Theo đồ thị, tỷ lệ sinh tại hầu hết các quốc gia này có xu hướng giảm. Theo UN, vào năm 1990, mức sinh bình quân của mỗi phụ nữ trên toàn cầu là 3,2 con và giảm xuống còn 2,5 con vào năm 2019. Con số này được dự báo sẽ tiếp tục giảm xuống còn 2,2 con/phụ nữ vào năm 2050. Theo tính toán của các chuyên gia, 2,1 con/phụ nữ là mức sinh cần được duy trì để tránh xảy ra tình trạng suy giảm dân số quốc gia trong dài hạn (không tính số dân nhập cư ròng).
Những năm gần đây, Trung Quốc là quốc gia ghi nhận tỷ lệ sinh giảm nhanh nhất trong số các nước được phân tích. Năm 2021, Trung Quốc chỉ có 7,6 trẻ được sinh ra và còn sống tính trên 1.000 dân. Con số này giảm đáng kể so với mức 24,4 trẻ vào năm 1990 và 41 trẻ vào năm 1950.
Theo các chuyên gia, với xu hướng này, Trung Quốc có thể đối mặt những thách thức tương tự như của Nhật Bản – quốc gia châu Á hiện có tỷ lệ lớn dân số cao tuổi, gây ra nhiều vấn đề cho nền kinh tế và xã hội.
Trong khi đó, Mỹ ghi nhận tỷ lệ sinh 11,1 vào năm 2021, giảm so với mức 16,7 năm 1990 và 22,8 năm 1950. Tuy nhiên, đáng chú ý là dân số Mỹ hàng năm tăng thêm nhờ lượng người nhập cư. Đây là điểm khác biệt của Mỹ so với các quốc gia còn lại trong danh sách trên. Mỹ cũng là nước duy nhất trong danh sách có tỷ lệ sinh năm 2021 tăng nhẹ so với năm 2020, chủ yếu do xu hướng sinh con bùng nổ trong giai đoạn đại dịch Covid-19.
Nigeria, nước có tỷ lệ sinh cao nhất trong danh sách, ghi nhận 37,1 trẻ em được sinh ra và còn sống trên mỗi 1.000 dân vào năm 2021, giảm nhẹ so với 43,8 trẻ năm 1990 và 45,6 trẻ năm 1950.
Ấn Độ gần đây đã vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh tại nước này cũng đang có xu hướng giảm dần. Năm 2021, tỷ lệ sinh của quốc gia Đông Á là 16,4, giảm so với mức 31,8 của năm 1990 và 43,8 của năm 1950.