Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (26/9), với chỉ số S&P 500 thiết lập mức đáy đóng cửa mới của năm 2022 và chỉ số Dow Jones chính thức rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) trong bối cảnh lãi suất tăng cao và tỷ giá các đồng tiền trên toàn cầu biến động mạnh.
Giá dầu thô cũng có một phiên “đổ đèo”, trượt về mức thấp nhất kể từ đầu năm.
Lúc đóng cửa, S&P 500 giảm 1,03%, còn 3.655,04 điểm, thấp hơn mức đáy trước đó là 3.666,77 điểm thiết lập hồi tháng 6. Trong phiên, có thời điểm chỉ số giảm còn 3.644,76 điểm, rất gần mức đáy nội phiên của năm 2022 là 3.636,87 điểm.
Dow Jones mất 329,6 điểm, tương đương giảm 1,11%, còn 29.260,81 điểm, với đà giảm được đẩy nhanh trong những phút cuối của phiên giao dịch. Chỉ số gồm 30 cổ phiếu này đã giảm 20,4% kể từ mức cao thiết lập vào hôm 4/1, theo đó đáp ứng định nghĩa thị trường đầu cơ giá xuống hay còn gọi là thị trường gấu.
Chỉ số Nasdaq giảm 0,4%, chốt phiên ở mức 10.802,92 điểm.
Phiên đầu tuần ghi nhận biến động chóng mặt trên thị trường tiền tệ. Đồng Bảng Anh có lúc giảm 4%, xuống mức thấp nhất mọi thời đại so với đồng USD 1,0382 USD đổi 1 Bảng. Sau đó, tỷ giá đồng Bảng hồi phục do đồn đoán của giới đầu tư rằng Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) có thể sẽ phải tăng lãi suất quyết liệt để chống lạm phát.
Chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cùng với kế hoạch cắt giảm thuế của Anh mà tân Thủ tướng Liz Truss công bố vào tuần trước, đã thúc đồng USD tăng giá dữ dội. Phiên này, đồng Euro rớt xuống mức thấp nhất so với USD kể từ năm 2002.
Đà tăng giá “không biết mệt” của đồng USD có thể gây tổn thất đối với lợi nhuận mà các công ty Mỹ kiếm được từ nước ngoài, đồng thời cũng có thể đảo lộn thương mại toàn cầu - hoạt động mà đồng USD giữ vai trò trụ cột trong giao dịch.
“Lịch sử cho thấy đồng USD mạnh như vậy thường dẫn tới một dạng khủng hoảng tài chính hay kinh tế nào đó”, chiến lược gia trưởng về chứng khoán Mỹ của Morgan Stanley, ông Michael Wilson, nhận định trong một báo cáo được hãng tin CNBC trích dẫn. “Ở những thời điểm như thế này, sẽ có một thứ gì đó đổ vỡ”.
Việc Fed tăng lãi suất cũng là nguyên nhân khiến trái phiếu kho bạc Mỹ bị bán tháo, dẫn tới lợi suất tăng mạnh. Phiên ngày thứ Hai, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc vượt 3,9%, cao nhất kể từ năm 2010.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm, vốn có độ nhạy cảm rất cao với chính sách của Fed, cũng tăng mạnh. Trong phiên, có lúc lợi suất này vượt 4,3%, mức cao nhất kể từ năm 2007.
Giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm gần 2,6%, chốt phiên ở 76,71 USD/thùng. Đây là mức đóng cửa thấp nhất của giá dầu WTI kể từ hôm 3/1.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm hơn 2,4%, chốt ở 86,06 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu Brent còn 83,81 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 13/1.
Đầu năm nay, dầu thô tăng giá chóng mặt sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra. Gần đây, giá dầu giảm mạnh do đồng USD mạnh và nỗi lo về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu do lãi suất tăng, để mất gần hết thành quả tăng từ đầu năm. Hiện tại, giá dầu WTI chỉ tăng gần 2% so với đầu năm và giá dầu Brent tăng khoảng 8,1%.
Chỉ số CBOE Volatility Index (VIX) - một thước đo nỗi sợ hãi của nhà đầu tư ở Phố Wall, tăng gần 3 điểm trong phiên đầu tuần, lên mức 32,88 điểm. Đây là mức cao nhất của chỉ số này kể từ giữa tháng 6 - thời điểm thị trường chứng khoán Mỹ lập mức đáy gần nhất.
“Nhà đầu tư đang bỏ của chạy lấy người. Ai mà biết Fed sẽ tăng lãi suất đến đâu, 4,6% hay 5%, và Fed sẽ nâng lãi suất đến bao giờ, trong năm 2023 chăng?” CEO Jake Dollarhide của Longbow Asset Management nhận định với hãng tin Reuters.