Nếu như năm 2018 giá vải thiều đầu mùa chỉ từ 18-25 nghìn đồng/kg, thì năm nay giá vải sớm bán tại vườn từ 35 - 55 nghìn đồng/kg. Thời điểm này, người dân xã Giáp Sơn, xã Phúc Hòa... bắt đầu thu hoạch vải sớm. Hiện tại, giá vải bán tại vườn dao động trên dưới 40.000 đồng/kg (cao gấp đôi so với năm ngoái), riêng vải VietGAP có giá bán trên 40.000 đồng/kg.Năng suất vải thiều của Lục Ngạn năm nay dự kiến chỉ đạt khoảng 70% so với năm 2018. Tuy nhiên, nhờ chăm sóc tốt, đặc biệt theo quy trình VietGap và GlobalGap nên chất lượng quả vải đảm bảo. UBND huyện Lục Ngạn cho biết, dự kiến, sản lượng vải thiều Lục Ngạn cả năm 2019 đạt ở mức trung bình, hơn 80 nghìn tấn, song chất lượng quả vải lại cao nhất từ trước đến nay. Sau vụ vải sớm, vải thiều chính vụ sẽ diễn ra trong khoảng từ 10/6 - 20/7.
Ngay từ đầu năm, tỉnh Bắc Giang đã chủ động công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ vải thiều, coi trọng tất cả các thị trường trong và ngoài nước… Bên cạnh duy trì các thị trường đã có, Bắc Giang dự định sẽ tăng số lượng xuất khẩu sang các thị trường như: Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia và mở rộng một số nước mới thâm nhập như: Nga, Canada, Singapore, các nước Trung Đông… Tại thị trường trong nước, trái vải sẽ tập trung tiêu thụ ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thông qua hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại.Diện tích trồng vải thiều năm 2019 của tỉnh Bắc Giang duy trì trên 28.000 ha, sản lượng ước đạt 150.000 tấn. Trong đó, diện tích vải thiều sớm khoảng 6.000 ha, với sản lượng 40.000 tấn. Diện tích vải thiều chính vụ khoảng 22.000 ha, cho sản lượng khoảng 110.000 tấn.Ở Lục Ngạn có nhiều giống vải gồm: U hồng, u trứng, u thâm, chính vụ và vải lai Thanh Hà. Trong đó, giống ngon nhất vẫn là vải thiều chính vụ, được người tiêu dùng ưa chuộng. Vậy nhưng cũng giống vải ấy khi áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP lại được giá cao hơn hẳn, lợi thế này không chỉ được khẳng định ở vụ vải năm nay mà trong nhiều năm trước đó. Vì thế, diện tích vải VietGAP, GlobalGAP ngày càng được mở rộng quy mô. Toàn huyện Lục Ngạn hiện có diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap đã lên tới 13.855 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGap là 218 ha (đã được Mỹ cấp mã số IRADS cho 394 hộ sản xuất, tập trung tại huyện Lục Ngạn).
Dù phải đến hơn mười ngày nữa mới có vải thiều Lục Ngạn hay vải thiều ở Thanh Hà (Hải Dương) nhưng lúc này nhiều phố phường Hà Nội đã có những xe bán hàng rong xuất hiện với tấm biển biết tay quảng cáo "vải thiều đầu mùa". Nhiều chủ hàng rong, hàng hoa quả khẳng định như đinh đóng cột, đây là vải thiều. Nhưng dân trong nghề - những người buôn vải, chủ vườn cho biết, đa số đó là vải lai, vải u trứng giả vải thiều, đánh lừa người tiêu dùng.Người bán hàng nào cũng đều khẳng định vải thiều được bán là vải "xịn", vải Lục Ngạn. Không ít người mua gặp khó khăn trong việc phân biệt vải thiều, loại nào ngon và "chuẩn". Đặc điểm nhận biết trái vải thiều là lớn cỡ ngón chân cái, quả tròn, tạo thành chùm, vỏ màu đỏ sậm. Bóc vỏ ra, bên trong là một lớp cùi trắng nõn, mọng nước, vị ngọt dịu mát, thơm mùi đặc trưng, hạt nhỏ. Về hình thức, vải thiều nhỏ hơn, chỉ bằng 70% vải lai, không tươi, đẹp bằng, trái tròn hơi đều. Một đặc điểm khác để phân biệt đó là vải thiều Lục Ngạn có lớp màng mỏng màu nâu giữa phần cùi và phần hạt.
Khi chọn mua vải, người tiêu dùng nên chú ý chọn chùm vải mà phần cành dính vào quả cũng như lá còn tươi. Không chọn các chùm có cành héo, khô, dễ gãy và lá đã bạc, héo, dập là loại quả vải đã được hái lâu hoặc tiếp xúc lâu với ánh sáng mặt trời. Vỏ quả vải có màu đỏ hồng, không có đốm, cầm tay bóp nhẹ thấy căng mọng, bằng cảm quan có thể dễ dàng nhận thấy nhưng quả vải như vậy thì phần vỏ tương đối nhẵn, ít sần sùi. Đặc biệt, tránh chọn những quả vải cành đã khô, vỏ có đốm khô, nhất là có đốm nâu (vết thâm) ở cuống vì quả như vậy dễ bị sâu đầu.