Theo tờ SCMP, Fadli Barjadi Kusuma, một tài xế xe ôm tại Indonesia, là một trong những tình nguyện viên tham gia cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối của vắc-xin Covid-19 do công ty Sinovac Biotech (Trung Quốc) phát triển.
Nhớ lại khoảnh khắc bước tới tòa nhà của trường đại học y ở quê nhà Bandung, Indonesia để tiêm thử loại vắc-xin này, Fadli, 32 tuổi, cho biết: "Tôi đã vô cùng sợ hãi, mạng sống của tôi có thể bị đe dọa. Tuy nhiên, tôi đã quyết tâm trở thành một tình nguyện viên thử nghiệm vắc-xin và sẵn sàng đón nhận".
"Tôi muốn bảo vệ bản thân và giúp đỡ chính phủ. Tôi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Tôi không thể tự kinh doanh vì không có tiền, việc làm cũng trở nên khan hiếm, vì vậy kiếm ăn thôi cũng rất khó khăn", người cha của ba đứa con với thu nhập chỉ khoảng 2 triệu Rupiah (140 USD) một tháng cho biết.
Từ khi bắt đầu vào tháng 8, đã có khoảng 1.620 tình nguyện viên ở Bandung được tiêm vắc-xin của Sinovac Biotech. Các tình nguyện viên được yêu cầu tới cơ sở y tế để kiểm tra tác dụng phụ mỗi tháng và Sinovac Biotech dự kiến công bố kết quả sơ bộ của cuộc thử nghiệm vào tháng 1/2021.
Indonesia, nơi ghi nhận hơn 450.000 ca nhiễm Covid-19 và 15.000 người tử vong, trở thành tâm điểm trong nỗ lực thử nghiệm vắc-xin của Bắc Kinh. Ngoài Sinovac, Indonesia cũng nhận được cam kết cung cấp vắc-xin từ các nhà sản xuất khác của Trung Quốc như CanSino và Sinopharm. Tuy nhiên, nước này không "bỏ tất cả trứng vào một giỏ". Jakarta đã gửi ý định thư mua 100 triệu liều vắc-xin từ công ty AstraZeneca của Anh và 30 triệu liều khác từ công ty Novavax của Mỹ.
Trung Quốc hiện có 4 trên tổng số 11 vắc-xin Covid-19 đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối trên thế giới. Bắc Kinh cũng đang đàm phán để triển khai thử nghiệm giai đoạn cuối tại Philippines, đồng thời hứa hẹn sẽ cung cấp vắc-xin cho Malaysia, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar. Hiện tại, Sinovac cũng đang xin cấp phép để thử nghiệm vắc-xin tại Philippines, dự kiến bắt đầu vào cuối tháng 11.
VẤN ĐỀ NIỀM TIN
Tuy nhiên, vắc-xin Covid-19 của Trung Quốc cũng vấp phải sự nghi hoặc tại nhiều quốc gia châu Á. Mikaela Abamonga, một bác sĩ vật lý trị liệu tại Bệnh viên Đa khoa Philippines ở Manila, có thể là một trong những người đầu tiên được tiêm vắc-xin thử nghiệm của Trung Quốc tại Philippines bởi cô là nhân viên y tế. Tuy nhiên, nữ bác sĩ 25 tuổi cho rằng cô cảm thấy lo lắng.
"Tôi cho rằng vắc-xin này được phát triển quá nhanh và nó cần phải được nghiên cứu sâu hơn nữa trước khi tiêm vào cơ thể người", Abamonga nhận xét.
Vắc-xin của Sinovac được chính phủ Trung Quốc cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp cho các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao như nhân viên y tế hồi tháng 7.
Tại Malaysia, công chúng cũng quan ngại về vắc-xin Trung Quốc khi Thủ tướng Muhyiddin Yassin cho biết nước này kỳ vọng mua được vắc-xin của Trung Quốc vào cuối năm nay. Chính phủ Malaysia cũng tăng ngân sách cho vắc-xin Covid-19 từ 1 tỷ Ringgit (241 triệu USD) lên 3 tỷ Ringgit (723 triệu USD).
Tuy vậy, không giống Indonesia và Philippines, chính phủ Malaysia không cho phép thử nghiệm vắc-xin của Trung Quốc tại nước này. Theo tiến sĩ Adriel Chen, một chuyên gia y tế người Malaysia đang làm việc tại Anh, nguyên nhân là nước này không muốn trở thành "chuột bạch" cho các công ty Trung Quốc.
Trong khi đó, Campuchia cho biết sẵn sàng thử nghiệm vắc-xin Trung Quốc nếu nó được Tổ chức Y tế Thế giới thông qua.
Ngoài ra, giới phân tích nhận định các cuộc thử nghiệm vắc-xin của Trung Quốc có thể gặp khó khăn trong việc thu hút tình nguyện viên tại những quốc gia đang có quan hệ phức tạp với Bắc Kinh.
KHÔNG PHẢI "VŨ KHÍ TỐI THƯỢNG"
Các nhà dịch tễ học cảnh báo rằng dù do nước nào phát triển thì vắc-xin cũng không phải "vũ khí tối thượng" tiêu diệt dịch Covid-19, đặc biệt là tại các quốc gia như Indonesia với hệ thống xét nghiệm-truy vết còn kém.
Pandu Riono, một nhà dịch tễ học tại Đại học Indonesia, cũng đặt câu hỏi về việc nước này ủng hộ 3 loại vắc-xin từ cùng một quốc gia (Trung Quốc) khi mà chúng chưa được chứng minh hiệu quả.
"Tại sao chúng ta lại đồng ý mua những loại vắc-xin khi mà hiệu quả của chúng còn chưa được kiểm chứng? Điều này có thể khiến chúng ta xa rời trọng tâm là củng cố hệ thống kiểm soát dịch bệnh của mình", Riono đặt vấn đề.
Theo Riono, việc sản xuất vắc-xin cũng rất tốn kém, đặc biệt với Indoneisa - quốc gia vừa rơi vào suy thoái kinh tế lần đầu tiên trong 2 thập kỷ. Chính phủ nước này cho biết sẽ cần tới 45.000 tỷ Rupiah (3 tỷ USD) để sản xuất 260 triệu liều vắc-xin của Sinovac.
Mặt khác, dù vắc-xin được thử nghiệm thành công sẽ tạo cú hích cho tăng trưởng kinh tế, nhưng chính phủ Indonesia ước tính nề kinh tế nước này có thể thiệt hại 44 tỷ USD nếu việc phân phối vắc-xin bị chậm nửa năm.
Jennifer Bouey, nhà nghiên cứu chính sách cấp cao tại Viện chính sách Trung Quốc của tổ chức tư vấn chính sách RAND Corporation (Mỹ), cho biết bà không ngạc nhiên khi Indonesia hợp tác với Trung Quốc trong thử nghiệm vắc-xin trên người. Đây là một trong số ít quốc gia sản xuất vắc-xin tại châu Á và hoạt động theo hệ thống kiểm soát dược quốc gia.
Theo bà Bouey, cũng là một nhà dịch tễ học, Mỹ và các quốc gia lớn tại châu Âu không mấy quan tâm tới các loại vắc-xin Covid-19 của Trung Quốc bởi vì vắc-xin tiêm cho người dân nước họ phải được cấp phép bởi một Cơ quan quản lý dược chặt chẽ (SRA) do quốc tế công nhận. Do đó, các nước này hiếm khi chấp nhận các loại dược phẩm được công nhận bởi hệ thống quản lý dược của một quốc gia khác.
"Các loại vắc-xin của Trung Quốc nhắm tới thị trường nội địa và những quốc gia đang phát triển. Việc công chúng Indonesia có chấp nhận vắc-xin Trung Quốc hay không tùy thuộc vào tình hình chính trị của quốc gia này", bà Bouey nhận định.
Với những tình nguyện viên như Fadli và nhiều người Indonesia khác đang muốn trở lại cuộc sống bình thường sau đại dịch, vắc-xin của Sinovac mang đến niềm hy vọng lớn, ít nhất ở thời điểm hiện tại. Do đó, Fadli cố gắng gạt bỏ những nghi hoặc của bản thân.
"Ban đầu tôi cũng do dự bỏi virus corona bắt nguồn từ Trung Quốc và vắc-xin này cũng do Trung Quốc sản xuất. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, tôi biết được rằng vắc-xin của họ có thể hiệu quả cao. Trung Quốc hành động rất nhanh và cách ứng phó với của Covid-19 của cũng rất hiệu quả", Fadli nhận xét.