Theo Financial Times, thực trạng này đang đe dọa hàng triệu việc làm trong các công ty khởi nghiệp được các quỹ mạo hiểm hỗ trợ, nguy cơ lan tỏa sang nền kinh tế rộng lớn hơn.
SỐ LƯỢNG CÁC CÔNG TY KHỞI NGHIỆP ĐÓNG CỬA, NGỪNG HOẠT ĐỘNG TĂNG MẠNH
Dữ liệu từ Carta, công ty cung cấp dịch vụ cho các công ty tư nhân, cho biết số lượng các công ty khởi nghiệp đóng cửa, ngừng hoạt động đang tăng mạnh, ngay cả khi hàng tỷ đô la vốn đầu tư mạo hiểm đã và đang đổ vào trang bị trí tuệ nhân tạo.
Carta cho biết 254 startup được hỗ trợ bởi quỹ đầu tư mạo hiểm đã phá sản trong quý đầu tiên của năm nay. Tỷ lệ phá sản ngày nay cao hơn bảy lần so với thời điểm Carta bắt đầu theo dõi những thất bại vào năm 2019.
Tuần trước, công ty công nghệ tài chính Tally trở thành nạn nhân mới nhất. Nhà cung cấp công cụ quản lý tín dụng 9 năm tuổi này được định giá 855 triệu USD trong vòng cấp vốn năm 2022 và đã huy động được hơn 170 triệu USD từ các công ty đầu tư mạo hiểm lớn bao gồm Andreessen Horowitz và Kleiner Perkins.
Người sáng lập Tally là Jason Brown cho biết trong một bài đăng trên LinkedIn rằng công ty có trụ sở tại San Francisco “không thể đảm bảo nguồn tài trợ cần thiết để tiếp tục hoạt động”.
Tally là công ty mới nhất bổ sung vào danh sách các công ty khởi nghiệp nổi tiếng đóng cửa trong năm qua. Danh sách này bao gồm trang web phát trực tiếp Caffeine, đã huy động được hơn 250 triệu USD từ các nhà đầu tư bao gồm Fox Corp, Andreessen và Sanabil Investments, một chi nhánh của quỹ tài sản có chủ quyền của Ả Rập Saudi; công ty khởi nghiệp chăm sóc sức khỏe Olive, được định giá lần cuối ở mức 4 tỷ USD vào năm 2021; và công ty vận tải đường bộ Convoy, trị giá 3,8 tỷ USD vào năm 2022.
Công ty cho thuê không gian làm việc WeWork, vốn đã huy động được khoảng 16 tỷ USD từ quỹ SoftBank và Vision Fund, đã đóng cửa vào tháng 11 vừa qua sau khi IPO vào năm 2021.
Theo các nhà phân tích, việc các startup thất bại và đóng cửa có một phần nguyên nhân do lãi suất tăng vào năm 2022. Đầu tư của các quỹ mạo hiểm vào các công ty đang ở giai đoạn đầu đã giảm mạnh, trong khi nợ mạo hiểm đã giảm sau sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon vào năm ngoái, khiến nhiều công ty khởi nghiệp phải đối mặt với sự mắc kẹt và sụp đổ.
Theo Healy Jones, phó chủ tịch tại Kruze Consulting, chuyên gia kế toán của hàng trăm công ty khởi nghiệp được hỗ trợ bởi quỹ mạo hiểm, trong những năm bùng nổ, các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ khuyến khích các nhà sáng lập thực hiện các khoản đầu tư ngày càng lớn hơn, làm tăng giá trị. Healy Jones từng nói: “Đó là một “môi trường gây quỹ điên cuồng”, trong đó “động lực khuyến khích của quỹ đầu tư và người sáng lập không phải lúc nào cũng phù hợp”.
Những người sáng lập hiện đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn. Các nhà phân tích tại Morgan Stanley cho biết trong một báo cáo gần đây gửi khách hàng rằng “số lượng công ty huy động được số tiền lớn bất thường trong giai đoạn 2021-2022 tăng vọt một cách bất thường”.
Morgan Stanley cho biết, các công ty được VC hậu thuẫn đã tuyển dụng 4 triệu người ở Mỹ, vì thế nếu tỷ lệ phá sản của các startup không chậm lại sẽ gây ra “rủi ro lan tỏa tới phần còn lại của nền kinh tế”.
Peter Walker, lãnh đạo cấp cao của Carta, cho biết số lượng công ty có thể huy động vốn trở lại trong vòng hai năm kể từ vòng cấp vốn cuối cùng của họ đã “giảm mạnh”.
Điều đó đặc biệt khó khăn đối với những công ty khởi nghiệp đã cắt giảm chi phí để tồn tại trong hai năm qua, đồng thời hy sinh sự tăng trưởng trong quá trình này. “Các quỹ đầu tư mạo hiểm từng thúc giục startup phải phát triển bằng mọi giá để sau đó có lãi vào ngày mai”, Walker nói. “Và nếu startup hạn chế sự tăng trưởng của mình bằng cách cắt giảm thì đó có thể không phải là hoạt động kinh doanh đầu tư mạo hiểm”.
ĐẦU TƯ CHỦ YẾU ĐỔ VÀO CÁC CÔNG TY KHỞI NGHIỆP TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
Ngay cả đối với các công ty mạnh, danh sách IPO công khai đã cạn kiệt và hoạt động M&A cũng chậm lại. Điều đó đã ngăn cản các quỹ đầu tư mạo hiểm hoàn trả vốn cho các nhà đầu tư tổ chức đã hỗ trợ họ - một tiền đề thiết yếu cho việc gây quỹ trong tương lai.
Theo Carta, chỉ 9% quỹ đầu tư mạo hiểm huy động được vào năm 2021 đã hoàn trả toàn bộ vốn cho các nhà đầu tư cuối cùng của họ. Để so sánh, 1/4 quỹ năm 2017 đã hoàn vốn trong cùng giai đoạn.
Cả hai chuyên gia Healy Jones và Peter Walker đều cho biết hoạt động tài trợ đang bắt đầu khởi sắc sau hai năm bỏ hoang.
Nhưng đầu tư chủ yếu đổ vào các công ty khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Ông Healy Jones cho biết, khách hàng của Kruze đã huy động được 2 tỷ USD vào năm 2024 và 3/4 trong số đó thuộc về các công ty khởi nghiệp về AI, mặc dù họ chỉ chiếm chưa đến 1/4 tổng số khách hàng của công ty.
Đối với những người ở các lĩnh vực kém hấp dẫn hơn, triển vọng sẽ khó khăn hơn.