May 21, 2024 | 00:06 GMT+7

Tỷ phú Narayana Murthy: “Tinh thần doanh nhân không phải là di truyền mà là sản phẩm của sự khát vọng”

Thu Hoàng -

Trò chuyện với Chủ tịch FPT Trương Gia Bình trong cuộc đối thoại quy tụ nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia công nghệ chiều 20/5, nhà sáng lập của Infosys chia sẻ thời đại học, có những sinh viên thông minh hơn ông gấp nhiều lần, nhưng không phải tất cả trong số họ đều thành doanh nhân…

Ông Narayana Murthy (trái) trở thành huyền thoại Công nghệ thông tin và được ví như Bill Gates của Ấn Độ trao đổi cùng Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình.
Ông Narayana Murthy (trái) trở thành huyền thoại Công nghệ thông tin và được ví như Bill Gates của Ấn Độ trao đổi cùng Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình.

Tại buổi đối thoại, nhà sáng lập của Infosys đã nhiều lần đề cập đến "tinh thần doanh nhân" và cho biết tinh thần doanh nhân là sản phẩm của sự khát vọng, tham vọng, tò mò trong mỗi con người chúng ta. Doanh nhân cũng là những người tìm kiếm cơ hội từ tương lai để hiện thực hoá giấc mơ của mìnhông phải di truyền, hay do sự ảnh hưởng của người trong dòng tộc, mà đó chính là khát khao tìm kiếm cơ hội trong mỗi người.

“Nhiều mô hình doanh nghiệp cha truyền con nối, có những hậu duệ có thể đưa doanh nghiệp thành công, nhưng nhiều người cũng làm doanh nghiệp phá sản”, tỷ phú Murthy chia sẻ. 

Ông Murthy cũng khẳng định doanh nhân cũng là những người tạo ra doanh nghiệp, giúp nâng tầm tham vọng, mang lại những điều tốt đẹp cho những người xung quanh. Khi doanh nghiệp thành công sẽ mang lại lợi ích cho bản thân và xã hội. “Chính những tham vọng, khao khát, ngữ cảnh nơi chúng ta vận hành làm nên tinh thần doanh nhân. Phải có những hy sinh, luôn cầu thị, cầu tiến… đó là tinh thần doanh nhân", nhà sáng lập của Infosys lưu ý.

DOANH NHÂN LÀ NHỮNG NGƯỜI MƠ MỘNG ĐẦU TIÊN

Vị tỷ phú công nghệ Ấn Độ cho rằng doanh nhân là những người mơ mộng đầu tiên, biến ý tưởng thành việc làm. Doanh nhân để có được thành công hầu hết phải trải qua quá khứ vất vả.

“Tôi đã mơ ước về những điều không tưởng, dám hướng tới tương lai, có ý tưởng tuyệt vời, tôi sẽ thành công: tại sao không…? Đó là tinh thần của doanh nhân”, ông Murthy dẫn chứng. 

Tỷ phú Narayana Murthy (bìa trái) trò chuyện với Chủ tịch FPT Trương Gia Bình trong cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ chiều 20/5 
Tỷ phú Narayana Murthy (bìa trái) trò chuyện với Chủ tịch FPT Trương Gia Bình trong cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ chiều 20/5 

Sinh trưởng trong gia đình bình thường ở Ấn Độ gồm 8 anh chị em và có cha là giáo viên, căn nhà ông Murthy ở lúc nhỏ với chỉ hai phòng ngủ. Từng có quãng thời gian sống và làm việc tại Pháp và Đông Âu mà ông cho rằng "có những trải nghiệm không mấy dễ chịu", ông nhận ra rằng, để giải quyết đói nghèo ở Ấn Độ thì cần tạo ra công ăn việc làm mà chỉ doanh nghiệp, doanh nhân mới làm được điều đó. "Tôi muốn thử nghiệm nên quyết định quay trở lại Ấn Độ", ông Murthy nói. Tuy nhiên, ông đã thất bại với doanh nghiệp đầu tiên bởi không đánh giá đúng nhu cầu thị trường. 

Đến những năm 1980, ông Murthy lại nhận thấy nhiều cơ hội ở Mỹ cho các dịch vụ phần mềm, đặc biệt là khi máy tính bắt đầu phổ biến. Nắm bắt cơ hội này, ông tiếp tục khởi nghiệp. Thời điểm đó, ông còn có một quyết định khá đặc biệt khi phân phối 77% cổ phần của mình cho đối tác (cấp dưới của ông), đó là các nhà lập trình, thực tập sinh... "Tiền khi đó ko phải là lý tưởng sống của tôi. Tôi muốn chứng minh thành công của hoạt động kinh doanh  có thể tạo ra khối lượng công việc lớn quan trọng như thế nào và giải quyết đói nghèo là ước mơ và tham vọng của tôi”, nhà sáng lập Infosys chia sẻ. 

BÍ QUYẾT TẠO NÊN DOANH NGHIỆP THÀNH CÔNG

Theo tỷ phú  Murthy, chức năng quan trọng nhất của doanh nghiệp là bán hàng và cần đảm bảo các chi phí vận hành, phát triển phải thoả đáng, phù hợp với hoạt động kinh doanh và chi phí phải ít hơn thứ chúng ta kiếm được… Tuy nhiên, hai chức năng này đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng, có tài năng, năng lực tư duy của đội ngũ nhân sự. “Công việc của mỗi doanh nghiệp là thu hút, tạo điều kiện, để mỗi nhân viên cảm nhận được sự hạnh phúc khi được làm việc tại doanh nghiệp đó”, nhà sáng lập của Infosys cho biết.

Khi được hỏi về bí quyết lãnh đạo doanh nghiệp thành công, ông Murthy cũng cho biết, tại nơi làm việc, lãnh đạo và nhân viên không phải bạn bè, mà cần có trách nhiệm và nghĩa vụ trong giờ làm việc khác nhau. "Rời khỏi văn phòng, chúng ta là bạn bè, có thể ăn trưa hay ăn tối cùng nhau. Tuy nhiên ở văn phòng cần có thứ hạng, có cấp bậc", ông chia sẻ. Theo nhà sáng lập Infosys , tại các quốc gia đang phát triển, doanh nghiệp cần có năng lực phân tách ra rõ ràng trách nhiệm, mối quan hệ cá nhân trong công việc. 

Tỷ phú Murthy cũng nhiều lần nhắc đến từ khoá “sự tôn trọng" trong phần chia sẻ của mình như một trong bí quyết mang lại sự thành công cho doanh nghiệp.

Ông Murthy chia sẻ năm 1981, trong một cuộc họp kéo dài vài giờ đồng hồ để tìm ra mục tiêu mà  Infosys cần tập trung vào và đạt được trong nhiều năm tới, một người cho rằng, công ty cần có được doanh thu cao nhất. Một đồng nghiệp khác thì khẳng định, công ty phải có khả năng thu được lợi nhuận nhiều nhất, còn một người khác nữa lại đặt mục tiêu công ty cần được niêm yết và có vốn hoá thị trường lớn nhất. “Tôi là người cuối cùng bày tỏ ý kiến và cho rằng Infosys phải là công ty được tôn trọng nhất tại Ấn Độ". 

Theo ông Murthy, chính sự tôn trọng từ khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp đạt được lợi nhuận, có sự tin cậy từ khách hàng. Và để thu hút được những nhân sự giỏi nhất, công ty cần biến những nhân viên đang làm việc trở thành “đại sứ" để thu hút các nhân sự tài năng khác. Để làm được được này, nhân viên cũng cần phải tin tưởng vào công ty. 

“Nếu bạn muốn có các nhà đầu tư dài hạn thì bạn phải tuân theo những nguyên tắc tốt nhất về quản trị doanh nghiệp. Và tất cả những điều này dẫn đến sự tôn trọng. Và tương tự, nếu bạn muốn chính phủ tin tưởng bạn, doanh nghiệp của bạn phải trở thành công ty được kính trọng nhất”, nhà sáng lập Infosys chia sẻ.

Vị tỷ phú này cũng cho rằng lĩnh vực công nghệ luôn tiềm năng bởi gắn với đời sống kinh tế xã hội, nên nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ ngành này rất "khổng lồ". “Nhu cầu về công nghệ dịch vụ luôn có, do công nghệ luôn luôn thay đổi, vận động không ngừng”, ông Murthy khẳng định. 

Tuy nhiên, công ty dịch vụ công nghệ phần mềm cần tạo ra giá trị khác biệt với khách hàng. Theo đó, mỗi công ty cần có hệ thống thông tin đạt tiêu chuẩn để thoả mãn yêu cầu của các đối tác.

“Việc học hỏi từ đối thủ cạnh tranh, cầu thị, sẵn sàng cải thiện các ý tưởng, thoả mãn yêu cầu cũng sẽ mang lại thành công”, tỷ phú Ấn Độ cho biết. Với các doanh nghiệp khi tăng trưởng cao cũng cần chú trọng kiểm soát chi phí, tạo ra nhiều công ăn việc làm, có nguồn lực để chăm sóc cho người lao động. Doanh nghiệp cũng cần chú trọng phát triển năng lượng xanh, và hạn chế gây ô nhiễm môi trường...

 

Ông Narayana Murthy trở thành huyền thoại Công nghệ thông tin và được ví như Bill Gates của Ấn Độ khi đưa Infosys từ công ty vô danh thành biểu tượng của ngành phần mềm nước này.

Infosys là công ty đầu tiên của Ấn Độ được niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ Nasdaq vào năm 1999. Năm 2023, công ty đạt doanh thu trên 18 tỷ USD, có 320.00 nhân viên. Công ty có hiện diện tại 50 quốc gia trên toàn cầu và giá trị thị trường đạt trên 70 tỷ USD. Theo thống kê năm 2023 của Forbes, ông Murthy sở hữu khối tài sản trị giá 4,1 tỷ USD, xếp thứ 711 trong số những người giàu nhất thế giới.

Một trong những thành tựu có ảnh hưởng nhất của ông Narayana Murthy là tiên phong hình thành mô hình cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin toàn cầu. Điều này cho phép các công ty có thể thực hiện các dự án công việc ở những địa điểm có nguồn nhân lực tốt nhất, có ý nghĩa kinh tế nhất và rủi ro thấp nhất.

Mô hình này cũng đã giúp tạo ra cuộc cách mạng hóa ngành dịch vụ công nghệ thông tin toàn cầu trong tối ưu hóa cấu trúc, nguồn lực, phân phối công việc và nâng cao tốc độ và chất lượng dịch vụ trong lĩnh vực này. ội dung ở đây

 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate