Trong phiên điều trần phê chuẩn (confirmation hearing), ông Scott Bessent - người được Tổng thống đắc cử Donald Trump đề cử vào chức Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ trong nhiệm kỳ sắp tới - bảo vệ chủ trương thuế quan của ông Trump, tranh luận về vấn đề gia hạn chính sách giảm thuế và kêu gọi các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Nga.
Phiên điều trần này là một phần trong quy trình phê chuẩn của Ủy ban Tài chính thuộc Thượng viện Mỹ đối với người được đề cử cho ghế Bộ trưởng Bộ Tài chính. Theo hãng thông tấn AP, trong bài phát biểu tại buổi điều trần, ông Bessent dành lời ngợi ca cho ông Trump và cho rằng vị Tổng thống đắc cử đang “đứng trước cơ hội mở ra thời kỳ hoàng kim kinh tế mới, tạo ra nhiều việc làm, của cải và sự thịnh vượng nhiều hơn cho người dân Mỹ”.
Trong suốt cuộc điều trần, ông Bessent nhận được nhiều câu hỏi gai góc từ cả các nghị sĩ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa về chính sách thuế trong nước, thuế quan, vấn đề Trung Quốc, cấm vận Nga và tương lai của hệ thống khai thuế của Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) mà Đảng Cộng hòa kêu gọi bãi bỏ.
GIA HẠN CHÍNH SÁCH GIẢM THUẾ, TĂNG TRƯỞNG PHẠT VỚI NGA
Đáp lại, ứng viên Bộ trưởng Tài chính bảo vệ mạnh mẽ các chính sách kinh tế và đề xuất của ông Trump. “Nước Mỹ sẽ đối mặt một thảm họa kinh tế nếu Quốc hội không gia hạn các điều khoản của Đạo luật Cắt giảm thuế và Việc làm (TCJA) của ông Trump”, ông Bessent phát biểu trước các nghị sỹ của Ủy ban Tài chính Thượng viện.
TCJA được Quốc hội Mỹ thông qua và ông Trump ký ban hành vào năm 2017 trong nhiệm kỳ trước của mình. Đạo luật này sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2025.
Tuy nhiên, liên quan tới vấn đề này, một số nghị sĩ Dân chủ, bao gồm Thượng nghị sĩ Ron Wyden của bang Oregon và Michael Bennet của bang Colorado, bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc gia hạn đạo luật bởi cho rằng các điều khoản cắt giảm thuế này hầu như chỉ có lợi cho người giàu và làm gia tăng gánh nặng nợ công đang ngày càng lớn (hiện đã vượt 36 nghìn tỷ USD).
Ứng viên Bộ trưởng Tài chính cũng cam kết duy trì chương trình khai thuế trực tiếp của IRS – cho phép người nộp thuế trực tiếp đề nghị hoàn thuế với IRS và hoàn toàn miễn phí – ít nhất trong kỳ quyết toán thuế năm 2025 (bắt đầu vào ngày 27/1 tới). Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa cho rằng chương trình này là một sự lãng phí tiền bạc.
Cũng trong cuộc điều trần, ông Bessent bày tỏ quan điểm rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nên tiếp tục duy trì hoạt động độc lập và không chịu sự ảnh hưởng của Tổng thống. Cùng với đó, ông cho rằng Mỹ nên áp dụng trừng phạt mạnh mẽ hơn với dầu mỏ Nga và nhận xét các biện pháp trừng phạt của chính quyền Tổng thống Joe Biden không đủ “mạnh mẽ”.
“Tôi tin rằng chính quyền tiền nhiệm đã lo lắng về việc làm tăng giá năng lượng tại Mỹ trong thời gian vận động tranh cử”, ông Bessent nhận định.
TĂNG THUẾ QUAN
Về vấn đề thuế quan, ông Bessent cho rằng tăng thuế quan với hàng nhập khẩu sẽ giúp tăng nguồn thu cho ngân sách liên bang. Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ, cùng nhiều quan chức của chính quyền mới, kỳ vọng nguồn thu từ thuế quan sẽ bù đắp một phần cho chi phí từ việc gia hạn các chính sách giảm thuế của ông Trump.
Ứng viên Bộ trưởng Tài chính cố gắng xoa dịu những lo ngại rằng chính sách thuế quan của ông Trump - tăng thuế với toàn bộ hàng nhập khẩu - có thể làm lạm phát tăng trở lại. Ông nhấn mạnh rằng biến động tỷ giá tiền tệ và hành vi của các công ty xuất khẩu nước ngoài sẽ hạn chế tình trạng tăng giá cả tại Mỹ.
"Với mức thuế quan chung là 10%, đồng USD sẽ tăng giá khoảng 4%, Do đó, chi phí tăng lên do thuế quan tăng sẽ không hoàn toàn bị đẩy về phía người tiêu dùng", ông Bessent lập luận. "Ngoài ra, các nhà sản xuất nước ngoài, đặc biệt là ở Trung Quốc, có thể sẽ giảm giá để bảo vệ thị phần. Việc này sẽ giảm hơn nữa tác động của thuế quan tăng tới giá tiêu dùng tại Mỹ".
Ông Bessent là một trong nhiều người được ông Trump cân nhắc cho vị trí Bộ trưởng Tài chính và mất một thời gian mới được chọn làm ứng viên chính thức. Bộ trưởng Tài chính là vị trí đảm nhiệm vai trò cố vấn chính sách tài khóa cho tổng thống và quản lý nợ công. Bộ trưởng Tài chính cũng sẽ là thành viên Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Tổng thống.
Nếu được phê chuẩn, ông Bessent sẽ chịu trách nhiệm giám sát các cơ quan lớn trực thuộc Bộ Tài chính. Ông được kỳ vọng sẽ giúp Tổng thống đắc cử thiết lập lại trật tự thế giới, thúc đẩy giảm hàng nghìn tỷ USD tiền thuế thông qua việc gia hạn các điều khoản của TCJA, kiểm soát lạm phát, quản lý nợ công và đẩm bảo ổn định thị trường tài chính.
“Đầu tư hiệu quả giúp nền kinh tế phát triển phải được đặt làm ưu tiên, thay vì chi tiêu lãng phí làm tăng lạm phát”, ông Bessent, cũng là một nhà quản lý quỹ đầu tư, phát biểu tại phiên điều trần.
Các thượng nghị sĩ đã chất vấn ông trong hơn 3 tiếng đồng hồ về quan điểm liên quan tới vấn đề giảm thuế của ông Trump, thuế quan, Trung Quốc và nguy cơ xung đột lợi ích.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Elizabeth Warren thậm chí đã gửi trước cho ông Bessent hơn 100 câu hỏi qua văn bản và chất vấn ông về các chủ đề như tính độc lập của Bộ Tài chính, nhà ở, nhân sự và việc giám sát hoạt động tài chính.
Ngoài ra, các nghị sĩ Dân chủ trong Ủy ban Tài chính Thượng viện cũng đưa ra một tài liệu cáo buộc ông Bessent trốn thuế khoảng 1 triệu USD liên quan tới quỹ đầu tư của mình. Trong phiên điều trần, ông Bessent cho biết đã cập nhật hồ sơ thuế và đang tiến hành tố tụng phần thuế còn mâu thuẫn với con số của nhà chức trách. Ông cũng cam kết sẽ đóng cửa công ty của mình nếu được phê chuẩn thành Bộ trưởng Tài chính.
Bản thân là một tỷ phú, trước khi trở thành nhà tài trợ và cố vấn của ông Trump, ông Bessent từng quyên góp cho nhiều hoạt động của đảng Dân chủ vào đầu những năm 2000. Trong đó, đáng chú ý nhất là quyên góp cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Al Gore. Ông Bessent từng làm việc cho tỷ phú George Soros, một người ủng hộ lâu năm của đảng Dân chủ.