Trao đổi về xu hướng tự động hóa quy trình marketing, các chuyên gia của The Wise Talk số 12 với chủ đề “Bắt kịp các xu hướng Martech mới nhất trong kỷ nguyên bùng nổ dữ liệu” cho biết 97 - 98% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Trong khi đó, nếu một người làm một công việc nào đó 300-500 trăm lần mỗi ngày thì tự động hóa mới mang lại ý nghĩa. Nhưng nếu chỉ làm 3 hoặc 5 lần mỗi ngày thì không cần thiết phải tự động hóa. Vì vậy, chỉ khoảng 2-3% doanh nghiệp có số lượng khách hàng hoặc dữ liệu lớn, trong khi hơn 90% doanh nghiệp còn lại không có dữ liệu lớn.
Điều đó có nghĩa là rào cản đầu tiên đối với vấn đề tự động hóa quy trình marketing của doanh nghiệp Việt Nam chính là nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu tự động hóa do quy mô còn nhỏ.
Đối với nhóm doanh nghiệp có nhu cầu, thì quá trình tự động hóa sẽ bắt đầu từ việc nhận biết sự cần thiết phải tự động hóa. Tuy nhiên, việc đầu tư cho tự động hóa thường khiến doanh nghiệp dè chừng vì chi phí cao. Một số doanh nghiệp có khả năng đầu tư thì lại gặp vấn đề về nhân lực vận hành.
“Ở Việt Nam, năng lực nhân sự trong lĩnh vực martech còn yếu do mới làm quen. Vì vậy, thiếu năng lực tài chính, thiếu nhân lực vận hành hoặc thiếu dữ liệu đều có thể là những rào cản đối với việc ứng dụng tự động hóa”, ông Nam Nguyễn, CEO Opla CRM, cho biết.
Dù vậy, thời gian gần đây, các hoạt động tự động hóa marketing đã có sự cải thiện rõ rệt. Việc đầu tư trở nên dễ dàng hơn vì số tiền cần đầu tư nhỏ hơn và hiệu quả từ việc đầu tư được thấy rõ ràng. “Do đó, tôi nghĩ rằng tốc độ đầu tư vào tự động hóa marketing đã bắt đầu tăng dần”, ông Nam Nguyễn nói.
TỰ ĐỘNG HÓA CHỈ PHÁT HUY TÁC DỤNG KHI CÓ "THỨC ĂN", VÀ ĐÓ LÀ DỮ LIỆU
Để đảm bảo hiệu quả và tránh những sai sót khi triển khai tự động hóa quy trình marketing, theo ông Tình Nguyễn, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Mạng lưới MarTech Việt Nam, thứ nhất, doanh nghiệp phải xác định rõ liệu mình có thực sự cần tự động hóa hay không. Ngoài ra, để tự động hóa hiệu quả sẽ đòi hỏi yếu tố cần thiết là phải có dữ liệu, và dữ liệu đó phải xuyên suốt. Nói cách khác, dòng chảy dữ liệu cần phải liên tục và liền mạch.
“Chúng ta phải tách biệt rõ ràng giữa tự động hóa và việc gửi thông điệp trên quy mô lớn. Ví dụ, việc gửi 10.000 tin nhắn SMS không phải là tự động hóa, đó chỉ là gửi thông điệp trên quy mô lớn. Tự động hóa là sự liên tục thay thế con người trong các quy trình. Nó giống như các quy trình sản xuất trong nhà máy hiện tại, nơi đầu vào và đầu ra đều do máy móc đảm nhiệm toàn bộ”, ông Tình Nguyễn giải thích.
Đặc biệt, trong doanh nghiệp số, yếu tố đầu tiên cần có là dữ liệu, tức là phải thiết lập được dòng chảy dữ liệu liên tục. Nghĩa là, nếu hôm nay có dữ liệu thì ngày mai cũng phải cung cấp được dữ liệu. Chỉ khi đó, tự động hóa mới có thể tồn tại và phát triển.
“Tự động hóa chỉ phát huy tác dụng khi có "thức ăn", và thức ăn chính là dữ liệu. Đây là điều kiện cần”, ông Tình Nguyễn nói. “Điều kiện đủ là doanh nghiệp cần có cách tiếp cận đúng đắn. Nghĩa là, doanh nghiệp phải xác định được quy trình nào cần tự động hóa. Trong một doanh nghiệp, có rất nhiều quy trình: doanh nghiệp lớn có thể có hàng nghìn quy trình, doanh nghiệp vừa có hàng trăm, và doanh nghiệp nhỏ có thể có vài chục quy trình. Việc xác định rõ quy trình nào có thể tự động hóa là điều quan trọng để đảm bảo hiệu quả”.
Khi đó, doanh nghiệp mới biết được công cụ nào sẽ giúp thực hiện tự động hóa. Điều này giúp doanh nghiệp tiếp cận một cách đúng đắn hơn, chọn lựa công cụ phù hợp hơn và sử dụng công cụ đúng mục đích hơn. Đó là điều kiện đủ để giải quyết bài toán tự động hóa marketing.
AI GIÚP TỰ ĐỘNG HÓA VÀ CÁ NHÂN HÓA MARKETING
Nói về việc ứng dụng AI trong marketing, ông Nam Nguyễn cho biết, trước đây để đưa ra một mô hình đề xuất mặt hàng cho khách hàng, phải sử dụng con người. Bây giờ, AI có thể tự theo dõi và tự đề xuất. Ở góc độ tự động hóa và cá nhân hóa, AI đã giúp thực hiện một cách triệt để và tối ưu hơn so với phương pháp cũ.
Tuy vậy, mọi người luôn lo sợ về sự phức tạp của công nghệ và tính hiệu quả của nó. Họ không chắc chắn liệu việc mua hoặc sử dụng công nghệ có hiệu quả hay không. Đây là vấn đề dai dẳng cần được giải quyết. Martech nói chung và AI nói riêng chỉ là một phân khúc, một hình thức công nghệ mới. Điều then chốt là doanh nghiệp, đặc biệt là chủ doanh nghiệp, cần có cách tiếp cận công nghệ toàn diện, nghĩa là phải có chiến lược ngay từ đầu.
Theo Chủ tịch Mạng lưới MarTech Việt Nam, hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn đang có cách tiếp cận, đầu tư công nghệ theo “hình thức FOMO, tức là họ mua chỉ vì thấy người khác mua, nhưng không biết mục đích thực sự của việc mua đó là gì”. Do đó, theo chuyên gia, điều quan trọng là phải có chiến lược và mục tiêu rõ ràng.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải nhận biết đó là một khoản đầu tư. “Dù đó là việc đầu tư vào công nghệ AI với mức giá 5 USD mỗi tháng hoặc 200.000 USD mỗi năm, đều là một khoản ngân sách đầu tư và chi phí. Chỉ khi chúng ta xem đó là một hoạt động đầu tư nghiêm túc, chúng ta mới có thể tìm ra lợi nhuận từ đó”, ông Tình Nguyễn chia sẻ.
Thứ hai, về hiện tại và tương lai gần, AI là một xu hướng mà doanh nghiệp không thể phủ nhận. Do đó, nếu phải ưu tiên, doanh nghiệp hiện nay nên ưu tiên nghiên cứu và áp dụng AI vào hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và hoạt động tiếp thị nói riêng. AI có thể giúp tự động hóa một số quy trình, tối ưu hóa hoạt động tiếp thị, chăm sóc khách hàng và bán hàng.
Thứ ba, tận dụng công nghệ vào việc lưu trữ và phân tích dữ liệu khách hàng là một yếu tố quan trọng. Đối với các doanh nghiệp có lượng dữ liệu lớn, cần bắt đầu và triển khai công nghệ vào việc phân tích và dự đoán dựa trên dữ liệu. Bởi vì, để đưa ra quyết định tốt, doanh nghiệp cần có dữ liệu.
Chia sẻ quan điểm của mình về việc ứng dụng AI và Martech, ông Nam Nguyễn cho rằng: “Không nên e ngại hoặc chần chừ, hãy bắt đầu ngay. Đừng đợi”.
Đối với các doanh nghiệp lớn, việc có một chiến lược dài hạn là cần thiết, vì họ có nhiều dữ liệu và có thể phải xử lý nhiều nguồn dữ liệu marketing đồng thời, điều này có thể là một thách thức lớn. Nhưng các công ty nhỏ nên bắt đầu hành động ngay, dù chỉ với những bước nhỏ, sửa sai theo từng bước, trong khi các công ty lớn cần có một chiến lược dài hạn 3-5 năm. Và điều quan trọng là, cả hai nhóm đều cần sự quyết tâm từ các lãnh đạo, người đứng đầu doanh nghiệp.