Theo thông tin từ Bộ Y tế, đoàn công tác của Bộ đã tham dự kỳ họp lần thứ 42 Đại Hội đồng UNESCO từ ngày 20/11 – 22/11/2023 tại Paris, Cộng hòa Pháp.
Kỳ họp lần thứ 42 Đại hội đồng UNESCO khai mạc ngày 7/11/2023 tại trụ sở của Tổ chức ở Paris, Cộng hòa Pháp, với sự tham gia của đại diện 194 nước thành viên, 12 nước thành viên liên kết, các nước quan sát viên, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ.
Tại Kỳ họp này, Đại hội đồng UNESCO đã thông qua chương trình và ngân sách giai đoạn 2024-2025, chiến lược quản lý nguồn nhân lực giai đoạn 2023-2027, chiến lược hoạt động của UNESCO dành cho các quốc gia đảo nhỏ đang phát triển, cũng như thảo luận nhiều vấn đề cấp bách hiện nay, góp phần thúc đẩy hòa bình và phát triển bền vững.
Đồng thời đã xem xét danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2024-2025” để UNESCO cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh/năm mất, trong đó có Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác của Việt Nam.
Trước đó, tại phiên họp Ủy ban Ưu tiên châu Phi và quan hệ đối ngoại diễn ra ngày 8/11/2023, các nước cũng đã nhất trí kiến nghị Đại hội đồng UNESCO lần thứ 42 thông qua danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2024 – 2025” để UNESCO cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh/năm mất, trong đó có Đại Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác của Việt Nam.
Ngày 21/11/2023, Kỳ họp Đại hội đồng các quốc gia thành viên UNESCO lần thứ 42 đã thông qua Nghị quyết về danh sách các "Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2023 - 2024" để UNESCO cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm.
Tại Kỳ họp này, hồ sơ kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Đại Danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cùng với 52 hồ sơ khác của các quốc gia thành viên đã được Tổ chức UNESCO thông qua.
Việc Tổ chức UNESCO vinh danh Đại Danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác của Việt Nam là sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về những đóng góp của cá nhân Đại Danh y đối với xã hội, cộng đồng, nhất là tư tưởng nhân văn “sống vì mọi người” và tinh thần “học tập suốt đời”, là những giá trị mà Tổ chức đang thúc đẩy.
Nghị quyết được toàn thể thành viên UNESCO thông qua là sự khẳng định rõ ràng nhất về những đóng góp to lớn của người Việt Nam trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, đồng thời thể hiện sự lan tỏa tài năng, trí tuệ của người Việt Nam trên trường quốc tế.
Tham dự phiên họp và chứng kiến thời khắc lịch sử khi Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO gõ búa thông qua Nghị quyết còn có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam bên cạnh UNESCO, đại diện tỉnh Hưng Yên, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, Đại Danh y Lê Hữu Trác là một nhân vật lịch sử đã để lại kho tàng giá trị to lớn trong lĩnh vực y học, văn hóa và giáo dục. Đây là niềm vui, niềm tự hào không chỉ của tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Hưng Yên mà của toàn thể người dân Việt Nam.
Như vậy đến nay, Tổ chức UNESCO đã thông qua Nghị quyết vinh danh và cùng kỷ niệm năm sinh/năm mất của các cá nhân tiêu biểu của Việt Nam như kỷ niệm 600 năm ngày sinh Danh nhân Nguyễn Trãi (1980); 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1990); 250 ngày sinh Danh nhân Nguyễn Du (2015); 650 năm ngày mất của Nhà giáo Chu Văn An (2019); 200 năm ngày sinh của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (2021); 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của Nữ sỹ Hồ Xuân Hương (2021) và 300 năm ngày sinh của Đại Danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (2023).
Đây là kết quả của việc thực hiện Chiến lược Ngoại giao Văn hóa, qua đó góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.
Đây cũng là thành quả của sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ trong thời gian qua của Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh Hà Tĩnh, Hưng Yên với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao, Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, các chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam và quốc tế.
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 1791) là một Đại Danh y, nhà văn hóa xuất sắc của dân tộc. Ông đã để lại cho hậu thế một khối di sản văn hóa đồ sộ, tiêu biểu là bộ “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” - bộ sách được coi là “Bách khoa thư” y học vĩ đại nhất của Việt Nam thời trung đại và còn nguyên giá trị.