April 12, 2012 | 09:37 GMT+7

Vẫn băn khoăn số phận vàng “phi SJC”

An Huy

Tính đến thời điểm hiện tại, thì thiệt hại rõ nhất đối với những người dân nắm giữ vàng miếng “phi SJC” là về giá

Tính đến thời điểm hiện tại, thì thiệt hại rõ nhất đối với những người dân nắm giữ vàng miếng “phi SJC” là về giá.
Tính đến thời điểm hiện tại, thì thiệt hại rõ nhất đối với những người dân nắm giữ vàng miếng “phi SJC” là về giá.
Dù lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng “không phân biệt đối xử giữa vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác”, những nhà đầu tư đang nắm giữ vàng miếng “phi SJC” chắc hẳn vẫn đang có những băn khoăn về tài sản này của mình.

Trong một bài trả lời phỏng vấn cách đây ít ngày đăng tải trên website của Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, khẳng định: “Vàng miếng khác (không mang thương hiệu SJC - PV) thuộc sở hữu hợp pháp của các tổ chức, cá nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ, được mua bán, trao đổi tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng sau thời hạn chuyển tiếp do Ngân hàng Nhà nước quy định”.

Cũng trong bài phỏng vấn này, ông Huy khuyến cáo “người dân cần bình tĩnh, thận trọng trước các thông tin thất thiệt liên quan đến vàng miếng khác để tránh các thiệt hại không đáng có”.

Tính đến thời điểm hiện tại, thì thiệt hại rõ nhất đối với những người dân nắm giữ vàng miếng “phi SJC” là về giá. Ngoài một số loại vàng như PNJ và SBJ có giá tương đối sát với vàng SJC, thì một số loại khác như vàng AAA và vàng Rồng Thăng Long có giá cách xa so với vàng SJC.

Cụ thể, vào cuối giờ chiều ngày 11/4, vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu có giá 42,35 triệu đồng/lượng (mua vào) và 42,65 triệu đồng/lượng (bán ra), thấp hơn giá vàng SJC do chính doanh nghiệp này niêm yết 960.000 đồng/lượng ở chiều mua và 760.000 đồng/lượng ở chiều bán ra. Vàng AAA cùng thời điểm được Bảo Tín Minh Châu mua vào và bán ra ở mức 42,4 triệu đồng/lượng và 42,75 triệu đồng/lượng.

Giả sử có một nhà đầu tư đang nắm giữ vàng Rồng Thăng Long muốn đổi sang vàng SJC, thì người đó có thể bán được vàng Rồng Thăng Long cho Bảo Tín Minh Châu với giá 42,35 triệu đồng/lượng, và mua vàng SJC tại chính công ty này với giá 43,41 triệu đồng/lượng. Mức thiệt hại sẽ là 1,06 triệu đồng/lượng, cho dù chất lượng của hai miếng vàng được hiểu là không có gì khác nhau.

Hiện tại, giá vàng thế giới quy đổi tương đương khoảng 41,6 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán lẻ 1,8 triệu đồng/lượng, và thấp hơn giá vàng Rồng Thăng Long bán ra 1,05 triệu đồng/lượng.

Một nhà kinh doanh vàng lâu năm ở thị trường Tp.HCM nhận định, việc vàng SJC liên tục đắt hơn vàng thế giới trên dưới 2 triệu đồng/lượng suốt từ đầu năm tới nay có thể xuất phát từ việc SJC đối mặt với tình trạng “có cầu mà không có cung”. Cụ thể, từ đầu năm tới nay, SJC không còn được dập vàng miếng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, trong khi đó, nhu cầu mua vàng miếng lại dồn vào thương hiệu này, cộng thêm nhu cầu chuyển đổi từ vàng “phi SJC” sang SJC do hiệu ứng tâm lý từ khi Nghị định 24 còn là dự thảo.

Trong khi đó, trái ngược với tương quan cung-cầu đối với vàng SJC, các thương hiệu vàng miếng khác chứng kiến sự gia tăng của nguồn cung khi người dân tăng cường bán ra. Trả lời phỏng vấn báo chí thời gian qua, Công ty Bảo Tín Minh Châu vẫn khẳng định, việc họ phải “đại hạ giá” vàng Rồng Thăng Long là do người dân bán ra mạnh, có khi doanh nghiệp này không đủ tiền mặt để mua vào (!?).

Tuy nhiên, vàng “phi SJC” được thu mua rẻ thì mức giá bán ra cũng rẻ. Bởi vậy, nhà kinh doanh vàng đề nghị giấu tên ở Tp.HCM cho rằng, tuy không được người dân mua vào nữa, nhưng các loại vàng “phi SJC” trong diện “đại hạ giá” có thể vẫn được nhiều doanh nghiệp kim hoàn mua về để sử dụng như vàng nguyên liệu.

“Các loại vàng này đều có hàm lượng 99,99%, nếu có để dùng làm nguyên liệu thì quá tốt. Bằng cách hạ giá vàng, các thương hiệu không phải SJC đã tạo ra một thị trường ngách mới”, vị này nói.

Như vậy, với đầu vào và đầu ra đều có, thì các doanh nghiệp có thương hiệu vàng “phi SJC” vẫn không lo bị lỗ, nhất là khi chênh giá mua-bán các loại vàng này thường xuyên ở mức cao. Chẳng hạn,  giá mua vàng Rồng Thăng Long mà Bảo Tín Minh Châu đang áp dụng thấp hơn giá bán 300.000 đồng/lượng.

“Xét cho cùng, thiệt hại vẫn thuộc về người dân đã trót mua vàng miếng không phải SJC”, nhà kinh doanh vàng nói trên phát biểu.

Trở lại với cam kết của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước về việc đảm bảo quyền lợi cho người dân nắm giữ vàng “phi SJC”, một câu hỏi đặt ra là sau thời hạn chuyển tiếp 6 tháng kể từ ngày Nghị định 24 có hiệu lực vào 25/5/2012, giá vàng “phi SJC” sẽ do ai quyết định?

Ông Lê Xuân Tùng, Tổng giám đốc Công ty Phú Quý, cho rằng, việc định giá các loại vàng “phi SJC” có thể vẫn sẽ do các công ty đã phát hành các loại vàng này thực hiện.

Khi đó, liệu giá vàng “phi SJC” có được đưa về chung một mặt bằng với SJC, hay vẫn được niêm yết thấp hơn như hiện nay? Liệu Ngân hàng Nhà nước có thực hiện một chương trình chuyển đổi từ vàng phi SJC sang SJC để đảm bảo quyền lợi cho người dân? Giả sử độ chênh giá với vàng SJC không được cải thiện đáng kể, thì xem ra, người nắm giữ vàng “phi SJC” vẫn sẽ chịu thiệt như trước khi có Nghị định 24.

Hiện nay, các loại vàng “phi SJC” vẫn chủ yếu được thu mua ở các đơn vị phát hành. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) chỉ thu mua vàng SJC, Công ty Sacombank-SBJ chỉ giao dịch vàng SBJ và SJC, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) chỉ mua bán vàng PNJ và SJC…

Một số công ty kinh doanh vàng lớn không phát hành vàng miếng như Phú Quý thì có chính sách hỗ trợ khách hàng bằng cách mua cả vàng “phi SJC” với giá như các đơn vị phát hành các loại vàng này niêm yết. “Chúng tôi sẽ bán lại vàng miếng các thương hiệu này cho các công ty phát hành hoặc dùng làm nguyên liệu để thuê chế tác nữ trang”, ông Tùng cho biết.

Trong khi đó, đa phần các tiệm vàng nhỏ ở Hà Nội được VnEconomy khảo sát đều từ chối mua vàng miếng không phải SJC.

Theo số liệu của SJC, doanh nghiệp này hiện chiếm 90% thị phần vàng miếng trong nước. Một số nhà kinh doanh vàng cũng cho rằng, các loại vàng phi SJC cùng lắm cũng chỉ chiếm 10-15% lượng vàng miếng trong dân hiện nay. Tuy vậy, việc đảm bảo quyền lợi của “thiểu số” những người nắm giữ vàng miếng không phải SJC có lẽ cũng là điều mà cơ quan chức năng cần tính đến khi Nghị định 24 có hiệu lực.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate