Sau một năm nền kinh tế thế giới gục ngã vì cú sốc mà đại dịch Covid-19 gây ra, những tia hy vọng mới đã được thắp lên, khi vaccine ngừa chủng mới của virus corona bắt đầu được tiêm tại nhiều quốc gia.
Một số nhà dự báo cho rằng vaccine có thể mở ra cơ hội cho tăng trưởng toàn cầu hồi phục mạnh mẽ trong 2021, nhưng cũng có những ý kiến cho rằng cần có thời gian nhất định để chiến dịch tiêm chủng Covid-19 phát huy tác dụng hỗ trợ kinh tế.
GIỚI ĐẦU TƯ HƯNG PHẤN
Chỉ một năm sau ngày những ca nhiễm Covid-19 được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, thế giới đã có trong tay một loạt "ứng cử viên" vaccine để ngừa căn bệnh này, bao gồm vaccine của các hãng Pfizer, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson, cùng một số vaccine của Nga và Trung Quốc. Nổi bật trong số này là vaccine của Pfizer và của Moderna, hai loại đã chứng minh được khả năng phòng bệnh khoảng 95% trên thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối.
Một loạt quốc gia như Anh, Mỹ, Canada, Singapore… đã phê chuẩn vaccine của Pfizer, đã khởi động hoặc chuẩn bị mở chiến dịch tiêm chủng toàn dân bằng vaccine này. Anh là quốc gia đầu tiên trên thế giới tiến hành tiêm chủng bằng vaccine Coid-19 của Pfizer. Tại Mỹ, chiến dịch đã bắt đầu vào ngày 14/12.
Để tìm một bằng chứng về hy vọng mà vaccine ngừa Covid-19 mang lại cho kinh tế thế giới, chỉ cần nhìn vào mức độ hưng phấn của thị trường chứng khoán toàn cầu thời gian qua.
Trong tháng 11 và nửa đầu tháng 12, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ là S&P 500, Dow Jones và Nasdaq liên tục lập kỷ lục mới nhờ những bước tiến liên quan đến vaccine. Hầu như sau mỗi thông tin tích cực về vaccine là một phiên tăng điểm của các chỉ số. Xu hướng tăng cũng được ghi nhận ở các thị trường châu Âu và châu Á. Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản đã đạt mức cao nhất kể từ khi được thiết lập vào năm 1987.
Với những thiệt hại gây ra bởi Covid-19, đại dịch tồi tệ nhất mà thế giới phải hứng chịu trong khoảng 1 thế kỷ trở lại đây, không có gì đáng ngạc nhiên khi chứng kiến giới đầu tư phấn khởi đến như vậy trước việc đã có vaccine để ngừa bệnh.
Về người, đại dịch đến nay đã cướp đi sinh mạng của trên 1,6 triệu người trên toàn cầu, trong đó, thiệt hại nặng nề nhất rơi vào Mỹ, với hơn 300.000 ca tử vong. Về kinh tế, trong một báo cáo ra đầu tháng 12, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo nền kinh tế toàn cầu suy giảm 4,2% trong năm nay. Con số này có phần lạc quan hơn mức dự báo giảm 4,4% mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra trong báo cáo gần đây nhất của định chế này. Dù gì, đây cũng sẽ là cú sốc suy thoái tệ nhất mà thế giới phải hứng chịu kể từ Đại suy thoái của thập niên 1930.
PHỤC HỒI HÌNH CHỮ V?
Hầu hết các tổ chức dự báo đều cho rằng với sự trợ lực của vaccine Covid-19, cũng như các biện pháp kích cầu bằng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, kinh tế toàn cầu sẽ trở lại với trạng thái tăng trưởng trong năm 2020. Theo OECD, đến cuối năm 2021, tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu có thể đạt mức như trước đại dịch.
"Lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bắt đầu, giờ đã có hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn", báo cáo của OECD nhận định về những bước tiến liên quan đến vaccine và những nỗ lực chưa từng có tiền lệ của các ngân hàng trung ương và chính phủ trong việc vực dậy tăng trưởng. Trên cơ sở này, OECD dự báo tăng trưởng toàn cầu đạt bình quân 4% mỗi năm trong 2 năm tới.
Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, được dự báo tăng 3,2% trong 2021 và 3,5% trong 2022, sau khi giảm 3,7% trong năm nay. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ nhì, được dự báo tăng 8% trong 2021 và 4,9% trong 2022, sau khi tăng 1,8% trong 2020. Kinh tế khu vực sử dụng đồng Euro được OECD dự báo giảm 7,5% trong năm nay, tăng 3,6% trong 2021 và tăng 3,3% trong 2022.
Giới ngân hàng đầu tư ở Phố Wall cũng có cái nhìn lạc quan về kinh tế toàn cầu năm tới. Trong số này, Morgan Stanley có quan điểm lạc quan hơn cả, dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 6,4% trong 2021, đồng thời giữ kỳ vọng về một sự phục hồi dạng chữ V. Ít lạc quan nhất, là Citigroup cũng dự báo kinh tế thế giới tăng 5% trong 2021.
Một báo cáo từ công ty nghiên cứu và tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group nhận định rằng việc đảm bảo quyền tiếp cận công bằng với vaccine Covid-19 cho tất cả người dân sẽ mang đến lợi ích tổng trị giá 466 tỷ USD cho 10 nền kinh tế phát triển trong thời gian từ nay đến năm 2025. Lợi ích này đến từ giảm bớt những thiệt hại kinh tế mà Covid-19 gây ra và tiến tới chấm dứt đại dịch thông qua tiêm chủng.
Các nền kinh tế mà báo cáo trên khảo sát bao gồm Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Nhật Bản, Anh, Qatar, Hàn Quốc, Thụy Điển, và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Đây là những nước đã đóng góp tổng cộng 2,4 tỷ USD vao Access to COVID-19 Tools (ACT) Accelerator, một sáng kiến của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm hỗ trợ phát triển và phân phối bình đẳng trong xét nghiệm, điều trị và vaccine ngừa Covid-19.
THẬN TRỌNG KHÔNG THỪA
Nhưng dù đã có vaccine, sự thận trọng và cảnh giác với đại dịch là không thừa. Đầu tháng này, chuyên gia cao cấp nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về trường hợp khẩn cấp, ông Mike Ryan, cảnh báo không nên chủ quan khi vaccine Covid-19 bắt đầu được tiêm. Ông nói rằng vaccine là một phần quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19 nhưng không có nghĩa là đại dịch sẽ chấm dứt ngay.
"Vaccine không đồng nghĩa với không còn Covid", ông nói. Theo vị chuyên gia, một số quốc gia sẽ phải duy trì các biện pháp kiểm soát rất chặt chẽ thêm một thời gian nữa, nếu không số ca nhiễm có thể lại "bùng nổ".
Ngoài ra, quá trình triển khai vaccine Covid-19 cũng phải đối mặt với nhiều trở ngại, đặc biệt là yêu cầu phải được lưu trữ và vận chuyển trong điều kiện nhiệt độ siêu thấp của một số loại vaccine. Chẳng hạn, vaccine của Pfizer yêu cầu phải được trữ đông ở nhiệt độ âm 70 độ C, cần thiết phải có một loại tủ đông đặc biệt hoặc sử dụng đá khô. Nhiều bang của Mỹ đang lo ngại về việc liệu có đủ đá khô để phục vụ cho việc vận chuyển vaccine đến những vùng nông thôn không có tủ đông đủ tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, công chúng còn đặt ra nhiều câu hỏi về hiệu quả của vaccine kéo dài bao lâu, tính an toàn của vaccine…
Dù tin tưởng kinh tế hồi phục trong 2020, các ngân hàng đầu tư ở Phố Wall đều chung quan điểm rằng ngay cả khi kinh tế toàn cầu hồi phục, thất nghiệp và lạm phát vẫn chịu sức ép bất lợi tại hầu hết các khu vực của thế giới, đòi hỏi các ngân hàng trung ương và chính phủ duy trì chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng ít nhất đến hết năm. Các nhà phân tích cũng nhận định những tháng đầu của năm 2021 sẽ là khoảng thời gian mà kinh tế thế giới tiếp tục chật vật, trước khi việc tiêm chủng phát huy tác dụng đưa tăng trưởng trở lại.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới đây quyết định chi thêm 605 tỷ USD cho chương trình mua tài sản để bơm tiền vào nền kinh tế. Chính phủ Nhật tung một gói kích cầu nữa trị giá 708 tỷ USD. Quốc hội Mỹ thì đang gấp rút đàm phán một gói kích cầu mới trị giá hơn 900 tỷ USD. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cam kết tiếp tục duy trì lãi suất gần 0 và bơm mỗi tháng 120 tỷ USD vào thị trường. Tất cả những động thái này cho thấy các nền kinh tế lớn không đặt cược tất cả vào vaccine ngừa Covid-19.
Một dấu hiệu khác của sự thận trọng là việc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới. Trong báo cáo ra ngày 15/12, IEA dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2021 tăng 5,7 triệu thùng/ngày so với năm nay, giảm 170.000 thùng/ngày so với số liệu đưa ra trong lần dự báo cách đây 1 tháng. IEA cho rằng nhu cầu xăng dầu hàng không vẫn sẽ yếu trong năm tới, cho dù vaccine Covid-19 được triển khai. Nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới năm 2020 được IEA dự báo giảm 8,8 triệu thùng/ngày so với 2019, còn 91,2 triệu thùng/ngày.
Một công thức hoàn hảo cho kinh tế Mỹ phục hồi trong năm tới là vaccine phải được triển khai nhanh chóng trên diện rộng kết hợp với một gói kích cầu lớn. Trong đó, gói kích cầu sẽ giữ cho nền kinh tế đứng vững cho tới khi đa số người dân được tiêm vaccine, đặc biệt là trong giai đoạn cuối năm nay và đầu năm tới - khi số ca nhiễm mới và số ca tử vong tiếp tục tăng mạnh mà chiến dịch tiêm chủng chỉ mới bắt đầu.
"Toàn bộ phản ứng bằng chính sách sẽ là cầu nối để đưa doanh nghiệp và người tiêu dùng sang bờ bên kia. Vaccine chính là bờ bên kia", chuyên gia kinh tế Megan Greene thuộc Trường Kennedy, Đại học Harvard, nói với trang Politico. "Nếu vaccine không được triển khai hiệu quả, hoặc nếu không có một gói kích cầu trong lúc vaccine còn chưa phát huy tác dụng, thì rất khó tránh một cuộc suy thoái mới".