Ngày 28/10, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn và Thanh Hóa.
NHU CẦU TUYỂN DỤNG ĐA DẠNG, NHIỀU VỊ TRÍ LƯƠNG 20 TRIỆU ĐỒNG
Theo kết quả tổng hợp của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, phiên giao dịch việc làm có sự tham gia của 78 doanh nghiệp tại 6 tỉnh, thành phố với tổng nhu cầu tuyển dụng là 8.351 chỉ tiêu.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, trong tổng số 78 doanh nghiệp tham gia, tại Hà Nội có 31 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng với gần 1.000 chỉ tiêu, nhu cầu tập trung ở các ngành nghề như: may mặc, nhân viên kinh doanh, bán hàng, kế toán, công nhân sản xuất…sẽ mang lại cho người lao động những cơ hội việc làm phù hợp với khả năng, có thu nhập ổn định sau thời gian dài giãn cách xã hội và bị ảnh hưởng bởi làn sóng dịch bệnh thứ 4.
Về mức thu nhập, mức từ 10 triệu đồng/tháng trở lên chiếm 27,4% chỉ tiêu tuyển dụng. Đây là mức thu nhập của những chỉ tiêu tuyển dụng chất lượng cao vào các vị trí kinh doanh, quản lý, giám sát, trưởng – phó phòng dành cho người lao động có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, có khả năng chịu được áp lực công việc cao.
Mức thu nhập từ trên 7 – 10 triệu đồng/tháng chiếm 33,3%, là mức thu nhập của đại bộ phận các vị trí việc làm ổn định như: kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, nhân viên kỹ thuật có tay nghề.
Mức từ 5 – 7 triệu đồng/tháng chiếm 22,9%, đây là mức dành cho lao động chưa có tay nghề, sinh viên mới ra trường hoặc các công việc thời vụ, bán thời gian. Còn lại là mức thu nhập theo thỏa thuận, là mức mà các doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận trong quá trình phỏng vấn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của người lao động.
Cơ hội việc làm tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi từ 26 – 35, dành cho người lao động đã có kinh nghiệm làm việc và trình độ chuyên môn tốt, đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Với 47 doanh nghiệp tham gia phiên giao dịch việc làm tại Sàn giao dịch việc làm các tỉnh: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thanh Hóa, nhu cầu tuyển dụng tập trung chủ yếu ở các ngành nghề như: nhân viên kỹ thuật, nhân viên kinh doanh, công nhân sản xuất, cơ khí – hàn, xây dựng, may mặc…với mức lương từ 5 – 20 triệu đồng. Đây là cơ hội lớn cho lực lượng lao động phổ thông trên địa bàn, cũng như các tỉnh, thành phố lân cận có nhu cầu tìm kiếm việc làm có nhiều lựa chọn tốt hơn.
DOANH NGHIỆP VẪN GẶP KHÓ TRONG TUYỂN DỤNG LAO ĐỘNG
Là một trong số nhiều doanh nghiệp tham gia tuyển dụng trực tiếp tại điểm sàn giao dịch việc làm Hà Nội, bà Nguyễn Thị Ước, phụ trách hành chính – nhân sự công ty Cổ phần Việt Chuẩn cho biết, do nhu cầu mở rộng thị trường, hiện doanh nghiệp này đang có nhu cầu tuyển dụng từ nay đến đầu năm 2022 ở nhiều vị trí như: lao động phồ thông, kỹ thuật viên có kinh nghiệm, nhân viên văn phòng.
Với nhóm lao động phổ thông không yêu cầu kinh nghiệm, hiện cần tuyển từ 40 - 50 người với mức lương dao động từ 7 – 9 triệu đồng, vị trí kỹ thuật viên từ 9 – 15 triệu tùy thuộc vào kinh nghiệm. Mặc dù vậy, bà Ước đánh giá, thời điểm này doanh nghiệp khá khó khăn trong việc tìm kiếm các ứng viên.
“Hiện nguồn cung về lao động chưa thực sự dồi dào, người lao động vẫn còn tâm lý e ngại về tình hình dịch bệnh dù đã hết giãn cách. Vì vậy, để đáp ứng nguồn lao động, hiện chúng tôi cũng mở rộng tìm kiếm các ứng viên qua nhiều kênh tuyển dụng khác nhau như: các trang mạng tuyển dụng, qua zalo, facebook…”, bà Ước cho biết.
Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Quang Thành đánh giá, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ghi nhận của đơn vị này cho thấy một số nhóm ngành về dịch vụ nhà hàng, ăn uống…đã bắt đầu “rục rịch” tuyển dụng trở lại. Bên cạnh đó, với các nhóm ngành truyền thống trong thời gian qua vẫn tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng lớn như: công nghệ thông tin, ngân hàng…
Về tình trạng thiếu hụt lao động, ông Thành cho biết, riêng tại thị trường Hà Nội cơ bản tại các doanh nghiệp, khu vực kinh tế chính thức thì việc thiếu hụt lao động rất hạn chế.
“Điều này có thể do doanh nghiệp hiện nay đã tương đối chủ động vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch vừa đảm bảo an toàn sản xuất, kinh doanh. Tất nhiên, vẫn có những doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động hoặc cắt giảm quy mô hoạt động chỉ còn từ 20 – 30% so với trước đây, song họ vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động để giữ chân người lao động tiếp tục ở lại làm việc”, ông Thành thông tin.
Bên cạnh đó, do nguồn lao động bị ảnh hưởng sau đợt dịch vừa qua trên địa bàn Hà Nội tập trung chủ yếu ở nhóm lao động tự do, làm việc trong các nhóm ngành dịch vụ, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Một lực lượng lao động ở nhóm này đã trở về quê sau khi dịch bùng phát, tuy nhiên tính chung tỷ lệ lao động trở về quê ở địa bàn Hà Nội là không đáng kể.
Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người lao động kết nối tuyển dụng, ông Thành cho biết, đơn vị này tiếp tục đánh giá tình hình dịch bệnh đối với thị trường Hà Nội để có hoạt động tư vấn, kết nối, giới thiệu việc làm phù hợp trên hệ thống 15 điểm sàn việc làm trên địa bàn.
Đồng thời, Trung tâm sẽ phối hợp với các địa phương để tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm lưu động, nhưng vẫn phải đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.