September 27, 2023 | 11:17 GMT+7

Tỷ giá tìm đỉnh mới, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 50 nghìn tỷ qua kênh tín phiếu

Kỳ Phong -

Kể từ ngày 21 đến ngày 26/9, Ngân hàng Nhà nước đã khởi động trở lại kênh phát hành tín phiếu trên thị trường mở sau 6 tháng với tổng khối lượng hút ròng lên tới 50.000 tỷ đồng ở kỳ hạn 28 ngày…

Vị thế dự trữ ngoại hối được cải thiện và điều hành thị trường mở linh hoạt góp phần trung hoà áp lực tỷ giá.
Vị thế dự trữ ngoại hối được cải thiện và điều hành thị trường mở linh hoạt góp phần trung hoà áp lực tỷ giá.

Cập nhật thị trường cho thấy ngày 21/9, Ngân hàng Nhà nước phát hành thành công 9.995 tỷ đồng tín phiếu, lãi suất trúng thầu đạt 0,69% và kỳ hạn là 28 ngày.

Ngày 22 và ngày 25/9, nhà điều hành tiếp tục phát hành 10.000 tỷ đồng tín phiếu với lãi suất trúng thầu lần lượt là 0,5% và 0,49%, kỳ hạn 28 ngày.

Ngày 26/9, cũng với kỳ hạn 28 ngày nhưng khối lượng tín phiếu phát hành tăng lên gấp đôi là 20.000 tỷ đồng, lãi suất 0,59%.

Mức lãi suất trúng thầu tín phiếu hiện đang cao hơn mức lãi suất bình quân liên ngân hàng. Giới phân tích cho rằng động thái hút VND của Ngân hàng Nhà nước sẽ thúc đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng nhẹ đồng thời giảm áp lực tỷ giá trong thời gian tới.

Sau 2 phiên Ngân hàng Nhà nước kích hoạt kênh tín phiếu, lãi suất VND liên ngân hàng kết tuần 18-22/9 với xu hướng tăng nhẹ.

 Chốt ngày 22/9, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: Qua đêm là 0,21% (+0,01 %); 1 tuần là 0,4% (+0,05%); 2 tuần là 0,53% (+0,04%); 1 tháng là 1,1% (không đổi).

Vào ngày 11/9, tỷ giá chính thức tại các ngân hàng đã vượt qua 24.000 và đạt mức cao nhất từ đầu năm cho tới nay, tăng 2,6% so với đầu năm và tăng 3,8% so với đáy thời điểm giữa tháng 4 năm nay. Giá bán USD tại các ngân hàng thương mại đã ghi nhận vượt qua mức 24.500 VND/USD ở chiều bán.

Hiện tại, tỷ giá vẫn chưa hạ nhiệt và tiếp tục tìm đỉnh mới. Sáng 27/9, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 24.088 VND/USD, tăng nhẹ 4 đồng mỗi US so với phiên trước.

 

Giới phân tích cho rằng thị trường lo ngại sự phân cực ngày càng lớn giữa chính sách tiền tệ của Mỹ và ngân hàng trung ương các nước khu vực Châu Á, mà đại diện là Trung Quốc, Nhật Bản,… nên chuyển sự chú ý sang đồng USD, khiến chỉ số USD Index tăng liên tục trong 3 tháng gần đây.

 Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra tăng nhẹ, hiện ở mức: 23.400 đồng - 25.242 đồng.

Tại một số ngân hàng thương mại như Vietcombank niêm yết tỷ giá USD ở mức 24.215-24.555 VND/USD (mua vào – bán ra), BIDV mua vào 24.240 VND/USD, bán ra 24.540 VND/USD.

Techcombank cũng đưa giá USD lên 24.250-24.585 VND. ACB niêm yết 24.290-24.590 VND/USD mua vào, bán ra.

Trên thị trường tự do, giá USD cũng tăng mạnh lên khoảng 24.300 VND/USD chiều mua vào và 24.400 VND/USD chiều bán ra. Như vậy, giá USD tự do đang thấp hơn khá nhiều so với giá USD các ngân hàng thương mại.

Đồng USD mạnh lên là nguyên nhân chủ yếu lý giải cho đà tăng của tỷ giá trong thời gian vừa qua. Giới phân tích cho rằng thị trường lo ngại sự phân cực ngày càng lớn giữa chính sách tiền tệ của Mỹ và ngân hàng trung ương các nước khu vực Châu Á, mà đại diện là Trung Quốc, Nhật Bản,… nên chuyển sự chú ý sang đồng USD, khiến chỉ số USD Index tăng liên tục trong 3 tháng gần đây.

Sáng 27/9 (giờ Việt Nam), USD Index đã chạm mốc 106,2. Sau cuộc họp vào ngày 20/09, Fed tiếp tục giữ lãi suất ổn định nhưng củng cố lập trường "diều hâu" với việc tăng lãi suất một lần nữa vào tháng 11/2023.

Song, các chuyên gia đánh giá “bóng ma” tỷ giá cuối năm 2022 không quay trở lại do USD Index thời điểm đó lên tới gần 115 điểm bởi  bối cảnh hiện nay Fed đã đi đến chặng cuối của chu kỳ tăng lãi suất.

Ở trong nước, một vài yếu tố vĩ mô tích cực như: dòng vốn FDI giải ngân quay trở lại mạnh mẽ trong tháng 8 (tăng 24% so với cùng kỳ), lũy kế 8 tháng đầu năm ước đạt 13 tỷ USD (tăng 1,3% so với cùng kỳ); thặng dư thương mại 8 tháng năm 2023 ước đạt 20.1 tỷ USD, … sẽ góp phần “trung hòa” áp lực tăng giá tỷ giá vào cuối năm.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate