung, đã nhấn mạnh “Tương lai của công nghệ Blockchain phụ thuộc vào việc phát triển chính sách, xây dựng khuôn khổ pháp lý bảo vệ người dùng và doanh nghiệp”.
BLOCKCHAIN LÀ CÔNG NGHỆ NỀN TẢNG TƯƠNG LAI
Theo ông Phan Đức Trung, blockchain chính là “công nghệ lưu trữ giá trị”, một công nghệ mà lý thuyết đã nhen nhóm từ những năm 1990 nhưng chỉ đưa vào thực tiễn khi có sự ra đời của Bitcoin vào năm 2009. Chính sự xuất hiện của Bitcoin đã khiến mọi người hiểu Blockchain là gì và có thể được ứng dụng trong thực tiễn như thế nào. Do đó, nói tới blockchain là nói tới công nghệ lưu trữ giá trị một cách phân tán trên mạng internet, chạy liên tục 24/7, ghi dữ liệu trên thuật toán đồng thuận.
Blockchain được đưa thực tiễn vào năm 2009. Để nói về tương lai gần như là chuyện không tưởng đối với nhiều người. Nhưng theo ông Phan Đức Trung, đặc tính quan trọng nhất của blockchain chính là đặc tính về tương lai, cụ thể, đó là công nghệ trụ cột của tương lai, hướng đến mai sau. Ông khẳng định: “Tất cả hệ thống blockchain sẽ thất bại khi không nhìn thấy tương lai”.
Trong sách trắng Bitcoin, Satoshi Nakamoto từng nói rằng muốn nhìn thấy một hệ thống tương lai về tài chính. 10 năm nữa, những giá trị tương lai của Bitcoin đi về đâu hoàn toàn là do cộng đồng. Các mô hình blockchain vẫn có khả năng sụp đổ vì mô hình kinh tế vẫn có thể thay đổi, nhưng mọi giá trị của Bitcoin hoàn toàn do chúng ta quyết định.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã ứng dụng blockchain vào chính phủ số như đơn giản hóa thủ tục, cắt giảm chi phí… Điều mà ta có thể thấy một số quốc gia như Estonia, Hàn Quốc, Singapore đang triển khai blockchain trong việc định danh số, thanh toán liên ngân hàng.
Và để xây dựng tương lai cho blockchain, để blockchain trở thành công nghệ tương lai, cần thiết có sự góp sức của chính phủ, nhà nước để tạo ra hành lang pháp lý, ban hành những khuôn khổ chung.
CẦN MÔ HÌNH ĐẢM BẢO ĐẠO ĐỨC CHO BLOCKCHAIN
Trong phiên thảo luận đề xuất cơ chế, chính sách cho blockchain, ông Nguyễn Mạnh Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đặt ra câu hỏi cho Hiệp hội Blockchain Việt Nam về cơ sở pháp lý trong ngành này, và liệu rằng có cách nào để các nước trên thế giới cùng hợp tác để tạo ra tiêu chuẩn đạo đức chung cho blockchain hay không?
Trả lời cho vấn đề này, ông Phan Đức Trung cho rằng tiêu chuẩn đạo đức là vấn đề rất quan trọng trong ngành này nhưng chưa được thảo luận rộng rãi ở Việt Nam. Trong khi ở nước ngoài, có những cơ quan đặc biệt soạn thảo quy định cho từng mảng liên quan đến blockchain.
Bên cạnh các chính sách về huy động vốn, stablecoin, CBDC, thì những tiêu chuẩn về phòng chống rửa tiền (AML - Anti Money Laundering) luôn là câu chuyện được các chính phủ trên thế giới quan tâm. Do đó, Việt Nam cần hòa nhập và tuân thủ các tiêu chuẩn phòng chống rửa tiền quốc tế. Ông nói: “Blockchain không thể vững bền nếu không có tiêu chuẩn AML trong các hoạt động kinh tế và ngân hàng”.
Quy tụ nhiều luật sư hàng đầu, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đang tích cực thảo luận các mô hình đạo đức trong ngành blockchain để hòa nhập cùng các tiêu chuẩn phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố liên quan đến tiền mã hóa.
Trong công tác tuyên truyền, việc kết hợp giữa an toàn thông tin, phòng chống rửa tiền… là một trong những tiêu chí mà Hiệp hội có thể tham gia cùng với Nhà nước để cùng tạo ra môi trường an toàn, minh bạch cho việc ứng dụng blockchain.