May 14, 2017 | 21:58 GMT+7

Tỷ phú Nhật đứng sau loạt thương vụ tỷ USD với start-up công nghệ

Kim Tuyến

Masayoshi Son, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của tập đoàn Softbank, tự miêu tả bản thân là “một người điên đánh cược vào tương lai”

Masayoshi Son hiện là người giàu nhất Nhật Bản - Ảnh: Bloomberg.
Masayoshi Son hiện là người giàu nhất Nhật Bản - Ảnh: Bloomberg.
Masayoshi Son - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của tập đoàn Softbank - hiện là người giàu nhất tại Nhật với tài sản ròng 21,7 tỷ USD, theo số liệu của Forbes.

Masayoshi Son là người từng bước đưa Softbank từ một công ty phần mềm nhỏ trở thành một trong những công ty mạnh nhất trong lĩnh vực viễn thông toàn cầu. Với phong cách liều lĩnh, ông cũng là người đứng sau loạt thương vụ tỷ đô với các start-up công nghệ đình đám trên thế giới.

Loạt thương vụ tỷ USD

Từ khi thành lập tới nay, SoftBank đã đầu tư vào nhiều dự án khởi nghiệp giá trị cao trên khắp thế giới bao gồm hãng tài chính cá nhân SoFi, các đối thủ của Uber gồm Osla tại Ấn Độ, Grab tại Đông Nam Á và Didi Chuxing tại Trung Quốc.

Mới đây nhất là khoản đầu tư 5 tỷ USD vào Didi của Trung Quốc, giúp nâng giá trị của ứng dụng gọi xe này lên 50 tỷ USD và 500 triệu USD cho start-up thực tế ảo của Anh Improbable.

Từ những ngày đầu sơ khai, Son đã là một trong những nhà đầu tư sớm nhất của Yahoo - quyết định mang lại cho ông tài sản kếch sù sau này.

Năm 2000, ông Masayoshi Son bỏ ra 20 triệu USD đặt cược vào Alibaba - lúc đó chỉ là một cổng điện tử nhỏ kết nối các nhà sản xuất Trung Quốc với người mua ở nước ngoài. Hiện Alibaba lột xác thành công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, khiến khoản đầu tư ban đầu của Son tăng gấp hàng nghìn lần.

Sau nhiều năm nỗ lực tấn công thị trường di động, SoftBank trở thành nhà mạng năm 2006, khi mua lại công ty Vodafone Nhật Bản đang thoi thóp với giá 15 tỷ USD. Năm 2013, SoftBank tiếp tục bỏ ra 22 tỷ USD để mua lại nhà mạng lớn thứ 3 tại Mỹ Sprint Nextel.

Son cũng là một doanh nhân nhạy cảm với những biến động chính trị trên thế giới. SoftBank đã mua lại công ty chíp ARM Holdings của Anh với mức giá kỷ lục 32 tỷ USD, chưa đầy một tháng sau khi nước này rời Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit).

Tháng 10/2016, ông tuyên bố triển khai quỹ đầu tư 100 tỷ USD với chính phủ Saudi Arabia có tên SoftBank Vision Fund.

Hai tháng sau đó, tại Trump Tower, Son hứa với tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ thông qua SoftBank Vision Fund để đầu tư 50 tỷ USD vào các công ty Mỹ và tạo 50.000 việc làm.

Hiện chính phủ Saudi Arabia là nhà đầu tư lớn nhất của SoftBank Vision Fund với tổng số tiền 45 tỷ USD đã rót vào đây trong 5 năm qua. Một số nhà đầu tư lớn khác của quỹ này gồm có Apple, Qualcomm, Foxconn và tỷ phú Larry Ellison của Oracle.

Son cũng nổi tiếng với lịch sử gặp gỡ với các nhà lãnh đạo thế giới để bàn chuyện kinh doanh. Cuối năm 2016, ông từng nói chuyện với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về khoản đầu tư 10 tỷ USD của SoftBank vào lĩnh vực công nghệ của nước này.

Tháng 9 năm đó, ông cũng điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc khi đó là bà Park Geun-hye để bàn về đầu tư vào nước này.

Phương châm “làm liều ăn nhiều” mang lại cho Son và SoftBank thành công lớn nhưng cũng không ít thất bại.

Năm 2014, SoftBank thất bại trong việc sáp nhập công ty Sprint với T-Mobile của Mỹ, khiến Sprint phải đối mặt với khoản phạt 4 tỷ USD cho T-Mobile. Sau thương vụ bất thành này, tài sản của Son bốc hơi 1,3 tỷ USD, điều mà giới phân tích cho là không đáng.

Thời bong bóng dot.com bùng nổ, Son được cho là mất 70 tỷ USD chỉ trong một ngày. Năm 2000, ông từng thừa nhận đã mất 99% tài sản.

Tuy vậy, với phương châm “làm lớn” và liều lĩnh, những thất bại trên chưa bao giờ khiến nhà sáng lập SoftBank nhụt chí.

“Đánh cược vào tương lai”


Masayoshi Son sinh năm 1957, thuộc thế hệ thứ hai của của lớp người Hàn Quốc di cư tới Nhật dưới thời quân phiệt. Ông trải qua tuổi thơ dữ dội tại một khu ổ chuột, tại làng Tusu thuộc hạt Saga, vùng Kyushu.

Năm 16 tuổi, Son rời Nhật tới Mỹ trong một chuyến du học ngắn hạn và một năm sau đó chuyển tới San Francisco. 

Sau khi tốt nghiệp ngành kinh tế đại học California năm 1980, Son lăn lộn một thời gian tại Mỹ với vô số ý tưởng kinh doanh và gây dựng được một công ty tại nước này trước khi về nước.

Son từng phát minh ra máy dịch bỏ túi năm 20 tuổi và sau đó bán lại cho Sharp Corporation với giá 1 triệu USD. 

Năm 1981, ông quay về Nhật và thành lập công ty phân phối phần mềm tên Nihon Softbank - sau này rút gọn thành Softbank tại một căn phòng nhỏ với 2 nhân viên.

Chỉ trong vài năm sau, Son nhúng tay vào nhiều dự án ở các lĩnh vực khác nhau từ thiết bị truyền dẫn điện thoại, xuất bản tạp chí, hội chợ triển lãm cho đến dịch vụ Internet băng thông rộng.

Son từng tự miêu tả bản thân là “một người điên đánh cược vào tương lai”. Trong một cuộc điện thoại với tỷ phú Warren Buffett, Son chia sẻ mình đang có kế hoạch 300 năm cho SoftBank. Thông qua công ty của mình, ông muốn xoá bỏ rào cản ngôn ngữ trên thế giới và giúp mọi người giao tiếp bằng ngoại cảm.

SoftBank đã hợp tác với Foxconn để chế tạo Pepper - loại robot có thể học cách yêu thương con người.

Tại hội nghị Thế giới Di động mới đây, Masayoshi Son cho rằng trí thông minh nhân tạo vượt qua trí tuệ của con người vào trong 30 năm nữa. “Tôi tin tưởng vào điều này. Trong 30 năm nữa, nó sẽ thành hiện thực”.

Ông cho rằng thế giới sẽ hoàn toàn thay đổi khi xuất hiện “siêu trí tuệ” có khả năng tự học và suy nghĩ. Đồng thời, ông dự báo trong tương lai, máy tính sẽ sở hữu con chíp có chỉ số IQ 10.000.

Son nhấn mạnh trong thời gian tới, SoftBank sẽ tiếp tục đầu tư vào các công ty công nghệ đang phát triển trí tuệ nhân tạo thông qua quỹ 100 tỷ SoftBank Vision Fund.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate