Gần 1 năm trôi qua kể từ khi chủng mới của virus Corona bùng phát, thế giới trong 24 giờ qua đón nhận loạt thông tin vaccine phòng Covid-19.
Một loại vaccine của hãng Pfizer cho kết quả rất khả quan, trong khi liệu pháp kháng thể của hãng Eli Lilly đã được cấp phép để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp ở Mỹ. Ngoài hai thông tin tốt lành này, có một tin kém vui là giai đoạn thử nghiệm cuối một loại vaccine Covid-19 của Trung Quốc đã bị đình chỉ ở Brazil do gặp sự kiện bất lợi. Đây là lần đầu tiên loại vaccine nhiều triển vọng này của Trung Quốc gặp trở ngại trong quá trình thử nghiệm.
LÃNH ĐỊA CHƯA CÓ TIỀN LỆ
Thị trường chứng khoán thế giới đã rất lạc quan trước thông tin từ Pfizer và Eli Lilly. Điều này thể hiện qua việc vốn hóa của MSCI All Country World Index, một thước đo của chứng khoán toàn cầu, tăng thêm hơn 1,8 nghìn tỷ USD.
Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, vẫn còn đó nhiều bấp bênh trong cuộc chạy đua của thế giới nhằm tạo ra được những loại vaccine giúp ngừa Covid-19.
Trung Quốc đến nay đã theo dõi việc thử nghiệm các loại vaccine phòng Covid-19 của nước này - bao gồm một loại vaccine của Sinovac Biotech vừa bị dừng thử nghiệm ở Brazil - trên hàng trăm nghìn người được tiêm trong một chương trình sử dụng khẩn cấp trên diện rộng. Cuộc thử nghiệm bị đình chỉ ở Brazil cho thấy rủi ro có thể xảy đến khi các Chính phủ hành động chỉ dựa trên dữ liệu tích cực ban đầu - "bật đèn xanh" cho phép tiêm phòng mà chưa có sự thấu hiệu lâu dài về tính an toàn của vaccine.
Quy trình phát triển vaccine thường kéo dài hàng năm trời, giờ đây bị dồn nén lại thành vài tháng. Giới chuyên gia cảnh báo rằng với vaccine Covid-19, thế giới đang bước vào một lãnh địa chưa từng có tiền lệ.
Dù sao, những dữ liệu mà Pfizer đưa ra cũng khả quan đến nỗi lấn át tất cả những mối lo như vậy. Giới đầu tư đổ xô đi mua những tài sản rủi ro như cổ phiếu và dầu thô, song song với việc bán tháo những tài sản an toàn như vàng, Yên Nhật và trái phiếu kho bạc Mỹ - một dấu hiệu rõ ràng cho thấy họ đang đặt cược vào khả năng kinh tế toàn cầu sớm phục hồi mạnh nhờ có vaccine phòng Covid-19.
Có 14 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ký thỏa thuận mua vaccine từ Pfizer và đối tác Đức của hãng dược này là BioNTech SE. Pfizer và BioNTech cho biết họ có thể sản xuất 1,3 tỷ liều vaccine Covid-19, đủ để chích ngừa cho 650 triệu người, trong thời gian đến hết năm 2021. Trong năm 2020, hai hãng này có thể cung cấp 50 triệu liều.
Ngoài ra, có ít nhất 4 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ký thỏa thuận với Moderna, hãng dược sử dụng cùng công nghệ thử nghiệm mRNA như Pfizer đang dùng. Theo dự kiến, Moderna cũng sẽ sớm công bố dữ liệu thử nghiệm vaccine Covid-19.
Mỹ và Nhật Bản là hai nước đặt mua nhiều nhất vaccine Covid-19 công nghệ mRNA của cả Pfizer và Moderna, tương ứng là 200 triệu liệu và 170 triệu liều. Một số nước đang phát triển như Peru và Ecuador cũng đã đặt mua vaccine của Pfizer.
Ngoài ra, việc Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn liệu pháp kháng thể của Eli Lilly dùng cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 thể từ nhẹ đến vừa cũng mang lại cho các bác sỹ thêm một "vũ khí" để chống lại virus.
NHỮNG THÁCH THỨC LỚN
Đến lúc này, tâm điểm chú ý được chuyển sang những thách thức lớn phía trước, đặc biệt là làm thế nào để triển khai vaccine mRNA xét tới việc loại vaccine này có những đòi hỏi rất cao về trữ lạnh và vận chuyển. Vaccine mRNA phải được trữ TRONG điều kiện đóng băng sâu ở âm 70 độ C, trong khi ngay cả nhiều bệnh viện lớn cũng không đáp ứng được, chứ đừng nói đến các nước đang phát triển mà cấp điện còn phập phù ở nhiều nơi.
Để đủ liều, mỗi người phải được tiêm hai mũi. Đây là một vấn đề rất khó theo dõi, nhất là ở những vùng xa xôi, khó liên lạc.
"Thông tin từ Pfizer là rất tích cực, nhưng không có nghĩa là chúng ta sẽ sớm được trở lại với các hoạt động bình thường như trước kia", nhà bệnh truyền nhiễm học Linda Selvey thuộc Đại học Queensland ở Australia phát biểu.
Theo bà Selvey, điều quan trọng là phải có đồng thời một số loại vaccine "để đảm bảo rằng mỗi người trên thế giới đều được bảo vệ".
Tại Anh, cơ quan chức năng đã bắt đầu quá trình đánh giá loại vaccine của Pfizer thông qua các dữ liệu lâm sàng theo thời gian thực để việc phê chuẩn có thể diễn ra nhanh chóng hơn. Nhờ vậy, Anh có thể sẽ bắt đầu tiêm phòng Covid-19 sớm hơn các nước trong Liên minh châu Âu (EU).
Shanghai Fosun Pharmaceautical - công ty dược phẩm nắm quyền phân phối vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer tại Trung Quốc đại lục và Hồng Kông - dự kiến sẽ tiến hành thử nghiệm bổ sung tại chỗ để loại vaccine này sớm được cơ quan chức năng Trung Quốc phê chuẩn cho sử dụng trên diện rộng.
Về phần mình, Trung Quốc đã cho phép 3 loại vaccine sản xuất trong nước được sử dụng khẩn cấp, với hàng trăm nghìn người đã được tiêm. Sự hoài nghi đã gia tăng quanh việc các công ty Trung Quốc đã cung cấp vaccine cho nhiều người đến vậy mà không xảy ra sự kiện bất lợi nào như sự kiện khiến Brazil phải ra lệnh dừng thử nghiệm loại vaccine của Sinovac.
Một nhà nghiên cứu thuộc viện Instituto Butantan ở Sao Paulo, đơn vị hợp tác với Sinovac để sản xuất vaccine Covid-19 tại chỗ, cho biết một người tham gia thử nghiệm loại vaccine này đã chết và cái chết không liên quan tới loại vaccine được thử. Gần đây, các hãng AstraZeneca và Johnson & Johnson cũng phải dừng thử nghiệm vaccine Covid-19 của họ để điều tra về những sự kiện bất lợi rồi mới khởi động trở lại.
Dù vậy, nếu có bất kỳ vấn đề an toàn nghiêm trọng nào được phát hiện với một loại vaccine trong số trên, thì phát hiện như vậy có lẽ đã quá muộn đối với nhiều người.
"Câu hỏi quan trọng nhất nằm ở vấn đề thời gian", chuyên gia về vaccine Michael Kinch thuộc Đại học Washington phát biểu. "Vấn đề sống còn là phải theo dõi tính an toàn và hiệu quả trong những tuần và tháng tới đây. Chúng ta đã học được bài học rằng cần phải nhìn vào dài hạn".