Như VnEconomy đã đưa tin, trong tuần trước (2/5 - 6/5), VND hầu như đi ngang bất chấp quyết định tăng lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Diễn biến này trái ngược với xu hướng giảm của các đồng tiền trong khu vực.
Yếu tố hỗ trợ chính VND trong giai đoạn này chủ yếu đến từ nguồn cung USD tích cực như cán cân thương mại ước tính xuất siêu 2,5 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm và FDI giải ngân đạt 5,9 tỷ USD.
Bên cạnh đó, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM cũng cho thấy dòng tiền kiều hối tích cực trong quý 1/2022, đạt 1,8 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng công cụ bán ngoại tệ kỳ hạn 3 tháng để hỗ trợ thanh khoản đồng USD.
Tuy nhiên, sang đến tuần này, trước áp lực tăng giá của USD, Ngân hàng Nhà nước đã buộc phải tăng giá bán USD. Bước tăng được quyết định vào ngày 11/5 với mức tăng 200 VND. Giới chuyên môn cho rằng, hành động của nhà điều hành dường như đánh dấu quãng thời gian ổn định tỷ giá USD/VND đã bị phá vỡ.
Thực tế cho thấy, tỷ giá tại các thị trường bắt đầu tăng "bốc đầu. Cụ thể, chốt phiên ngày 11/5, giá USD liên ngân hàng tăng tới 20 VND. Đồng thời, giá trên thị trường tự do tăng 100 VND ở chiều mua vào và 110 VND ở chiều bán ra.
Sang đến ngày 12/5, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng tăng tới 135 VND và dừng lại ở mức 23.098 USD/VND. Tỷ giá tại các ngân hàng thương mại điển hình như tại Vietcombank sau nhiều ngày đi ngang cũng tăng mạnh 110 VND.
Diễn biến này còn tiếp tục kéo dài sang đến ngày hôm nay (13/5), khi giá USD tại Vietcombank tăng thêm 30 VND ở cả hai chiều mua và bán, lên 22.050 VND (mua vào) và 23.230 VND (bán ra).
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, trong thời gian tới, FED vẫn còn một vài lần tăng lãi suất nữa. Do đó, USD sẽ tiếp tục lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác, bao gồm cả VND, khiến sức ép lên tỷ giá USD/VND dần lớn hơn.
“Sau khi tính toán dựa trên lợi thế đang có và áp lực từ quyết sách của FED, chúng tôi dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tăng nhưng không quá lớn. Mức tăng khoảng 0,8-1,2% trong năm 2022”, ông Lực nhận định.
Nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của việc ngân hàng trung ương các nước, đặc biệt là FED có xu hướng thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, ông Lực khuyến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần theo sát, phân tích và dự báo diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế, cần xây dựng kịch bản nếu Fed tăng nhanh lãi suất, kinh tế toàn cầu phục hồi yếu đi dẫn tới những biến động trên thị trường tài chính toàn cầu.