Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội trao đổi với VnEconomy về vấn đề này.
Trong các vụ án liên quan đến đất đai bị khởi tố và đưa ra xét xử thời gian qua có cả sai phạm của doanh nghiệp và từ sự bất chấp pháp luật của một số cán bộ khi lợi dụng kẽ hở pháp luật, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thâu tóm đất vàng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước. Việc lộ diện ngày càng nhiều các vụ án liên quan đến đất đai đang cho thấy điều gì?
Đất đai là tài sản có giá trị rất lớn, là một tư liệu sản xuất đặc biệt mà nhà nước có những quy định về quản lý rất chặt chẽ. Việc giao đất cho các tổ chức, cá nhân sử dụng phải theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và phải theo trình tự thủ tục luật định và phải do cơ quan có thẩm quyền tiến hành thực hiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, những vụ án xảy ra, khi mà hàng loạt những khu đất vàng đã rơi vào tay các doanh nghiệp tư nhân, thì rõ ràng cái đầu tiên ta nhìn thấy là một sự thất thoát tài nguyên đất đai.
Thứ hai, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng đạo đức lối sống của một số cán bộ. Đặc biệt là cán bộ lãnh đạo có chức vụ, có nhiệm vụ, có thẩm quyền trong việc giao đất thực hiện các thủ tục giao đất cho doanh nghiệp.
Thứ 3, xuất hiện hiện tượng cấu kết, ăn chia giữa người có chức vụ quyền hạn với doanh nghiệp và có sự câu kết với nhau thành những doanh nghiệp sân sau, những lợi ích nhóm. Họ ăn chia, chia chác trên cơ sở đặc quyền, đặc lợi của một số cán bộ thoái hoá, biến chất. Dần dần nó tạo ra một sự bất bình đẳng trong xã hội.
Việc giao đất, chuyển nhượng đất sai chức năng, nhiệm vụ và sai cả đối tượng sẽ mang tới những hệ lụy như thế nào, đặc biệt là những khu đất vàng, có vị trí đắc địa?
Về nguyên tắc, nhà nước sẽ giao đất cho tổ chức, cá nhân sử dụng đảm bảo có hiệu quả để phát triển kinh tế xã hội. Thế nhưng khi đất “vàng”, đất có vị trí đắc địa lại giao vào tay những doanh nghiệp để phân lô, bán nền, hưởng lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, rồi sau đó ăn chia với nhau thì hoàn toàn không mang lại giá trị gì cho xã hội, mà chỉ mang lại giá trị cho một nhóm người, một số các đối tượng nhất định.
Trường hợp sau vài năm, thậm chí hàng chục năm, lô đất đó vẫn bỏ hoang gây lãng phí. Nếu quản lý không tốt, lãng phí như vậy làm cho giá đất thổi lên thì dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội. Những doanh nghiệp chân chính không thể chen chân vào để sử dụng đất đó để sản xuất, khai thác được. Giá đất đội lên thì người lao động muốn thực hiện ước mơ có một ngôi nhà của mình sẽ trở thành điều rất xa vời.
Trong vụ án chuyển nhượng dự án Phước Kiển, dự án KDC Ven sông tại TPHCM gây thất thoát cho nhà nước hơn 730 tỷ đồng, Viện kiểm sát nhân dân TPHCM đã ban hành cáo trạng, đề nghị truy tố các bị can theo quy định pháp luật. Còn Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai là bên tham gia góp vốn hợp tác, nhận chuyển nhượng dự án này được tách ra để tiến hành điều tra, làm rõ trách nhiệm ở một vụ án khác. Việc tách riêng các hành vi trong vụ án này có ý nghĩa như thế nào?
Đây là vụ án xử lý về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí và chủ thể vi phạm là người có chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý sử dụng tài sản nhà nước. Có lẽ đối với vụ án này, tội danh này có thể chưa bao quát hết tất cả những hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Bởi vậy, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm phải làm rõ nguyên nhân, động cơ sự việc, làm rõ yếu tố lỗi và hành vi của tất cả các tổ chức, cá nhân có liên quan. Trên cơ sở đó đối chiếu với các quy định của pháp luật để xác định hành vi nào vi phạm pháp luật, hành vi đó đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của các tội danh mà Bộ luật hình sự đã quy định hay chưa để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Thông thường, trong những vụ án vi phạm quy định về quản lý đất đai, quản lý tài sản công thì các cán bộ quản lý sa ngã, vi phạm pháp luật thường bị cám dỗ vật chất, vì lợi ích cá nhân hoặc do thiếu trách nhiệm, thiếu chuyên môn nghiệp vụ. Bởi vậy nguyên nhân, điều kiện phạm tội là yếu tố quan trọng để xác định yếu tố nào khác thúc đẩy các bị can thực hiện hành vi phạm tội và có đồng phạm khác hay không, có người khác vi phạm pháp luật khác hay không?
Trong trường hợp nguyên nhân điều kiện phạm tội là do chia chác về lợi ích thì cần phải làm rõ có hành vi đưa nhận hối lộ hay không, hành vi của những người khác có thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm với vai trò là người giúp sức hay không để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp nào làm ăn cũng muốn chi phí ít, lợi nhuận cao. Tuy nhiên, nếu trong quá trình thực hiện các dự án, các hoạt động đầu tư, kinh doanh mà người quản lý doanh nghiệp biết rõ là hành vi vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, mong muốn hậu quả có được "tiền bẩn", lợi ích từ hành vi vi phạm pháp luật thì cần phải xem xét xử lý.
Trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và quan chức thì có thể chỉ có một bên vi phạm, một bên sẽ là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự. Cũng có thể trong mối quan hệ đó là quan hệ thân hữu, là sân sau, là chia chác lợi ích thì cần phải xem xét xử lý cả hai bên về những hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Vấn đề này tòa án, hội đồng xét xử sẽ tiếp tục xem xét làm rõ trong thời gian tới đây.
Trong vụ án này, cáo trạng có đề cập đến việc, năm 2018, giữa Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai và Công ty Tân Thuận đã hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng đất. Công ty Tân Thuận trả lại cho Công ty Quốc Cường Gia Lai hơn 374,2 tỷ đồng và tiền thuế VAT, lãi suất. Việc hủy bỏ hợp đồng ở giai đoạn này có tính chất gì?
Theo quy định, hợp đồng là thỏa thuận giữa các bên nhằm xác lập quyền và nghĩa vụ, phải tuân thủ đúng hình thức và trình tự thủ tục. Khi hợp đồng đã có hiệu lực pháp luật thì bắt buộc các bên phải thực hiện và được nhà nước công nhận.
Trong thực tiễn, nhiều hợp đồng chưa được thực hiện xong nhưng do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan nên các bên có thể thỏa thuận huỷ, chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, pháp luật không cho phép việc hủy bỏ hợp đồng để trốn tránh nghĩa vụ dân sự hay che giấu hành vi vi phạm pháp luật. Đối với hợp đồng này thì việc hủy bỏ, chấm dứt hợp đồng, hoàn lại tiền cho nhau được thực hiện thì cơ quan điều tra đã vào cuộc xác minh, điều tra vụ án và số tiền này cũng đang được cơ quan điều tra tạm giữ nên có thể các bên không huỷ bỏ thì hợp đồng này cũng sẽ bị vô hiệu.
Việc huỷ bỏ hợp đồng trong bối cảnh này có thể là tình thế thực hiện giải pháp kiểu "ve sầu thoát xác" để trốn tránh trách nhiệm của các bên vi phạm. Tuy nhiên, nếu hành vi vi phạm đã thỏa mãn về mặt khách quan và dấu hiệu cấu thành tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự để tiến hành điều tra, xử lý.
Vậy nếu trong trường hợp doanh nghiệp biết việc chuyển nhượng là sai mà vẫn ký kết hợp đồng thì mức độ xử lý ra sao?
Nếu trong các giao dịch chuyển quyền sử dụng đất công mà bên nhận chuyển quyền không có lỗi, không biết là sai phạm thì sẽ được pháp luật bảo vệ. Ngược lại, nếu bên nhận chuyển nhượng biết là sai phạm nhưng vẫn thực hiện thì cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ. Hành vi đó đã gây thiệt hại như thế nào đối với tài sản của nhà nước, có thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của các tội danh nào mà Bộ luật hình sự đã quy định hay không để xử lý theo quy định của pháp luật.
Về nguyên tắc, khi giải quyết vụ án hình sự thì cơ quan điều tra, tiến hành tố tụng cần phải làm rõ tất cả các tình tiết có liên quan, làm rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Pháp luật quy định quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự phải theo trình tự thủ tục luật định, trong thời hạn luật định. Pháp luật cho phép tách vụ án, tách rút tài liệu để xem xét xử lý sau đối với những hành vi chưa rõ, trong quá trình chờ kết quả xác minh từ phía cơ quan chức năng thì cũng có thể tạm đình chỉ, tách rút tài liệu để đảm bảo về mặt thời hạn, thời hiệu theo quy định pháp luật.
Việc tách rút tài liệu để chờ xem xét xử lý là quan điểm của cơ quan điều tra và viện kiểm sát. Nếu những sai phạm đã được làm rõ có căn cứ cho thấy có đồng phạm khác, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm thì thẩm phán được phân công giải quyết vụ án và hội đồng xét xử cũng có quyền trả hồ sơ để điều tra bổ sung, đề nghị khởi tố thêm tội danh hoặc đề nghị khởi tố thêm bị can đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.
Nhìn lại các vụ án liên quan đến đất đai, có ý kiến cho rằng, nhiều cán bộ, đơn vị, doanh nghiệp sai phạm vẫn chưa được xứ lý nghiêm minh. Vậy làm thế nào khắc phục tình trạng này đồng thời tránh thất thoát, lãng phí nguồn lực đất đai?
Những hành vi về tham nhũng đã được Luật phòng chống tham nhũng liệt kê và Bộ luật hình sự quy định 7 nhóm tội danh. Ngoài ra, còn có nhóm tội phạm về chức vụ khác. Qua những vụ án xảy ra, chúng ta thấy rằng đất đai là lĩnh vực có những hành vi vi phạm rất nghiêm trọng và gây ra những thiệt hại rất lớn cho xã hội.
Có thực tế là, pháp luật quy định, khi tổ chức đấu giá về quyền sử dụng đất hoặc tổ chức đấu thầu dự án có sử dụng đất thì UBND cấp tỉnh là người có thẩm quyền giao đất, đồng thời cũng là người có thẩm quyền xác định giá khởi điểm. Luật quy định giá khởi điểm phải ít nhất bằng khung giá nhà nước quy định, mà khung giá nhà nước quy định lại chính là giá mà họ đưa ra.
Như vậy là UBND cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền giao đất đồng thời có thẩm quyền quyết định về bảng giá đất, khung giá đất, giá đất ở từng địa phận trên địa bàn và quyết định giá khởi điểm trong đấu giá, đấu thầu. Họ cũng là cơ quan trực tiếp tổ chức hoạt động đấu thầu đó. Mặc dù pháp luật có quy định nhưng rõ ràng là một cơ quan, đơn vị có quyền hành quá lớn mà không có một sự giám sát, sự đối trọng nào tương xứng khiến đất “vàng” chuyển sang đất tư nhân.
Hình phạt đối với các tội danh về tham nhũng theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện nay có 7 tội danh, thì có đến 4 tội có hình phạt cao nhất là tù chung thân, tử hình. Như vậy, chế tài pháp luật đã đầy đủ và nghiêm khắc. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là các giải pháp phòng ngừa tội phạm của chúng ta thực hiện chưa tốt. Ví dụ như chính sách còn có những điểm hở. Pháp luật có những quy định không còn phù hợp nữa. Và hành vi phạm tội xuất phát từ cơ chế, từ việc trao quyền.
Khi quyền lực trao quá nhiều trong tay người không có đạo đức tương xứng, họ rất dễ sa ngã, bị mua chuộc, lôi kéo, bị dụ dỗ. Bởi vậy, chúng ta phải có sự kiểm soát quyền lực. Kiểm soát được quyền lực đó mới kiểm soát được tham nhũng.