April 25, 2024 | 17:58 GMT+7

Ứng dụng AI sẽ không phải là "lựa chọn" mà là “bắt buộc” trong y tế trong tương lai

Bảo Bình -

Trí tuệ nhân tạo đang được áp dụng vào toàn bộ quy trình y tế, từ sàng lọc, chẩn đoán, điều trị đến theo dõi. Thậm chí, với các công nghệ như AI và 5G, bác sĩ giỏi có thể can thiệp từ xa, giúp điều trị bệnh nhân ở nhiều khu vực khác nhau…

Ông Trịnh Hoàng Hà (ở giữa) và ông Phan Phi Anh (ngoài cùng bên phải) chia sẻ trong chương trình The Wise Talk số 11
Ông Trịnh Hoàng Hà (ở giữa) và ông Phan Phi Anh (ngoài cùng bên phải) chia sẻ trong chương trình The Wise Talk số 11

Với các hệ thống và công cụ chẩn đoán dựa trên AI, việc phát hiện bệnh tật ngày càng chính xác, nhanh chóng và hiệu quả hơn bao giờ hết. Thông qua việc phân tích các tập dữ liệu khổng lồ, các thuật toán cũng giúp các chuyên gia và giới chuyên môn đưa ra các chẩn đoán và phác đồ điều trị sáng suốt hơn, từ đó giúp cải thiện kết quả điều trị của bệnh nhân.

Theo Grand View Research, AI trong thị trường chăm sóc sức khoẻ quy mô toàn cầu có trị giá 15,4 tỷ USD vào năm 2023, tăng lên 22,4 tỷ USD năm 2023, và dự kiến sẽ mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 37,5% từ năm 2023 đến năm 2030.

AI GIÚP BÁC SỸ GIẢM BỚT 70% KHỐI LƯỢNG CÔNG VIỆC, GIÚP HỌ TẬP TRUNG VÀO 30% CÒN LẠI

Chia sẻ tại the WISE Talk số 11 tổ chức bởi VnEconomy và Tech Connect, ông Trịnh Hoàng Hà, Giám đốc Đối ngoại cấp cao Siemmens Healthineers, cho biết trong lĩnh vực y tế, trí tuệ nhân tạo đang đóng góp lớn vào việc cải thiện quy trình làm việc, giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực, đặc biệt là các bác sĩ trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh. Tại Siemens Healthineers, trí tuệ nhân tạo được áp dụng trong toàn bộ quy trình y tế, từ sàng lọc, chẩn đoán, điều trị đến theo dõi. Đầu tiên, trong quá trình sàng lọc, AI được sử dụng để phát hiện các vấn đề về ung thư vú và ung thư phổi, triển khai thành các gói dịch vụ nhanh chóng cho số đông.

Thứ hai, trong chẩn đoán, AI đã được tích hợp vào quá trình chẩn đoán. Sau khi chụp, hình ảnh được đưa lên đám mây và AI sẽ trả lại kết quả, đánh dấu những tổn thương. “Trí tuệ nhân tạo có thể giảm bớt 70% khối lượng công việc cho bác sĩ, giúp họ tập trung vào 30% còn lại, tránh bỏ sót thông tin quan trọng. Việc này giúp bác sĩ tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả chẩn đoán”, ông Trịnh Hoàng Hà nói.

Các số liệu thống kê cho thấy việc bỏ sót trong chẩn đoán có thể gây tổn hại đáng kể cho con người và nền kinh tế. Với sự trợ giúp của AI, việc bỏ sót trong quá trình chẩn đoán đã được giảm bớt, đặc biệt trong các kỹ thuật chụp ảnh y khoa như chụp cộng hưởng từ (MRI), một thiết bị rất phổ biến hiện nay.

Theo ông Trịnh Hoàng Hà, nếu không có trí tuệ nhân tạo, bác sĩ phải thực hiện nhiều thao tác phức tạp. Với AI, quá trình chụp được tối ưu hóa bằng cách điều chỉnh cường độ phù hợp và khảo sát các mốc giải phẫu trong cơ thể, giúp chụp nhanh hơn và hiệu quả hơn. Điều này cải thiện quy trình chẩn đoán và điều trị, mang lại lợi ích cho cả bệnh nhân và hệ thống y tế.

Đối với quá trình điều trị, trí tuệ nhân tạo cũng được sử dụng ở nhiều khâu. Ví dụ, khi lập kế hoạch điều trị cho bệnh nhân ung thư, sau khi có dữ liệu từ các bức ảnh chụp, AI sẽ phân tích và lập ra kế hoạch điều trị dựa trên khối dữ liệu của bệnh nhân. AI cũng giúp mô phỏng hình ảnh để dự đoán cách các khối u có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân. Tuy nhiên, bác sĩ hoặc kỹ thuật viên vẫn là người ra quyết định cuối cùng về phương pháp điều trị, như xạ trị hoặc phẫu thuật.

Cuối cùng, trong quá trình theo dõi sau điều trị, AI giúp đánh giá và so sánh kỹ lưỡng các nguy cơ cho lần điều trị sau. “AI đã được tích hợp vào toàn bộ quy trình bệnh lý học, không chỉ tại Siemens mà cả ở Việt Nam và trên toàn cầu”, ông Hà cho biết.

 
“Trong tương lai, khi AI được áp dụng rộng rãi, hệ thống y tế sẽ giảm bớt gánh nặng, góp phần cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe và tăng cường hiệu quả trong quá trình điều trị”, ông Phan Phi Anh nói.
 

“Trong tương lai, khi AI được áp dụng rộng rãi, hệ thống y tế sẽ giảm bớt gánh nặng, góp phần cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe và tăng cường hiệu quả trong quá trình điều trị”, ông Phan Phi Anh nói.

Theo ông Phan Phi Anh, Phó Giáo sư Kỹ thuật Y Sinh Đại học Oxford, CEO VentDX Ltd, AI góp phần nâng cao sức khỏe bằng cách cung cấp các trợ lý ảo chăm sóc sức khỏe. Cụ thể, công nghệ này sử dụng các thiết bị đo chỉ số sức khỏe cơ bản như nhịp tim, đường huyết, huyết áp và các chỉ số khác. Thay vì phải đến gặp bác sĩ, AI có thể theo dõi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và đưa ra phương pháp điều trị hoặc đề nghị phù hợp.

AI cũng cho phép phẫu thuật từ xa và đọc hình ảnh y tế từ xa. Các bác sĩ có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo để sàng lọc và chẩn đoán từ xa, giúp giảm thiểu sai sót và tốn kém cho bệnh nhân. Bác sĩ giỏi có thể can thiệp từ xa qua hệ thống dữ liệu 5G, giúp điều trị bệnh nhân ở nhiều khu vực khác nhau. 

“Trong tương lai, khi AI được áp dụng rộng rãi, hệ thống y tế sẽ giảm bớt gánh nặng, góp phần cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe và tăng cường hiệu quả trong quá trình điều trị”, ông Phan Phi Anh nói.

NHỮNG YẾU TỐ ĐỂ TRỞ THÀNH QUỐC GIA DẪN ĐẦU TRONG ỨNG DỤNG AI VÀO Y TẾ

Chia sẻ với chương trình The Wise Talk số 11 với chủ đề “Nắm bắt xu hướng ứng dụng AI trong y tế và chăm sóc sức khoẻ, nhận diện cơ hội của Việt Nam", ông Phan Phi Anh cho biết trong khu hồi sức đặc biệt thường có nhiều loại máy móc và chỉ số khác nhau mà các bác sĩ phải theo dõi để điều chỉnh máy thở cho phù hợp. Thường thì 40% bệnh nhân bị sưng phổi không được phát hiện kịp thời để điều chỉnh, dẫn đến chấn thương phổi khó chữa trị và có thể gây tử vong.

“Tại VentDx, chúng tôi phát triển AI để thu thập các chỉ số này và đưa ra phương án điều chỉnh máy thở một cách tối ưu. AI sẽ hỗ trợ các bác sĩ bằng cách đề xuất cách điều chỉnh phù hợp dựa trên các chỉ số, cảnh báo khi phổi bệnh nhân thay đổi từng phút, và cung cấp gợi ý từ kinh nghiệm của các bác sĩ khác trên toàn thế giới”, ông Phi Anh chia sẻ.

Công nghệ AI mang đến những lợi ích to lớn cho ngành y tế, và tác động mạnh mẽ nhất của AI đối với ngành y tế là không thể phủ nhận. Theo ông Trịnh Hoàng Hà, AI không chỉ là một sự lựa chọn mà còn là điều bắt buộc trong tương lai.

“Ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam sẽ mang lại nhiều lợi ích thực tiễn, giúp cải thiện chất lượng dịch vụ, giảm chi phí và giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực”, ông Hà nói.

Chẳng hạn, đối với máy cộng hưởng từ, quá trình chụp thường rất phức tạp và mất thời gian. Tuy nhiên, với AI, thời gian chụp được rút ngắn, giảm bớt áp lực công việc và giải quyết số lượng bệnh nhân tăng lên.

Ông Trịnh Hoàng Hà cho rằng ứng dụng AI vào y tế không chỉ là một sự lựa chọn mà còn là điều bắt buộc trong tương lai.
Ông Trịnh Hoàng Hà cho rằng ứng dụng AI vào y tế không chỉ là một sự lựa chọn mà còn là điều bắt buộc trong tương lai.

“Thông thường, một máy cộng hưởng từ trong 8 giờ chỉ có thể chụp được khoảng 20 đến 40 bệnh nhân một ngày. Nhưng với sự hỗ trợ của AI, con số này có thể tăng lên 50-60 bệnh nhân hoặc hơn”, ông Hà nói. Do đó, việc áp dụng AI gần như là bắt buộc vì giúp giải quyết nhiều yếu tố, đặc biệt là trong bối cảnh tài chính hạn chế, các vùng còn khó khăn và bác sĩ còn thiếu hụt. Đây là những ví dụ cụ thể cho thấy tác động tích cực của AI.

Theo ông Phan Phi Anh, Mỹ, Anh và Trung Quốc là những quốc gia dẫn đầu trong việc ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế. Mỹ được coi là trung tâm công nghệ hàng đầu thế giới với hệ thống y tế tiên tiến và rộng lớn. Các tập đoàn công nghệ lớn như IBM, Google, Apple và Microsoft cũng đầu tư mạnh mẽ vào AI, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng luôn muốn dẫn đầu về AI trong thập kỷ tới và đã có những đầu tư đáng kể trong lĩnh vực này. Còn về Anh, ông Phi Anh cho rằng quốc gia này có hệ thống y tế công cộng phát triển, hiện đại và đồng bộ. Chính phủ, các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp đều tập trung vào phát triển các công nghệ y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng AI trong y tế.

 

“Ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam sẽ mang lại nhiều lợi ích thực tiễn, giúp cải thiện chất lượng dịch vụ, giảm chi phí và giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực”, ông Trịnh Hoàng Hà nói.

Cũng bàn về câu chuyện ứng dụng AI vào y tế, ông Trịnh Hoàng Hà cho biết có hai yếu tố quan trọng khiến các quốc gia dẫn đầu. Thứ nhất là mạnh về công nghệ thông tin và thứ hai là các công ty về y tế có sức mạnh tài chính và kinh nghiệm kỹ thuật. Bên cạnh đó, việc bảo vệ bản quyền tốt cũng là điều cần thiết để khuyến khích đầu tư, nghiên cứu và phát triển, từ đó thúc đẩy sự sáng tạo và trí tuệ.

Việt Nam là một trong các quốc gia có nhu cầu y tế và chăm sóc sức khoẻ cao do quy mô dân số khoảng 100 triệu người cùng sự thích ứng nhanh với các công nghệ mới, AI cũng được kỳ vọng sẽ giúp mang lại những đột phá trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khoẻ tại Việt Nam. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate