Đối với các thương hiệu thời trang xa xỉ, đây là một thách thức. Lãnh địa vốn được mặc định là thánh đường bất khả xâm phạm và được vận hành bởi các chuẩn mực cứng nhắc này giờ đây đang buộc phải tuân theo luật chơi mới trong kỷ nguyên của nền kinh tế chia sẻ, nơi hành vi tiêu dùng đang bị chi phối bởi nhu cầu về tốc độ, ý thức về tính minh bạch của sản phẩm cũng như tính bền vững của môi trường sống.
Trong ngành công nghiệp xa xỉ, đặc biệt là lĩnh vực thời trang cao cấp, đề tài tiêu hủy hàng tồn rất ít khi được thảo luận. Ở góc độ nhà sản xuất, ai cũng hiểu rằng, dù đó là hành động gây lãng phí, nhưng các nhãn hàng xa xỉ vẫn buộc phải làm nhằm duy trì độ khan hiếm hàng hóa cũng như tính đặc quyền của thương hiệu.
Ở góc độ người tiêu dùng, đặc biệt là lớp khách hàng thế hệ Y và Z – những người đặc biệt quan tâm đến tính bền vững của môi trường sống – hành động tiêu hủy sản phẩm không chỉ gây ra lãng phí, mà còn góp phần tác động tiêu cực đến môi trường, và do đó, họ có xu hướng ủng hộ hàng đã qua sử dụng như là một cách thức đáp ứng nhu cầu về sự đa dạng, tính bền vững và linh hoạt.
Với thế hệ người tiêu dùng mới, giờ đây việc mua lại hoặc thuê lại các mặt hàng từng thuộc sở hữu trước đó không chỉ đáp ứng nhu cầu về sự mới mẻ, mà còn giúp kéo dài vòng đời của sản phẩm. Và đó chính là yếu tố giúp kích hoạt thị trường resale (bán lại) – phân khúc đang hứa hẹn ăn nên làm ra trong những năm tới.
Mới đây nhất, nhà mốt lâu đời của nước Ý - Valentino lần đầu tiên chính thức gia nhập thị trường resale cao cấp. Dự án của Valentino sẽ được thực hiện trong hai giai đoạn. Giai đoạn một bắt đầu vào ngày 27/10, khi website Valentino.com sẽ mở ra một trang tin mới, cung cấp tất cả thông tin cần thiết để mang lại “cuộc sống” thứ hai cho các sản phẩm Valentino vintage.
Người bán có thể truy cập vào Vintage Store từ website của Valentino để đăng ký nhận thẩm định (trực tiếp hoặc qua hình ảnh trực tuyến) cho các sản phẩm Valentino cũ của họ. Nếu sản phẩm nhận được đánh giá tích cực từ cửa hàng, đội ngũ phụ trách sẽ gửi email cho người bán để đặt lịch hẹn gặp thứ hai để đánh giá lần cuối và định giá cho sản phẩm. Khi cả hai bên đã đồng thuận, người bán sẽ nhận được một voucher với mức giá như đã thống nhất và họ có thể sử dụng voucher này để mua hàng tại các cửa hàng có liên kết với Vintage Store.
Giai đoạn hai của chương trình Valentino Vintage sẽ bắt đầu vào tháng 1/ 2022, các Vintage Store sẽ bắt đầu bán các sản phẩm Valentino vintage ra công chúng.
Trước đó, hồi tháng 8, báo cáo thường niên của The RealReal – công ty lớn nhất thế giới về resale và ký gửi các mặt hàng xa xỉ phẩm chính hãng trên nền tảng online, cho thấy số lượng người mua trên thị trường bán lại đã tăng cao trong phân khúc mặt hàng cao cấp vào năm 2021, vì người tiêu dùng có nhận thức hơn và tính bền vững trở thành trọng điểm. Khoảng 43% người mua chia sẻ rằng yếu tố quyết định khi mua sắm trên các website bán lại là do tính bền vững, và khoảng 40% người mua cho biết rằng các trang điện tử này đang đóng vai trò thay thế cho thời trang nhanh.
Cũng theo báo cáo này, Gucci và Louis Vuitton đang giữ vị trí là những thương hiệu cao cấp bán chạy nhất trên trang The RealReal. Nhu cầu sở hữu các sản phẩm của Gucci tăng đáng kể so với năm ngoái, điều đó khiến Gucci trở thành thương hiệu được mua và bán nhiều nhất trong 12 tháng qua. Qua từng năm, lượng mua hàng của Gucci đã tăng 62% và các lô hàng tăng đến 61%. Theo sau Gucci và Louis Vuitton là Chanel, Prada và Dior lần lượt ở các vị trí thứ ba, thứ tư và thứ năm.
Theo thống kê từ tạp chí WWD, hiện có hơn 50 công ty thời trang quốc tế đang đầu tư thường trực vào thị trường đồ cũ. Góp mặt khá đông đảo trong số này là những tập đoàn bán lẻ, nhà mốt lớn như Burberry, Louis Vuitton, Levi’s, Nordstrom, Gucci, GAP và H&M.