Ngày 11/11, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Công ty Tài chính Quốc tế IFC ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các nội dung hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và thực thi các tiêu chuẩn phát triển bền vững nhằm giúp thúc đẩy tài chính xanh vì một nền kinh tế carbon thấp tại Việt Nam.
Biên bản ghi nhớ nhằm thực hiện thông điệp “cùng nhau hành động” với mục tiêu thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam tiệm cận cùng với các nước trong khu vực ASEAN, hiện thực hoá các kế hoạch phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm vốn xanh, đẩy mạnh việc báo cáo, công bố thông tin phát triển bền vững tại Việt Nam, và phù hợp với các nội dung tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Việc triển khai các hoạt động trong khuôn khổ biên bản ghi nhớ này sẽ thể hiện rõ quyết tâm hành động của Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trong việc đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050.
Thỏa thuận hợp tác mới giữa Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước với IFC sẽ góp phần vào nỗ lực của chính phủ nhằm thúc đẩy thị trường vốn để đối phó với biến đổi khí hậu thông qua tài chính xanh và tài chính bền vững.
Với sự hỗ trợ của IFC, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ thúc đẩy việc áp dụng các chuẩn mực và thông lệ về môi trường, xã hội và quản trị (ESG), cũng như tăng cường giám sát việc thực thi các yêu cầu quốc gia về ESG của các thành viên thị trường. Điều này sẽ giúp củng cố khuôn khổ chính sách về tài chính bền vững, khuyến khích các sản phẩm tài chính sáng tạo như trái phiếu xanh, trái phiếu chuyển dịch và trái phiếu gắn với phát triển bền vững để thu hút các nhà đầu tư quốc tế mà đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các tài sản bền vững.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, thị trường vốn đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch nền kinh tế Việt Nam theo hướng carbon thấp và nâng cao khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu, thông qua nỗ lực huy động nguồn vốn xanh.
Theo đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cùng với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chủ động xây dựng một kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cho ngành chứng khoán trong giai đoạn mới, tiến tới xây dựng một khuôn khổ định hướng về tài chính xanh và các sản phẩm tài chính xanh cho các doanh nghiệp hoạt động trên thị trường chứng khoán.
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết thúc đẩy tài chính xanh và tài chính bền vững là ưu tiên dài hạn. Việc IFC tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy áp dụng các chuẩn mực và thông lệ ESG của các thành viên thị trường sẽ giúp mở rộng quy mô huy động tài chính xanh, hướng tới một thị trường vốn phát triển bền vững tại Việt Nam.
Trên nền tảng các chuẩn mực của IFC, cách tiếp cận tích hợp ESG sẽ giúp giải quyết các chủ đề ESG nổi cộm, trọng tâm là khung quản lý rủi ro môi trường xã hội, công bố thông tin và minh bạch, quản lý rủi ro khí hậu và các rủi ro liên quan đến giới.
Bà Kim See Lim, Giám đốc Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của IFC, chia sẻ: “Xanh hóa thị trường vốn với trọng tâm là áp dụng các tiêu chuẩn ESG phải là một ưu tiên khi Việt Nam tập trung huy động đầu tư tư nhân để đạt được mục tiêu kép là trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. IFC vui mừng được tiếp tục đồng hành cùng Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ trong nỗ lực thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho đầu tư khí hậu từ khu vực tư nhân, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững và chống chọi với biến đổi khí hậu của Việt Nam”.
Là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu và thiên tai và cũng là một trong những nền kinh tế có cường độ phát thải carbon cao nhất ở châu Á, chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu cắt giảm lượng khí thải carbon của nền kinh tế và đạt được trạng thái trung hòa carbon vào năm 2050 như đã cam kết tại Hội nghị Khí hậu Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP 26). Điều này sẽ đòi hỏi những khoản đầu tư khổng lồ trong 30 năm tới, trong đó nguồn lực của nhà nước chỉ đáp ứng một phần nhu cầu tài chính.
Với việc ký kết kết thoả thuận hợp tác này, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ xây dựng được một khung chính sách quản lý hiệu quả, nâng cao hơn nữa nhận thức của doanh nghiệp và cộng đồng nhà đầu tư về vai trò của tài chính xanh trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, nâng cao hơn nữa về nhận thức và trách nhiệm của công chúng đầu tư, cán bộ cơ quan quản lý, thành viên thị trường, doanh nghiệp niêm yết đối với các cam kết nhằm giảm thiểu khí phát thải, cùng đồng hành với Chính phủ hiện thực hoá các cam kết nhằm chống biến đổi khí hậu, vì một thế giới phát triển hoà bình ổn định.