Mark Zuckerberg khẳng định rằng Meta là công ty trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới. Thậm chí, ông còn chỉ ra cách công nghệ này trở thành nguồn lợi nhuận đáng kể trong một vài năm tới.
Mới đây, với việc phát hành Llama 3, mô hình AI mới nhất của Meta, Zuckerberg cho biết cảm thấy “lạc quan và tham vọng hơn về AI” cùng với khả năng cung cấp công nghệ của công ty, theo Business Insider.
Ông tuyên bố trong buổi họp báo diễn ra vào ngày 24/2 rằng sẽ "đầu tư nhiều hơn trong những năm tới nhằm xây dựng các mô hình tiên tiến và một số dịch vụ AI quy mô lớn nhất thế giới".
"Với sản phẩm vừa ra mắt, chúng tôi không chỉ nghiên cứu mô hình AI tốt có khả năng xây dựng sản phẩm xã hội với mục đích thương mại mới", Giám đốc Điều hành Meta khẳng định với báo chí. "Tôi thực sự tin rằng chúng tôi có thể phát hành các mô hình vượt trội và trở thành công ty AI hàng đầu trên thế giới. Và điều này mở ra rất nhiều cơ hội, ngoài những cơ hội hiện tại mà chúng tôi đang có".
ĐẦU TƯ KHỦNG CHO CÁC DỰ ÁN AI
Tuy nhiên, chi phí để đạt được tham vọng thống trị không hề rẻ. Meta đã tăng dự báo chi tiêu vốn trong năm nay, dự định chi từ 35 tỷ USD đến 40 tỷ USD, chủ yếu dành cho các khoản đầu tư AI. Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/4, cổ phiếu Meta sụt giảm 16% bất chấp kết quả kinh doanh quý I tốt hơn kỳ vọng.
Lần cuối cùng Zuckerberg hào hứng với một công nghệ mới là metaverse, Meta đã chi tiêu “thẳng tay" và khiến nhà đầu tư hoảng sợ. Sau đó, cổ phiếu sụp đổ và không phục hồi cho đến khi công ty bắt đầu "năm hiệu quả", được đánh dấu bằng quyết định sa thải hàng loạt nhân sự và chiêu mộ các vị trí cấp cao sở hữu tư duy chiến lược hơn.
Cũng tại buổi họp báo, Zuckerberg nỗ lực xoa dịu mối e ngại từ Phố Wall về một số tin đồn cho rằng CEO Meta nhiệt tình với AI nhưng thiếu nhạy bén trong kinh doanh.
Ông khẳng định đã nhìn thấy con đường mà AI có thể mang về doanh thu, trong đó có một số cách tiếp cận cụ thể giúp AI trở thành “ngành kinh doanh lớn” của Meta. Mặc dù vậy, ông nhận định để đạt được toàn bộ mục tiêu cần quá trình "dài hạn".
'MESSENGER BUSINESS'
Một trong những cách AI có thể kiếm tiền là xây dựng ứng dụng "Messenger Business", nhóm khách hàng doanh nghiệp sẽ phải trả tiền cho Meta nếu muốn sử dụng bộ công cụ AI tạo sinh của hãng, chẳng hạn như dịch vụ hỗ trợ tương tác tự động với người dùng và khách hàng. Zuckerberg hình dung AI của Meta không chỉ đơn thuần là một chatbot, công nghệ hứa hẹn xử lý được nhiều truy vấn, giúp giải quyết triệt để vấn đề của người dùng thay vì ngay lập tức trả lời câu hỏi theo tính chất học thuộc lòng.
Zuckerberg cho biết doanh thu từ Messenger Business AI là "một trong những cơ hội ngắn hạn". Mặc dù dự án có thể không thể triển khai ngay năm nay, nhưng vị CEO hứa hẹn sẽ ra mắt trong vòng chưa đầy năm năm nữa. Ông giải thích rằng mục tiêu trước mắt để gia nhập mô hình là "thu hút hàng trăm triệu hoặc hàng tỷ người sử dụng Meta AI như một phần hoạt động thường ngày".
QUẢNG CÁO XUẤT HIỆN TRONG HOẠT ĐỘNG TƯƠNG TÁC VỚI AI
Một cách khác mà trí tuệ nhân tạo có thể kiếm tiền cho Meta là "giới thiệu quảng cáo hoặc nội dung trả phí trong các hoạt động tương tác AI", như CEO Zuckerberg nói. Mặc dù chưa có bất kỳ thông tin nào về việc các thương hiệu và công ty có thể trả tiền cho sản phẩm để được hiển thị trong cuộc trò chuyện AI, nhưng rõ ràng phần lớn kết quả kinh doanh của Meta được thúc đẩy hiệu quả bằng hoạt động bán quảng cáo kỹ thuật số. Chèn quảng cáo vào các bài đăng truyền thông xã hội và tin nhắn có thể coi là hoạt động kinh doanh cốt lõi của Meta với tư cách doanh nghiệp lợi nhuận.
AI đã được Meta triển khai rộng rãi trong thuật toán "nội dung không kết nối" mới áp dụng cho quá trình đề xuất nội dung truyền thông xã hội, điều mà CEO Zuckerberg nhấn mạnh đã thu hút nhiều sự tương tác trên ứng dụng hơn, từ đó dẫn đến sẽ có nhiều người xem quảng cáo hơn. Vị tỷ phú bày tỏ rằng 30% nội dung mà người dùng Facebook đang xem được đề xuất bởi AI, con số này ở Instagram lên tới 50%.
BÁN QUYỀN TRUY CẬP VÀO MÔ HÌNH AI
Phương pháp khác biệt thứ ba mà Meta có thể kiếm tiền từ AI là bán quyền truy cập vào mô hình khi quy mô được mở rộng. "Cho phép người dùng trả tiền để sử dụng mô hình AI lớn và truy cập từ nhiều thiết bị hơn", CEO Zuckerberg tiết lộ tại buổi họp báo.
Hiện tại, Llama 3 và một số mô hình ngôn ngữ lớn khác hiện có sẵn miễn phí cho người dùng và khách hàng doanh nghiệp ở một số tính năng nhất định. Tính phí truy cập mô hình có thể là chiến lược tiếp theo trong cách tiếp cận "nguồn mở" của Meta.
"Vì vậy, nếu công nghệ và sản phẩm phát triển theo cách mà chúng tôi hy vọng, từng bước nhỏ trong số đó đều sẽ mang lại giá trị to lớn cho người dùng cá nhân và doanh nghiệp theo thời gian", Zuckerberg nhấn mạnh, "tôi nghĩ rằng hướng đi này là hợp lý, và chúng tôi sẽ quyết tâm thực hiện".