Nằm ở phía Tây của bán đảo Scandinavia, Na Uy có lẽ là một trong những quốc gia thịnh vượng nhất toàn cầu, với GDP tính trên đầu người khoảng 100 nghìn USD/năm.
Ngoài ra, Na Uy còn sở hữu nhiều chỉ số đứng hàng đầu thế giới như: chỉ số phát triển con người, chỉ số an toàn quốc gia,...
Đã 45 năm trôi qua kể từ ngày Việt Nam - Na Uy thiết lập quan hệ ngoại giao. Tại đất nước này, đang có sự hiện diện của cộng đồng trên hai vạn người Việt, được xem là cộng đồng nhập cư ngoài châu Âu thành đạt nhất ở đây.
Với dân số chỉ hơn 5 triệu người, nhưng Na Uy là một cường quốc về kinh tế biển, có sức cạnh tranh toàn cầu trên cơ sở sáng tạo và công nghệ tiên tiến, khi đứng thứ sáu thế giới về dầu mỏ, đứng thứ hai thế giới về khí tự nhiên, đội tàu vận tải biển và xuất khẩu hải sản.
Để có được vị trí đáng nể như trên, Chính phủ Na Uy rất coi trọng việc xây dựng chiến lược, chính sách, biện pháp để phát triển các ngành kinh tế biển. Các hoạt động khoa học công nghệ biển từ nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng được đặc biệt chú ý. Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp thông qua các hiệp hội ngành nghề được phát huy.
Tất cả nhằm duy trì và tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu cho các doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa, mở rộng thị trường quốc tế cho Na Uy.
Theo GS. Torger Reve ở Trường Kinh doanh Na Uy nói, Na Uy cũng như nhiều cường quốc dầu khí đang đứng trước các thách thức không nhỏ do giá dầu thô giảm sâu, như dòng vốn đầu tư vào công nghiệp dầu khí giảm, nhiều dự án dầu khí bị dãn, hoãn, nhiều công ty dầu khí phải sa thải lao động, cắt giảm chi phí giá thành…
Do đó, yêu cầu cần thiết phải chuyển đổi nền kinh tế. Bên cạnh các ngành kinh tế biển truyền thống như vận tải biển, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản, tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, du lịch biển, công nghiệp quốc phòng biển, Na Uy đang thúc đẩy phát triển một số ngành kinh tế mới như năng lượng tái tạo từ gió, sóng biển, thủy triều; nuôi trồng thủy hải sản, xa bờ; khai thác khoáng sản đáy biển; sinh học và công nghệ sinh học biển…
Đại sứ Việt Nam tại Na Uy, bà Lê Thị Tuyết Mai cho biết, hiện nước này đang xây dựng chiến lược biển cho tương lai, dự kiến sẽ công bố vào đầu năm 2017.
Bên cạnh các ngành công nghiệp biển (ocean industries) là nghề cá và nuôi trồng thủy hải sản, ngành dầu khí, vốn là những ngành mũi nhọn quốc gia, năm ngoái Na Uy đã thông qua chiến lược phát triển ngành hàng hải theo hướng thân thiện với môi trường.
Na Uy chú trọng xây dựng nghề cá và nuôi trồng thủy hải sản theo hướng bền vững, với sản lượng nuôi trồng thủy sản hải lên tới 1,2 triệu tấn một năm. Ngành thủy sản liên tục được cập nhật công nghệ mới.
Ở Na Uy, 100% cá hồi và cá hồi vân nuôi được tiêm phòng vaccine thay vì sử dụng kháng sinh. Bởi nếu sử dụng nhiều kháng sinh, sẽ tạo ra các dòng vi khuẩn kháng thuốc, ảnh hưởng tiêu cực đến con người và môi trường, làm ngành nuôi trồng thuỷ sản phát triển không bền vững. Khi được tiêm vaccine, cá sẽ khoẻ hơn, tác động tích cực đến môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Một ví dụ điển hình là Pharmaq, công ty cung cấp các giải pháp chăm sóc sức khoẻ thuỷ sản hàng đầu thế giới theo hướng hiệu quả, an toàn, thân thiện với môi trường, để phát triển bền vững ngành thủy sản.
Hiện nay Pharmaq đang hợp tác với các viện, Đại học Cần Thơ và Đại học Nha Trang nghiên cứu vaccine cho các loại cá ở Việt Nam, thông qua chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực.
Có thể thấy, triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Na Uy về nghiên cứu và phát triển kinh tế biển là rất lớn.
Giữa hai nước hiện đang có nhiều dự án hợp tác về đào tạo, nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ biển, kinh tế biển. Đặc biệt, với triển vọng hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) mà Na Uy là thành viên sớm được ký kết, sẽ mở ra cơ hội lớn để thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước, nhất là trong các ngành công nghiệp biển.
Điều này cũng phù hợp với Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 của hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa 10). Nghị quyết đã xác định các quan điểm chỉ đạo về định hướng chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát triển toàn diện các ngành, nghề biển, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường...
* Ông Trần Văn là Đại biểu Quốc hội các khóa XII, XIII
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate