March 15, 2021 | 12:15 GMT+7

Tỷ lệ phản ứng sau tiêm vaccine Covid-19 tại Việt Nam vẫn ở mức "cho phép"

Nhật Dương

Việc xuất hiện những phản ứng trong tiêm chủng vaccine Covid-19 được các chuyên gia đánh giá là có thể xảy ra. Tỷ lệ phản ứng sau tiêm ở Việt Nam hiện vẫn ở mức "cho phép"

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Liên quan đến các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vaccine Covid-19 của AatraZeneca tại Việt Nam thời gian qua, GS TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, việc xuất hiện những phản ứng trong tiêm chủng vaccine là điều hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là với vaccine Covid-19 được nghiên cứu và phát triển trong thời gian nhanh nhất.

Trao đối với báo chí sáng 15/3, GS.TS Đặng Đức Anh cho biết, với các trường hợp đã ghi nhận phản ứng nặng, đơn vị triển khai tiêm chủng sẽ có đánh giá cụ thể về vấn đề này. Bộ Y tế cũng đã yêu cầu địa phương ghi nhận các trường hợp phản ứng nặng lập Hội đồng chuyên môn để điều tra nguyên nhân và sớm có báo cáo cụ thể.

Riêng với trường hợp được ghi nhận ngày 14/3 là trường hợp nặng nhất. Trường hợp này được chẩn đoán sốc phản vệ độ 3 với dấu hiệu ban đầu sốt, rét run kèm theo co quắp, tê bì tay xuất hiện 8 giờ sau tiêm.

GS Đặng Đức Anh thông tin, trước khi tiêm người này đã được thăm khám đầy đủ theo quy định, hiện chưa có thông tin cụ thể khẳng định trường hợp này có bệnh lý nền. "Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi, đánh giá của Hội đồng chuyên môn để có kết luận cụ thể hơn", GS Đặng Đức Anh nhấn mạnh.

Hiện nay, Việt Nam vẫn tiếp tục kế hoạch tiêm đủ vaccine cho người dân để phòng chống dịch bệnh, do đó theo GS Đặng Đức Anh việc tiêm vaccine sẽ có những phản ứng sau tiêm là bình thường, vì tất cả các loại vaccine khác đều có phản ứng ở một tỷ lệ nhất định.

"Với vaccine Covid -19, Tổ chức Y tế Thế giới cũng như các cơ quan khác cũng khuyến nghị là chúng ta nên cân nhắc giữa lợi ích của việc tiêm vaccine với nguy cơ dịch bệnh. Do đó, chúng tôi sẽ đánh giá để có đề xuất phương án tốt nhất trong việc phòng bệnh cho người dân", GS Đặng Đức Anh cho biết.

Bên cạnh đó, theo GS Đặng Đức Anh, với tỷ lệ 26% ghi nhận ở mức phản ứng thông thường, 0,7% phản ứng nặng ở độ 2 – 3 qua theo dõi số liệu các nước trên thế giới từ nhiều quốc gia cũng tiêm vaccine phòng Covid-19 thì nhìn chung vẫn nằm trong giới hạn cho phép.

"Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, WHO cũng như các cơ quan khác có trách nhiệm trong việc đánh giá an toàn và hiệu quả của vaccine, tôi nghĩ là tỷ lệ phản ứng này của Việt Nam vẫn nằm trong giới hạn cho phép và đang kiểm soát được", GS Đặng Đức Anh nhận định.

Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng nói thêm rằng, vaccine Covid-19 là lần đầu tiên được triển khai tiêm chủng rộng tại Việt Nam. Hơn nữa, vaccine được tiêm cho nhóm từ 18 tuổi trở lên nên trong quá trình vừa triển khai vừa phải đánh giá tính an toàn. "Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi phản ứng sau tiêm và có số liệu báo cáo về tính an toàn so với các quốc gia đã tiêm chủng khác trên thế giới", GS Đặng Đức Anh cho biết.

Trước đó, theo báo cáo của Hệ thống Tiêm chủng Mở rộng, những ngày qua cả nước đã ghi nhận 14 trường hợp phản ứng phản vệ nặng sau tiêm độ 2-3 như: nổi mày đay, ngứa, phù mạch tại chỗ tiêm, khó thở…

Trong đó, điểm tiêm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Tp.HCM có 6 người bị phản ứng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Phòng 4 người, Bệnh viện dã chiến Gia Lai một người, 1 trường hợp tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cơ sở 2 Hải Phòng.

Ngoài ra, trong ngày 14/3 đã ghi nhận 2 trường hợp phản ứng nặng, trong đó 1 trường hợp có dấu hiệu chóng mặt, bồn chồn, khó chịu xuất hiện trong vòng 30 phút sau tiêm.

Trường hợp thứ 2 được chẩn đoán sốc phản vệ độ 3 với dấu hiệu ban đầu sốt, rét run kèm theo co quắp, tê bì tay xuất hiện 8 giờ sau tiêm. Hiện tất cả các trường hợp này đã được xử trí kịp thời theo đúng quy định, sức khoẻ đã ổn định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate