December 16, 2021 | 10:04 GMT+7

Tỷ phú Elon Musk là cá nhân nộp thuế nhiều nhất lịch sử Mỹ?

Hoài Thu -

Tỷ phú giàu nhất thế giới có thể phải nộp hơn 10 tỷ USD tiền thuế trong năm 2021 sau khi thực hiện quyền chọn mua hàng chục triệu cổ phiếu Tesla và bán ra hàng triệu cổ phiếu này...

Tỷ phú Elon Musk - Ảnh: Getty Images
Tỷ phú Elon Musk - Ảnh: Getty Images

Trong một tranh luận với thượng nghị sĩ Elizabeth Warren ngày 15/12 trên mạng xã hội Twitter, tỷ phú Elon Musk, Giám đốc điều hành (CEO) hãng xe điện Tesla, khẳng định rằng mình là cá nhân nộp thuế nhiều nhất lịch sử Mỹ sau khi ông liên tiếp thực hiện quyền mua và bán ra cổ phiếu Tesla với số lượng lớn.

"Nếu bà chịu mở mắt ra nhìn trong 2 giây, bà sẽ nhận ra rằng tôi sẽ nộp nhiều thuế hơn bất kỳ người Mỹ nào trong lịch sử", ông Musk đáp trả gay gắt bà Warren - người nổi tiếng với việc đấu tranh để giảm bất bình đẳng giàu nghèo, cho rằng giới giàu Mỹ phải nộp nhiều thuế hơn.

Cuộc tranh luận trên khởi nguồn khi thượng nghị sĩ bang Massachusetts cho rằng mã số thuế đã bị "gian lận" và yêu cầu thay đổi "để Nhân vật của năm thực sự sẽ đóng thuế và ngừng lừa gạt người khác”. Đăng tải của bà Warren đính kèm đường liên kết về việc ông Musk được tạp chí Time bình chọn là nhân vật của năm.

Ông Musk đáp trả dòng tweet "động chạm" tới mình của thượng nghị sĩ Elizabeth Warren - Ảnh chụp màn hình
Ông Musk đáp trả dòng tweet "động chạm" tới mình của thượng nghị sĩ Elizabeth Warren - Ảnh chụp màn hình

Theo tính toán của Bloomberg, ông Musk, hiện là người giàu nhất thế giới, có thể đối mặt hóa đơn thuế hơn 10 tỷ USD trong năm 2021 nếu ông thực hiện tất cả quyền chọn mua cổ phiếu sẽ hết hạn vào năm tới. Dù chưa rõ con số này có phải là kỷ lục hay không – bởi Sở vụ thuế Mỹ (IRS) không công khai thông tin thuế của các cá nhân – đây chắc chắn sẽ là một trong những khoản nộp thuế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Mặc dù 10 tỷ USD là con số khổng lồ, đây chỉ là một phần nhỏ trong tổng tài sản của ông Musk. Theo Bloomberg Billionaires Index, ông hiện sở hữu tài sản 255 tỷ USD, tăng 98,9 tỷ USD từ đầu năm nay.

Ông đối mặt với hóa đơn thuế “khủng” sau khi thực hiện gần 15 triệu quyền chọn mua cổ phiếu Tesla và bán hàng triệu cổ phiếu để trả tiền thuế liên quan tới các giao dịch này.

Trước đó, hôm 6/11, ông Musk mở một cuộc thăm dò trên Twitter trong đó hỏi rằng liệu ông có nên bán 10% số cổ phiếu ông đang nắm giữu tại Tesla hay không. Đa số người tham gia cuộc thăm dò của Musk khuyên ông bán cổ phiếu và Musk đã làm theo lời khuyên này. Mặc dù vậy, các nhà phân tích cho rằng ông vẫn sẽ làm như vậy dù có thăm dò ý kiến hay không, bởi số quyền chọn này sẽ hết hạn vào tháng 8/2022 nếu ông không sử dụng.

Sắp tới, ông Musk có thể còn nhận thêm một lượng quyền chọn lớn từ Tesla, tuỳ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Ông vẫn đang còn khoảng 10 triệu quyền chọn sẽ hết hạn trong năm tới nếu không được sử dụng. Số quyền chọn mua cổ phiếu Tesla mà Musk sở hữu có thể sẽ tăng mạnh trong năm tới. Gói thù lao của ông bao gồm 12 khoản thưởng quyền chọn cổ phiếu, mỗi khoản được trao khi Tesla đạt được một cột mốc nhất định về kết quả kinh doanh và giá trị vốn hoá thị trường.

Trong 5 năm qua, giá cổ phiếu Tesla đã tăng hơn 2.300%. Mã này hiện giao dịch quanh mốc 1.000 USD, trong khi các quyền chọn mua nói trên cho phép ông Musk mua cổ phiếu này với giá “siêu rẻ” 6,24 USD.

Theo tính toán của Bloomberg, sau khi chuyển tới bang Texas, ông Musk có thể tiết kiệm được vài tỷ USD tiền thuế mà lẽ ra phải nộp cho bang California – nơi ông ở trước đó. Bang Texas không thu thuế thu nhập hay thuế từ lợi nhuận đầu tư vốn đối với cá nhân.

Những tranh luận xoay quanh vấn đề nộp thuế của ông Musk trở nên “nóng” hơn bao giờ hết sau khi ProPublica hồi tháng 6 công bố một báo cáo trong đó nói rằng ông chỉ nộp một số thuế nhỏ so với khối tài sản khổng lồ.

Đáp lại thông tin này, tỷ phú giàu nhất thế giới khẳng định ông không nhận lương từ Tesla hay SpaceX – công ty vũ trụ do ông sáng lập. Ông cũng cho biết mình phải chịu mức thuế suất lên tới 53% cho các giao dịch thực hiện quyền chọn mua của mình. Ông còn nói thêm rằng thuế suất đó có thể tăng trong năm tới.

Ông Musk không phải tỷ phú duy nhất có thể phải nộp thuế “khủng” trong năm nay. Từ đầu năm 2021, khối lượng cổ phiếu bán ra của các tỷ phú giàu nhất tại Mỹ đã tăng gấp đôi khi họ tranh thủ kiếm thời nhờ giá cổ phiếu tăng cũng như trước khả năng thuế thu nhập có thể tăng trong năm sau.

Từ đầu năm, ông Jeff Bezos, người giàu thứ hai thế giới, đã bán hơn 9 tỷ USD cổ phiếu hãng thương mại điện tử Amazon. Trong khi đó, Mark Zuckerberg đã bán ra hơn 4,5 tỷ USD cổ phiếu Meta – công ty mẹ mạng xã hội Facebook. Tuy nhiên, cả hai tỷ phú này có thể sẽ phải nộp ít thuế hơn so với ông Musk, một phần bởi số tiền từ việc bán cổ phiếu của họ được dùng cho các tổ chức từ thiện.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate