January 19, 2025 | 23:17 GMT+7

Tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên: Hành trình về đích

Hải Vân - Huỳnh Dũng

Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên phát triển với ba đột phá chiến lược, trong đó hạ tầng giao thông giữ vai trò then chốt, tạo nền tảng thúc đẩy giao thương và tăng trưởng kinh tế. Sau sự xuất hiện của hai tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức vận hành tại TP.Hồ Chí Minh, đánh một dấu mốc quan trọng trong hành trình hiện đại hóa giao thông công cộng tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được phê duyệt chủ trương từ năm 2007 và chính thức khởi công vào năm 2008 với tổng mức đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng. Đến năm 2011, dự án được điều chỉnh tăng tổng mức đầu lên hơn 47.000 tỷ đồng, trong đó vốn vay từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) chiếm hơn 41.800 tỷ đồng, phần còn lại từ ngân sách TP.Hồ Chí Minh.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2017 và đưa vào vận hành thương mại năm 2018. Tuy nhiên, vì nhiều trở ngại, tuyến Metro số 1 chính thức đi vào hoạt động vào ngày 22/12/2024.

Theo chia sẻ từ đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1 (HURC), doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuẩn bị vận hành tuyến Metro đầu tiên của TP.Hồ Chí Minh. Một trong những thách thức lớn nhất là xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật và vận hành, vốn còn mới mẻ tại Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, công ty đã tổ chức nhiều chương trình đào tạo và hợp tác với nhiều đối tác nước ngoài hướng tới xây dựng đội ngũ đạt chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, vì là tuyến Metro đầu tiên của TP.Hồ Chí Minh nên công ty phải tự xây dựng và triển khai các quy trình vận hành, bảo trì từ con số không; đồng thời, phối hợp với nhiều cơ quan chức năng để hoàn thiện khung pháp lý và chính sách liên quan.

VƯỢT KHÓ KHĂN, ĐƯA DỰ ÁN VỀ ĐÍCH

Nhờ sự hỗ trợ từ Ủy ban Nhân dân TP.Hồ Chí Minh, các sở, ban, ngành, đối tác cả trong nước và nước ngoài, cùng nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ, dự án đã vượt qua khó khăn và chính thức vận hành.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn vận hành, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 đặt ưu tiên hàng đầu vào an toàn và trải nghiệm của hành khách. Theo đó, mọi khâu vận hành đều tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế. Để thực hiện tốt điều đó, ngoài việc xây dựng đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản, còn cần kinh nghiệm thực tiễn từ các quốc gia có hệ thống đường sắt đô thị phát triển như Nhật Bản nhằm xây dựng các kịch bản ứng phó rủi ro một cách kỹ càng.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Số liệu thống kê cho thấy từ khi vận hành vào ngày 22/12/2024 đến ngày 6/1/2025, tuyến Metro số 1 đã thực hiện 3.229/3.231 chuyến, đạt tỷ lệ 99,9% với tổng sản lượng vận chuyển 1,76 triệu lượt hành khách. Trung bình mỗi ngày, tuyến này phục vụ 109.915 lượt khách, gấp 2,8 lần so với dự báo ban đầu.

Thực tế cho thấy, nhiều hành khách rất hào hứng khi lần đầu trải nghiệm Metro Việt Nam. Mặc dù vậy, theo phản ánh từ nhiều người dân, tuyến Metro số 1 cần cải thiện hơn về tính chuyên nghiệp trong tổ chức vận hành, đặc biệt là các yếu tố như đường pit, hành lang an toàn. Khi có thông báo yêu cầu hành khách chú ý, thông tin lại chưa rõ ràng khiến hành khách khó biết cần lưu ý điều gì. Gần đây, tuyến Metro số 1 liên tiếp ghi nhận sự cố khiến tàu phải dừng trong một số khoảng thời gian ngắn khiến nhiều người bối rối.

Là một trong số những hành khách trải nghiệm metro những ngày đầu, anh Hữu Vũ, nhân viên văn phòng tại TP.Hồ Chí Minh, từng có thời gian sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, cho hay so với tàu điện ngầm ở Nhật Bản, metro tại Việt Nam không khác biệt nhiều về hình thức, đặc biệt là hệ thống bảng chỉ dẫn khá chi tiết. Tuy vậy, xét về quy mô thì vẫn còn nhiều hạn chế.

“Một trong những khó khăn khi sử dụng lần đầu là việc xác định hướng tàu chạy. Chẳng hạn, khi đi tuyến hướng Suối Tiên, cần lên sân ga bên trái, nhưng thông tin về hướng này chưa được chỉ rõ ràng khiến người dùng bối rối”, anh Vũ bộc bạch.

DƯ ĐỊA ĐỂ PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH TOD

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sự ra đời của tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) mang ý nghĩa to lớn, không chỉ mở ra nhiều cơ hội phát triển mới mà còn giải quyết các vấn đề như ùn tắc giao thông, kẹt xe và ô nhiễm môi trường. Đây cũng là động lực thúc đẩy mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (Transit-Oriented Development - TOD), xu hướng tất yếu của các siêu đô thị hàng đầu thế giới như London, Paris, và New York.

Theo đó, hệ thống metro có thể vận chuyển hàng triệu lượt người mỗi ngày, tương đương với việc loại bỏ hàng triệu phương tiện cá nhân khỏi đường phố, qua đó giảm thiểu ùn tắc và cải thiện chất lượng không khí. Đây là lợi ích quan trọng đối với mục tiêu phát triển đô thị bền vững.

Hơn nữa, metro đô thị còn tạo ra các nhu cầu về ăn uống, mua sắm và dịch vụ dọc tuyến. Theo các chuyên gia, nếu triển khai mô hình TOD hiệu quả, đô thị không chỉ phát triển mà còn có thể thu hút các nguồn thu tài chính đáng kể. Do đó, hoàn toàn có thể thu hồi chi phí để xây dựng tuyến metro trị giá hàng tỷ USD thông qua phát triển bất động sản và dịch vụ thương mại xung quanh.

14 ga hành khách thuộc tuyến metro số 1
14 ga hành khách thuộc tuyến metro số 1

Là một trong số nhiều chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch Ngo Viet Architects & Planners, cho rằng TP.Hồ Chí Minh hiện mới tập trung vào việc hoàn thiện tuyến Metro số 1 mà chưa khai thác hết tiềm năng. Theo ông Sơn, cụm ga trung tâm như ga Bến Thành và ga trước Ủy ban Nhân dân thành phố, có thể tạo không gian ngầm đi bộ tương tự như ở Montreal (Canada) bởi khoảng cách giữa hai ga này là tương đối thuận lợi.

“Tuy khó khăn về vốn đang là trở ngại lớn, nhưng việc tận dụng tối đa tiềm năng không gian ngầm là điều cần thiết. Trong đó, khu vực từ chợ Bến Thành đến đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ và kéo dài qua Thủ Thiêm có thể được phát triển thành không gian ngầm tích hợp, vừa phục vụ nhu cầu giao thông vừa tăng giá trị bất động sản”, vị chuyên gia trên nhấn mạnh.

Để đạt hiệu quả cao, các công trình cao tầng xung quanh phải được kết nối đồng bộ với không gian ngầm. Các cụm công trình như Sài Gòn Center, Thương xá Tax hay tháp đôi trước chợ Bến Thành cần tích hợp các tầng ngầm với hệ thống metro, qua đó tăng giá trị đầu tư và thu hút doanh nghiệp tham gia.

KHÔNG GIAN NGẦM CÓ NHIỀU TIỀM NĂNG

Thông tin thêm về một số điểm chiến lược, TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn cho rằng không gian ngầm tại 2 ga đầu tiên có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, tiềm năng lớn hơn có thể thấy ở ga Thảo Điền. Hiện tại, khu vực này chỉ có một số tòa nhà cao tầng và cụm Mega Mall của Masteri. Nhưng tương lai, từ ga Thảo Điền sẽ phát triển thêm một tuyến nhánh nối đến khu Trường Thọ - nơi được quy hoạch trở thành trung tâm của Thành phố Thủ Đức. Do đó, Trường Thọ có tiềm năng lớn để phát triển thành một trung tâm đô thị hiện đại.

Bên cạnh đó, ở ga Suối Tiên, điểm nhấn hiện tại là khu giải trí Suối Tiên và cụm đại học xung quanh. Trong tương lai, TP.Hồ Chí Minh cần kết nối không gian giữa khu đại học và khu đô thị sáng tạo, phát triển thành một trung tâm R&D, giáo dục, hội nghị quốc tế, kết nối với khu công nghệ cao, mục tiêu là tạo ra một “Silicon Valley” cho Thành phố.

Theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, hành khách không ngại đi xa hơn để đến sân bay quốc tế, vì nhu cầu này thường chỉ diễn ra một vài lần trong năm. Quan trọng hơn, tuyến metro cần được nuôi dưỡng bởi lượng hành khách di chuyển thường xuyên từ các khu đô thị dọc hai bên tuyến. Khi tuyến metro hoạt động ổn định và bền vững, việc kết nối trực tiếp đến sân bay sẽ trở nên khả thi.

TP.Hồ Chí Minh đặt mục tiêu hoàn thành hàng trăm km metro trong thập niên tới. Để hiện thực hóa, cần xây dựng quy trình chuẩn từ việc phát triển hạ tầng giao thông, tích hợp mô hình TOD, huy động nguồn lực tài chính, tổ chức giao thông kết nối, đến việc xây dựng các dịch vụ thương mại quanh nhà ga.

“Hiện nay, khung pháp lý chưa đáp ứng đủ cho việc triển khai TOD, gây ra nhiều điểm nghẽn. Do đó, cần thành lập một cơ quan chuyên trách, chẳng hạn một tập đoàn đường sắt kết hợp phát triển TOD, để kết nối các sở ngành và xây dựng quy trình chuẩn từ pháp lý, kỹ thuật đến vận hành”, ông Ngô Viết Nam Sơn cho biết.

Mô hình này không chỉ giải quyết vấn đề giao thông cho TP.Hồ Chí Minh mà còn có thể mở rộng áp dụng cho các đô thị lớn khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Huế và Thanh Hóa. Đây sẽ là tiền đề cho việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia, thu hút đầu tư công tư và phát triển đô thị bền vững.

Trước đây, hệ thống metro tại TP.Hồ Chí Minh được thiết kế với tư duy giao thông vận tải, chưa gắn kết với mô hình TOD. Vì áp lực tiến độ và thời gian quy hoạch ngắn, các đơn vị tư vấn chưa có điều kiện nghiên cứu sâu để tối ưu hóa theo hướng này. Đây là điểm cần xem xét và cải thiện trong tương lai.

 

Một số dấu mốc quan trọng của dự án Metro số 1 TP.Hồ Chí Minh

- Tháng 1/2006: Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Chợ Nhỏ.

- Tháng 10/2006: Thủ tướng chấp thuận kéo dài tuyến đường sắt từ Chợ Nhỏ đến Suối Tiên thành dự án tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên).

- Tháng 4/2007: Tuyến Metro số 1 chính thức được khởi động với tổng kinh phí dự kiến 17.387 tỷ đồng.

- Năm 2009: Dự án được nâng tổng mức đầu tư lên 47.325 tỷ đồng.

- Tháng 8/2012: Dự án chính thức được khởi công xây dựng và điều chỉnh thời gian hoàn thành kéo dài đến năm 2020.

- Giai đoạn 2016-2019: Tuyến Metro số 1 gặp nhiều khó khăn về thủ tục, nguồn vốn… khiến thời gian khai thác vận hành lùi xuống quý 4/2021.

- Năm 2020: Dự án tiếp tục được lùi thời gian hoàn thành xuống quý 4/2022.

- Tháng 10/2022: Tuyến Metro lại lùi tiến độ đến quý 4/2023.

- Tháng 6/2024: TP.Hồ Chí Minh tiếp tục kiến nghị lùi thời gian hoàn thành và đưa dự án vào vận hành thương mại vào quý 4/2024.

“Quá trình quy hoạch thành công khu đô thị Nam Sài Gòn là minh chứng rõ nét cho sự phối hợp giữa quy hoạch tốt, chính sách phù hợp, hợp tác công tư và tầm nhìn dài hạn. Mô hình TOD cũng cần áp dụng tư duy tương tự - đột phá và mở - để xây dựng những đô thị hiện đại và bền vững”, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn khuyến nghị...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 3-20245 phát hành ngày 20/1/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên: Hành trình về đích - Ảnh 1
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate