Chứng khoán MBS vừa cập nhật nhận định về thị trường tiền tệ trong đó nhấn mạnh tỷ giá hối đoái đã trở thành tâm điểm kể từ tháng 3 năm 2024. Áp lực tỷ giá có lúc chạm đến đỉnh điểm vào tháng 5 khi chạm mức 25.470 VND/USD, đánh dấu mức mất giá khoảng 4,6% tính từ đầu năm nay, khi đối mặt với sức ép từ việc Fed duy trì lãi suất ở mức cao nhất trong vòng 23 năm, nhu cầu về USD tăng vọt nhằm phục vụ cho việc nhập khẩu nguyên liệu và tích trữ đầu cơ.
Sau khi vật lộn với áp lực mất giá, VND đã dần phục hồi đáng kể từ giữa tháng 9, sau đợt cắt giảm lãi suất mạnh tay với mức 50 điểm cơ bản của Fed - đánh dấu lần giảm đầu tiên trong 4 năm. Tuy vậy, điều nay diễn ra không lâu khi tỷ giá lại một lần nữa tăng nóng trở lại trong Q4 khi các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nhằm gia tăng sản xuất cho mùa cuối năm. Bên cạnh đó, nhu cầu mua USD của Kho bạc Nhà nước cũng tăng cao trong giai đoạn này do phải chi trả các nghĩa vụ nợ.
Cho đến tháng 12, áp lực tỷ giá vẫn căng thẳng do sự phục hồi mạnh mẽ của đồng USD, và đã đẩy tỷ giá liên ngân hàng tăng lên mức cao nhất lịch sử tại 25.485 VND/USD vào cuối tháng 12. Tính từ đầu năm 2024, đồng VND đã mất giá hơn 4,6% so với đồng USD. Tỷ giá thị trường tự do cũng đã tăng lên mức 25.800 VND/USD, trong khi tỷ giá trung tâm đạt mức cao nhất kể từ khi cơ chế tỷ giá trung tâm được áp dụng vào năm 2016 tại 24.335 VND/USD, tăng lần lượt 4,3% và 2% so với đầu năm 2024.
Trong bối cảnh này, NHNN đã phải cung ứng ra thị trường lượng lớn ngoại tệ và linh hoạt điều tiết thanh khoản hệ thống ngân hàng nhằm giảm áp lực lên tỷ giá.
MBS kỳ vọng tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 25.500 – 25.800 VND/USD trong Q1/2025 khi các kế hoạch nới lỏng tài khóa của chính quyền mới, kết hợp với các chính sách nhập cư chặt chẽ hơn, cùng với lãi suất cao của Mỹ so với các nước khác và chủ nghĩa bảo hộ tương đối cao của Mỹ, dự kiến sẽ hỗ trợ cho việc gia tăng giá trị của đồng USD trong năm 2025.
Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố tích cực hỗ trợ cho đồng VND như: Thặng dư thương mại tích cực gần 24.77 tỷ USD trong năm 2024, dòng vốn FDI 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% và du lịch phục hồi mạnh mẽ tăng 39,5% trong năm 2024. Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2025.
Cũng theo MBS, dư địa cho chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ bị hạn chế hơn so với dự kiến dưới áp lực của đồng USD mạnh lên và rủi ro về việc Mỹ tiếp tục thực hiện các cuộc điều tra về thao túng tiền tệ. Trong kịch bản đó, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ cần áp dụng một lập trường chính sách tiền tệ thận trọng hơn để kiểm soát sự ổn định của tỷ giá, đồng nghĩa với việc dư địa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ có thể bị hạn chế.
Do đó, MBS không kỳ vọng sẽ có bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất chính sách nào trong năm 2025. Cùng với đó, sự phục hồi của hoạt động sản xuất và việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2025 được kỳ vọng sẽ là yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, qua đó sẽ gia tăng áp lực lên lãi suất đầu vào.
Tuy vậy, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra chỉ đạo về việc ổn định lãi suất huy động và tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Dựa vào các yếu tố trên, MBS dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NHTM lớn sẽ dao động quanh mức 5% - 5,2% trong năm 2025.