September 26, 2024 | 15:57 GMT+7

Ứng dụng Big Data, AI để cách mạng hóa ngành du lịch

Tường Bách -

Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, điều hành và quảng bá, cung cấp các sản phẩm du lịch, dịch vụ đang mang lại cho các cơ quan chuyên môn, du khách, doanh nghiệp nhiều tiện ích…

Ảnh: Booking.com
Ảnh: Booking.com

Báo cáo “Xu hướng du lịch của người Việt năm 2024” của Kompa - một trong những công ty hàng đầu về Trí tuệ Doanh nghiệp Dữ liệu (DATA intelligence) và Ứng dụng Dữ liệu Lớn & Trí tuệ Nhân tạo (Big Data & AI Applications), thu thập dữ liệu từ các nhóm người dùng đa dạng trên toàn cầu. Báo cáo này nhằm mục đích giúp các doanh nghiệp trong ngành nắm bắt những xu hướng du lịch và hành vi khách du lịch mới nhất, từ đó gia tăng lợi thế cạnh tranh.

Theo báo cáo, đặt dịch vụ và tìm kiếm thông tin trên các ứng dụng du lịch với nhiều tính năng tiện ích, đã trở thành xu hướng chung khi du lịch của người Việt. Việc khách hàng càng ngày càng ưa chuộng sử dụng các ứng dụng du lịch hay nền tảng xã hội để tìm hiểu, thiết kế hành trình du lịch của mình như một động lực thúc đẩy các doanh nghiệp không ngừng đổi mới, cải thiện, mang đến cho người dùng nhiều chương trình ưu đãi, nhiều điểm đến lý tưởng, cũng như các trải nghiệm du lịch thuận tiện và liền mạch.

Đặt dịch vụ và tìm kiếm thông tin trên các ứng dụng du lịch với nhiều tính năng tiện ích, đã trở thành xu hướng chung khi du lịch của người Việt.
Đặt dịch vụ và tìm kiếm thông tin trên các ứng dụng du lịch với nhiều tính năng tiện ích, đã trở thành xu hướng chung khi du lịch của người Việt.

Tại Việt Nam, nhiều công ty du lịch đã bắt đầu tích hợp AI vào dịch vụ của mình. AI không chỉ dừng lại ở việc gợi ý các hành trình du lịch mà còn giúp theo dõi và giảm thiểu tác động tiêu cực của du lịch đối với môi trường. AI còn có thể phân tích dữ liệu về khí hậu, lưu lượng khách và các hoạt động tiêu thụ tài nguyên, từ đó đưa ra những giải pháp tối ưu hóa nhằm giảm thiểu lượng khí thải và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn.

Tại hội thảo "Ứng dụng AI trong truyền thông quốc tế và du lịch bền vững", ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Holdings, nhận định: "AI sẽ khiến những đơn vị tư vấn du lịch dần dần biến mất. Các công ty du lịch chỉ có thể bán những tour đường dài đến các địa điểm cần chuẩn bị visa phức tạp". Đồng tình, ông Mic Nguyễn, Nhà sáng lập kiêm CEO của ứng dụng Huuk, cho biết từ khi Chat GPT ra đời, lượng tìm kiếm trên các Online Travel Agent (OTA) truyền thống đã sụt giảm rõ rệt. "Các công ty du lịch nếu không có sự thích nghi nhanh chóng với công nghệ, với AI thì sẽ sớm bị đào thải".

Bà Hà Lâm Tú Quỳnh, Giám đốc truyền thông Google châu Á – Thái Bình Dương cho rằng, sự ra đời của AI kết hợp với Gen Z sẽ là làn sóng thay đổi ngành du lịch lần thứ ba. Nếu như làn sóng thứ nhất là internet mang tính kết nối, làn sóng thứ hai là điện thoại thì làn sóng thứ ba là AI. Thực tế AI hiện nay đã tự tạo ra nội dung nên ảnh hưởng rất nhiều đến khách du lịch. AI sẽ khiến xu hướng đặt dịch vụ thông qua hình thức trực tuyến gia tăng.

Các công ty du lịch nếu không có sự thích nghi nhanh chóng với công nghệ, với AI thì sẽ sớm bị đào thải.
Các công ty du lịch nếu không có sự thích nghi nhanh chóng với công nghệ, với AI thì sẽ sớm bị đào thải.

Trong khi đó, việc ứng dụng Big Data trong ngành du lịch về cơ bản mang lại lợi thế cạnh tranh và marketing nhắm đến đúng đối tượng mục tiêu. Với tư cách là chuyên gia công nghệ, ông Ngô Minh Quân, CEO Rikkeisoft cho biết, việc xây dựng và số hóa cơ sở dữ liệu là vấn đề khó đối với nhiều doanh nghiệp đang bắt đầu quá trình chuyển đổi số. Các dữ liệu rời rạc cũng là vấn đề nhiều doanh nghiệp gặp phải. Hiện trạng này khiến doanh nghiệp có dữ liệu, có phần mềm số hóa nhưng lại không khai thác được gì.

Tại “Diễn đàn "luồng xanh" cho du lịch cất cánh” trước đây, ông Nguyễn Quyết Tâm, Ủy viên Uỷ ban Phát triển Chính phủ số thuộc Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty VietISO đánh giá: Hoạt động số hóa của ngành du lịch Việt Nam hiện còn rời rạc và chưa phát huy tối đa hiệu quả do cơ sở dữ liệu; chưa được chia sẻ để kết nối và đồng nhất. Điều này dẫn đến quá trình quản lý, kiểm soát, báo cáo thống kê dữ liệu ngành và đưa ra nhận định về xu hướng phát triển gặp nhiều khó khăn hơn.

Ở góc độ địa phương, ông Bùi Văn Mạnh, Phó GĐ Sở VHTTDL Ninh Bình cho biết, cơ sở dữ liệu là quan trọng nhất trong tiến trình chuyển đổi số ngành du lịch. Do đó, việc kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp du lịch… là yêu cầu bắt buộc để phát triển đồng bộ hệ sinh thái du lịch thông minh.

Cơ sở dữ liệu là quan trọng nhất trong tiến trình chuyển đổi số ngành du lịch.
Cơ sở dữ liệu là quan trọng nhất trong tiến trình chuyển đổi số ngành du lịch.

Tuy nhiên, để thúc đẩy việc chia sẻ cơ sở dữ liệu và để bảo đảm nhiều người cùng có lợi khi chia sẻ dữ liệu, theo CEO Rikkei Digital, doanh nghiệp cũng nên tập trung vào bảo đảm quyền riêng tư, minh bạch hóa mục đích sử dụng dữ liệu người dùng. Các giải pháp công nghệ (blockchain, giải pháp ẩn danh) cũng là những “cánh tay” để giúp dữ liệu cá nhân được bảo vệ khi đi qua các hệ thống.  

Dưới góc độ quản lý, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu nhận định 3 trụ cột Trục liên thông quản lý giữa các cơ quan trung ương và địa phương; Hệ thống cơ sở dữ liệu số quốc gia; Sàn giao dịch điện tử kết nối các doanh nghiệp với dịch vụ và khách du lịch được hình thành trong khuôn khổ đề án chuyển đổi số ngành du lịch của Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty du lịch và công nghệ phối hợp với nhau, tác nghiệp trên hệ thống nền tảng đó.

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2710/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt đề án “Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Du lịch”. Theo đó, hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Du lịch được xây dựng, phát triển toàn diện thống nhất trên phạm vi toàn quốc, nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về du lịch, đồng thời góp phần quảng bá xúc tiến du lịch.

Mục tiêu đến năm 2030, Big Data và AI có thể giúp xử lý, phân tích dữ liệu phục vụ quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu trong ngành du lịch.
Mục tiêu đến năm 2030, Big Data và AI có thể giúp xử lý, phân tích dữ liệu phục vụ quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu trong ngành du lịch.

Thời gian thực hiện đề án từ năm 2024 đến năm 2030 và chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2024-2025), ưu tiên hoàn thiện, xây dựng một số cơ sở dữ liệu thành phần chính ngành Du lịch để kết nối và chia sẻ trên toàn quốc. Giai đoạn 2 (2026-2030), tiếp tục duy trì, nâng cấp, phát triển mở rộng các cơ sở dữ liệu thành phần đã được hoàn thiện, xây dựng trong giai đoạn 1; hoàn thiện các cơ sở dữ liệu thành phần còn lại tạo nên hệ thống cơ sở dữ liệu toàn diện ngành Du lịch.

Mục tiêu của đề án là đến năm 2025, phát triển, duy trì và cập nhật thông tin, dữ liệu trong hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Du lịch trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Du lịch theo đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn và phương án kỹ thuật liên quan một cách đồng bộ, khai thác dữ liệu dùng chung của các đơn vị, bộ, ngành, địa phương. Mục tiêu đến năm 2030, áp dụng công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để xử lý, phân tích dữ liệu phục vụ phân tích, đánh giá, quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu trong ngành du lịch và các tổ chức, cá nhân liên quan...

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate